Dệt ước mơ vượt số phận

- Chiếc xe máy 3 bánh mỗi ngày đều đặn chạy từ thôn Cả, xã Minh Thanh lên thị trấn Sơn Dương. Chạy chiếc xe ấy là một người phụ nữ chỉ cao bằng học sinh lớp 4, lớp 5, nhưng ý chí, nghị lực của chị giống như bông hoa hướng dương, cứ hướng về phía mặt trời mà kiêu hãnh sống.

Chiếc xe máy 3 bánh trở thành phương tiện mưu sinh của chị Đào.

Từ giấc mơ có thật…

Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Đào. Chị Đào ví von, cuộc đời mình giống như một cuốn phim bi, mà ở đó, hạnh phúc, niềm vui chỉ đong đếm bằng ngày bằng tháng.

Chị Đào sinh năm 1977. Cha mất sớm, mẹ cũng chạy đáo đôn khắp làng ai thuê gì làm nấy, nhà chỉ còn 6 chị em bảo ban, nương tựa vào nhau. Từ khi sinh ra, chị không may mắc viêm xương, hai bàn chân quặp lại không đi lại được. Ngày còn nhỏ, chị mặc cảm lắm. Cũng may, gia đình đông anh chị em, lũ em biết chị buồn nên cứ hết giờ học là bày đủ thứ trò chơi để kéo chị mình cùng vào tham gia. Nhưng hễ có thêm bạn bè của em đến, là chị Đào trốn tiệt. Chị bảo, lúc đấy tuy còn nhỏ nhưng mình đã cảm nhận được sự khác biệt, khi các em, bạn bè đi lại, chạy nhảy bằng hai chân, trong khi mình phải đi lại bằng 2 đầu gối.

Cái mặc cảm, tự ti ấy đeo bám chị suốt 23 năm trời. Ước mơ lớn nhất của chị Đào suốt 23 năm ấy là được đứng thẳng và bước đi bằng đôi chân mình, dẫu chỉ một lần trong đời.

May mắn mỉm cười khi ở tuổi 24, chị được một tổ chức khám chữa bệnh và mổ chân miễn phí. Chị Đào kể lại, suốt một năm trời mổ và điều trị ở Thái Nguyên, chỉ có chị và mấy người em qua chăm sóc. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, tiền khám chữa bệnh được miễn phí toàn bộ, nhưng tiền ăn với mấy chị em là cả gánh nặng. Người em trai thương chị, xin đi làm thuê ở nhà bếp bệnh viện để đổi lấy bữa cơm cho chị gái, còn mình thì nhịn hoặc ăn mỳ tôm. Bệnh nhân cùng phòng thấy vậy thì san sẻ bữa cơm ấy thành 3 phần, cho cả 2 chị em cùng ăn. Bác sĩ điều trị và chăm sóc thương hoàn cảnh gia đình, cũng cho mấy chị em vay tiền ăn trước, lúc nào có thì trả. Chị Đào bảo, ngày còn nhỏ, mình chưa hiểu hết về cuộc đời, cứ oán thán số phận mãi. Đến khi ra đời, được hưởng những “đặc ân” tuyệt vời ấy, mới biết cuộc đời này, những hạnh ngộ...

Sau 1 năm nẹp chân, lần đầu tiên, ở tuổi 25, chị Đào hiện thực giấc mơ được đi lại bằng đôi bàn chân của mình. Những ngày đầu còn phải đi lại bằng nạng, chị đã không kìm được mà chống nạng đi khắp nhà, khắp xóm. Sau để bỏ nạng, chị nhờ người em trai buộc dây từ nhà mình qua nhà em để tập bước đi như trẻ lên hai. Bấy giờ 2 đứa con còn nhỏ, đứa lớn dắt mẹ, đứa bé lẫm chẫm theo chân. Chị bảo, cảm giác ấy, đến giờ vẫn không thể quên được.

Chị Đào bán hàng cho khách.

Sống như đóa hoa

Đi lại được, chị Đào giống như con chim được sổ lồng. Chị tranh thủ làm hết những việc mà trước đây mình chưa được làm, từ cấy hái đến cắt cỏ, mà không nghĩ được rằng, từ chính những công việc ấy dẫn đến bi kịch lần thứ hai trong đời. 12 năm sau phẫu thuật chân, những vết thương bắt đầu tái phát. Ban đầu chỉ là những vết thương nhỏ, đau âm ỉ, sau nó lan dần ra và bùng lên những cơn đau dữ dội.

Tái khám, chị Đào bàng hoàng khi được bác sĩ kết luận căn bệnh viêm xương tái phát, phải cắt bỏ 2 chân nếu không muốn nguy hiểm đến tính mạng. Người chồng gắn bó với chị từ những ngày cơ cực, có lẽ vì quá sợ, bỏ đi biệt tích. Thời điểm ấy, cuộc đời chị giống như rơi vào vũng tối. Nhiều lúc nghĩ quẩn, nhưng lại nghĩ đến 2 đứa trẻ, đứa lớn mới lớp 4, đứa nhỏ hơn 1 tuổi, chị lại cắn răng, cố động viên mình bước qua. “Có lẽ đó là thử thách mà ông trời dành cho mình” - chị Đào nghĩ thế!

Quay trở lại xuất phát điểm, chị quyết định đi học nghề may. Người lành lặn thì đạp bàn đạp, chị thì học đạp mô tơ. Những đường may đầu tiên thẳng thớm và ngăn nắp, chị may mắn được nhận vào một công ty may tư nhân. Lúc đấy vì con mình lao lực lắm, ngày làm ở nhà máy, tối nhận thêm hàng về làm. Có những đêm thức trắng để kịp giao hàng, có thêm tiền đóng học.

Khi công việc ổn định, chị bắt đầu tham gia các nhóm tình nguyện, như nhóm tình nguyện Hoa Thủy Tiên, nhóm tình nguyện Đinh Tỵ 1977. Chị bảo 2 lần phẫu thuật đều là 2 lần trong túi không có một đồng nào, chị đã may mắn nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, từ bác sĩ đến các bệnh nhân cùng phòng. Cái ơn đấy, giờ chị muốn trả lại cuộc đời, để chia sẻ, động viên những người cùng cảnh ngộ.

Nghề may giúp chị Đào nuôi con ăn học nên người.

Có lần đi hỗ trợ một gia đình bố đơn thân nuôi 3 người con ở cùng xã, mà vừa giận vừa thương. Vợ bỏ đi, 4 bố con sống cùng nhau, nhưng vì thiếu bàn tay người phụ nữ, ngôi nhà bừa bộn đến độ khách đến nhà không có chỗ đặt chân. Chị bảo dọn dẹp lại ngôi nhà, vừa bảo người đàn ông: Có đủ chân đủ tay mà để như này có thấy có lỗi với những người như chị không? Người đàn ông ấy cúi gằm mặt, không nói được câu gì, lầm lụi cùng nhóm thiện nguyện thu dọn quần áo, quét dọn nhà cửa gọn gàng hơn.

Đến giờ, chị Đào không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu chuyến thiện nguyện. Từ hỗ trợ hộ gia đình khó khăn, gói bánh chưng ủng hộ đồng bào miền Nam bị Covid-19, ủng hộ các chốt kiểm dịch, các bệnh viện dã chiến trên địa bàn...

Mấy năm Covid-19, công việc làm ăn không thuận lợi, cộng với bệnh tật tái phát, chị Đào nghỉ việc ở công ty may để chạy chợ và chủ động thời gian khi bắt buộc phải nhập viện. Chiếc xe máy 3 bánh ấy chất đủ thứ hàng, từ hoa quả, máy ép nước mía đến quần áo... Góp nhặt, để nuôi con, để ngẩng cao đầu mà tự hào mình không đầu hàng số phận.

Tôi hỏi, có khi nào chị muốn dừng lại công việc thiện nguyện không? Chị Đào lắc đầu: “Cơ thể mình không lành lặn, không có nghĩa là trái tim mình bị khuyết, còn gặp những hoàn cảnh cần giúp đỡ, mình còn lên đường!”

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục