Mơ hồ quyền lợi
Anh Nguyễn Văn Tuấn, tổ 8, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) không nhớ mình đã mua bao nhiêu que Kit test nhanh Covid-19 từ sau Tết Nguyên đán đến giờ. Công việc tự do, lại thường xuyên di chuyển giữa các nơi khiến anh lo lắng về nguy cơ mắc bệnh của mình. Mỗi lần mua Kit test là một giá khác nhau, từ 80 nghìn đồng đến cả trăm nghìn đồng, tùy cửa hàng, tùy loại, thậm chí que không rõ nguồn gốc. Không chỉ que Kit test nhanh, khi số ca mắc trên địa bàn thành phố liên tục tăng, từ thông tin trên mạng xã hội và những người thân quen, anh Tuấn tìm mua thêm nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị để phòng bệnh như vitamin, bổ phế, nước muối sinh lý, nước súc họng. Tuy nhiên, chỉ mua được vitamin, nước súc họng, còn nước muối sinh lý và bổ phế hiệu thuốc nào cũng lắc đầu vì không còn hàng để bán. Không biết kêu ai, anh Tuấn cho biết, nếu có sự hướng dẫn và điều tiết của cơ quan chức năng thì sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng cục bộ như vừa rồi, khiến người cần thì không có, người không cần thì “găm” hàng sẵn để dành.
Cuối năm 2021, chị T.T.K.T (thị trấn Na Hang) rất bức xúc khi hình ảnh của mình và gia đình bị một số đối tượng đăng tải trái phép trên mạng xã hội để... đòi nợ. Đáng nói, món nợ này không phải chị hay người nhà vay, mà do một người quen của gia đình vay mượn nhưng không có khả năng trả. Để tạo sức ép, bên cho vay sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của những người quen biết với người vay với nội dung xuyên tạc, bịa đặt, gây áp lực trả nợ.
Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy các sản phẩm làm giả, hàng kém chất lượng.
Giải thích, yêu cầu gỡ hình ảnh với người đăng thông tin không được hồi đáp, để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và công việc, chị T.T.K.T phải tự giải thích trên trang cá nhân của mình, sau đó khóa trang cá nhân một thời gian để tránh bị ảnh hưởng.
Chị T.T.K.T không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều trường hợp, những người không liên quan gì đến các khoản vay liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin, đăng tải hình ảnh, thông tin liên quan công khai trên các mạng xã hội. Cả người vay, lẫn người thân quen, đều phải tự tìm cách “gỡ” những thông tin này. Không “gỡ” được thì đành “phó mặc”, để mọi việc tự chìm đi.
Theo Điều 8, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa; Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan; Quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; Quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ; Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật; Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Khi một trong 8 quyền lợi này bị xâm phạm, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện để được bảo vệ.
Tuy nhiên, qua khảo sát người tiêu dùng, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến 8 quyền của mình. Đặc biệt, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết phải phản ánh, khiếu nại sản phẩm khi mua bị lỗi hoặc chất lượng không đảm bảo qua các kênh giải quyết quyền lợi của mình ở đâu, chỉ biết phản ánh đến nơi mua sản phẩm.
Ngành chức năng vào cuộc
Hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được các cơ quan chức năng thực hiện tốt qua từng năm thông qua duy trì việc tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về lưu thông hàng hóa. Qua đó phát hiện kịp thời các cơ sở vi phạm, cảnh báo cho người tiêu dùng biết, lựa chọn sản phẩm an toàn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
Trong năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý hơn 200 vụ việc gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... Ngành nông nghiệp cũng đã thanh tra, kiểm tra đối với 124 lượt cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, lấy 75 mẫu để kiểm tra chất lượng; phát hiện 5 mẫu không đảm bảo chất lượng, được xử lý nghiêm theo quy định...
Nông sản chất lượng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hoàng Văn Hùng cho biết, mặc dù là đơn vị trực tiếp tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, tuy nhiên, có một thực tế là các vụ việc bị phát hiện, xử lý chủ yếu qua các đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, mặc dù đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nhiều năm, nhưng hầu như chưa năm nào, đơn vị nhận được thông tin phản ánh trực tiếp từ phía người tiêu dùng. Các thông tin chủ yếu được tiếp nhận thông qua các đợt tiếp xúc cử tri.
Như vụ việc cuối tháng 7-2021, nhiều nông dân ở xã Kim Quan (Yên Sơn) sử dụng giống ngô NK 7328 vào trồng vụ xuân. Hơn 3 tháng chăm sóc, 2 ha trồng giống ngô này kết hạt rất kém, gây thiệt hại không nhỏ đến người nông dân. Đáng nói, giống ngô này hoàn toàn chưa được trồng khảo nghiệm tại địa phương. May mắn hơn nhiều vụ việc liên quan, sau khi phản ánh đến cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông, Công ty Sygenta Việt Nam đã đồng thuận, cam kết hỗ trợ giống thực hiện mô hình thâm canh giống ngô biến đổi gen NK7328 ở chính những hộ dân bị tổn thất tại xã Kim Quan ngay trong vụ hè thu năm 2021.
Đây cũng là câu chuyện ở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Theo ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị thường xuyên ra quân kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Các thông tin phản ánh từ phía người dân rất ít, nếu không muốn nói là không có.
Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các đơn vị triển khai và thực hiện, nhưng chưa đạt được hiệu quả cao. Một số cơ quan và doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “trách nhiệm chung của toàn xã hội” để phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác để có những hoạt động tích cực hơn.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ
Theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Xuất nhập khẩu, Sở Công thương, một trong những khó khăn trong thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hiện nay là nguồn lực hỗ trợ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại tỉnh còn hạn chế, kinh phí chi cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa nhiều, dẫn đến nhiều khó khăn trong tuyên truyền và triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát các mặt hàng, đảm bảo an toàn chất lượng cho người tiêu dùng.
Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng như nhiều tỉnh, thành khác để làm đầu mối chuyên trách để tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu, khiếu nại cũng như tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ người tiêu dùng khi có yêu cầu. Hiện nay, ngoài các cơ quan liên quan như Cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm... người tiêu dùng khi gặp vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình, có thể gọi đến tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng toàn quốc 18006838, sẽ được tư vấn nên gọi cho cơ quan nào tùy theo từng lĩnh vực cụ thể.
Đầu năm 2022, Bộ Công thương đăng tải dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Dự thảo Luật hiện có một số nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành (ban hành năm 2010) như: khái niệm người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, lĩnh vực thu hồi hàng hóa có khuyết tật, các phương thức bán hàng, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. Ngoài ra, là các quy định mới liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án, để các công cụ hỗ trợ người tiêu dùng thiết thực và dễ đi vào cuộc sống hơn.
Đồng thời, với chức năng quản lý nhà nước, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, ngành Công thương vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trung tâm, cơ sở bán hàng tiêu dùng tổ chức thực hiện chương trình “Tuần bán hàng vì người tiêu dùng” với chính sách ưu đãi khách hàng và cam kết chất lượng phục vụ tốt nhất; triển khai thực hiện lấy ý kiến đánh giá của khách hàng trong thời gian diễn ra chương trình về hàng hóa, dịch vụ của đơn vị để cải tiến chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Luật sư Vũ Trung Kiên Để khuyến khích, thúc đẩy tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời khi các tổ chức thực hiện hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ người tiêu dùng; đưa việc đào tạo, tư vấn và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trở thành hoạt động thường xuyên của các tổ chức xã hội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao nhận thức của các cá nhân trong tổ chức từ đó sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng… Ông Đỗ Xuân Hải Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện, phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về hàng giả, hàng kém chất lượng để người dân nhận biết, phân biệt hàng chính hãng với hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm soát hàng hóa, nhất là các chợ nông thôn, chợ phiên để đảm bảo hàng hóa lưu thông đạt chất lượng, tạo sự công bằng trong kinh doanh. Trong tuyên truyền tập trung hướng dẫn người dân kiểm tra, đọc mã vạch và mã QR in trên bao bì sản phẩm; tem chống hàng giả… và hướng dẫn người dân kiểm tra hàng hóa, nhãn mác sản phẩm trên điện thoại Smartphone, từ đó nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân trong huyện về hàng giả, hàng kém chất lượng. Chị Trần Thanh Hằng Thôn 7 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) Hiện nay, mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn, sử dụng hàng hóa theo mục đích, yêu cầu. Tuy nhiên, tôi từng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là qua các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Nhưng do giá trị sản phẩm không cao và không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại. Tôi mong muốn tỉnh sớm thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người dân có đầu mối phản ánh các vấn đề nảy sinh, giúp cho các hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả. |
Gửi phản hồi
In bài viết