Đột phá phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch

- Nguồn nhân lực là một trong những điều kiện quyết định phát triển du lịch. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã được đề ra cụ thể trong Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Cơ chế, chính sách để tạo ra những đột phá về chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã có, vấn đề là làm sao những cơ chế, chính sách đó sớm được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ.

Các công ty lữ hành khảo sát du lịch vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Ảnh: Quang Hòa

Không thiếu nhưng còn yếu

Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đánh giá, chất lượng nhân lực ngành du lịch còn thấp. Các chương trình hợp tác, liên kết, hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo du lịch còn hạn chế. Trong những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân, du lịch cộng đồng, kỹ năng chế biến món ăn, kỹ năng giao tiếp cho nhân lực làm du lịch cộng đồng, nhân viên các nhà hàng, khách sạn... Đồng thời cử công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực du lịch tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức về du lịch.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, toàn tỉnh có gần 3.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành du lịch, trong đó, nhân lực có trình độ Đại học, Cao đẳng về chuyên ngành du lịch rất ít, chủ yếu được đào tạo từ các chuyên ngành khác. Theo Tiến sĩ Hà Thúy Mai, Phó trưởng Khoa, phụ trách Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Tân Trào, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh khá dồi dào, nhất là nhân lực bản địa, năng động, sáng tạo tuy nhiên chưa được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu kỹ năng, kiến thức về du lịch.

Phụ nữ dân tộc Dao xã Hồng Thái (Na Hang) giới thiệu với khách du lịch sản vật địa phương. Ảnh: Quang Hòa

Còn theo đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, nhân lực du lịch hiện nay chủ yếu là lực lượng lao động tại các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng homestay. Nhân lực du lịch của huyện am hiểu về phong tục, văn hóa, thông thạo địa hình là thế mạnh nổi bật tuy nhiên chỉ có rất ít người đã có chứng chỉ được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Số người có chứng chỉ đào tạo du lịch của huyện hiện nay mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng năm, huyện đều tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho nhân lực du lịch của huyện, hỗ trợ lực lượng lao động ngành du lịch đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn. Tuy nhiên đó mới chỉ là những lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cơ bản, chưa thực sự có quy mô bài bản và hệ thống. Trong khi đó, tâm lý e dè, ngại giao tiếp với khách du lịch và những kỹ năng du lịch cần thiết như kỹ năng hướng dẫn viên, ẩm thực, phục vụ bàn… gần như chưa được trang bị đầy đủ.

Cơ chế đã mở

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, nghị quyết về phát triển du lịch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành, trong đó xác định giải pháp trọng tâm là xây dựng nguồn nhân lực du lịch đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có trình độ, kỹ năng nghề cao, phù hợp với từng loại hình, sản phẩm du lịch. Tỉnh cũng xác định ưu tiên phát triển nhân lực tại chỗ,  quan tâm đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân  tham gia làm du lịch cộng đồng, làm du lịch trực tiếp, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án cũng đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tổ chức định kỳ các hội thi tay nghề du lịch và thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám thành phố Tuyên Quang tìm hiểu văn hóa dân tộc Tày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Quang Hòa

Nghị quyết số 09 ngày 20-12-2021 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghiệp vụ du lịch đối với người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhiệm kỳ này, tỉnh đã có những giải pháp về cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cụ thể, có lộ trình. Đây chính là cơ sở để khuyến khích nhân lực du lịch đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng du lịch.

Theo đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, bên cạnh việc triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo theo Nghị quyết số 09 ngày 20-12-2021 của HĐND tỉnh thì trước hết cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho nguồn nhân lực, tránh kiểu đào tạo “cầm tay chỉ việc” như trước đây mà phải tăng cường liên kết với các trường đại học có chuyên ngành du lịch để đào tạo chuyên sâu, bài bản hơn.

Chị Giàng Thị Sao, chủ vườn dâu tây, tổ 5, thị trấn Na Hang (Na Hang) cho rằng, cơ chế, chính sách của tỉnh đã có. Các giải pháp trong nghị quyết và đề án cần được sớm cụ thể hóa. Tỉnh cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch bản địa, chú trọng người dân tộc thiểu số và người trẻ. Bởi người trẻ có khả năng ứng dụng công nghệ để quảng bá du lịch rất tốt lại năng động, nhanh nhạy. Còn đồng bào dân tộc thiểu số lại am hiểu phong tục tập quán và nét văn hóa của dân tộc. Vì vậy cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những đối tượng này.

Để du lịch “cất cánh” nhờ sự đóng góp không nhỏ từ bàn tay, khối óc của những người trực tiếp làm du lịch. Bởi vậy, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một hướng đi đúng. Những cơ chế, chính sách đã ban hành cần được thực hiện hiệu quả, đồng bộ để trở thành “chất xúc tác” khuyến khích những người làm du lịch đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, kỹ năng và trình độ làm du lịch.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục