“Chất lính” của Đoàn Hoài Trung
Nhắc đến Đại tá Đoàn Hoài Trung, giới văn nghệ sĩ và báo chí đều biết đến ông là một sĩ quan quân đội đức độ, chuẩn mực. Ông đa tài hoạt động nhiều lĩnh vực, một nhà báo năng nổ nhiệt tình, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa, một nhà văn giàu lòng nhân ái, đạo diễn truyền hình chuyên nghiệp.
Đoàn Hoài Trung sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố mẹ đều là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Ông từng trải qua những ngày tuổi thơ dữ dội trên đất Bắc, phải sống xa cha mẹ đi sơ tán. Vừa đến tuổi trưởng thành ông đã thi vào đại học quân sự và được cử đi học tại Cộng hòa Séc. Tốt nghiệp, ông trở về công tác tại Sư đoàn Không quân 370 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).
Từ năm 2002, ông bất ngờ rẽ sang con đường làm báo: Báo Phòng không - Không quân, Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội. Không chỉ là nhà báo thân thiết của lính, đại tá Đoàn Hoài Trung còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đất “chất lính”. Ngoài ra, ông còn viết sách, làm thơ, sáng tác nhạc. Trong sự nghiệp của mình, ông đạt nhiều giải thưởng cao quý trong và ngoài quân đội.
Tác giả Đoàn Hoài Trung ký tặng sách.
Ông có nhiều tác phẩm viết về người lính và chiến tranh, đặc biệt viết về Điện Biên. Chẳng thế mà đi đến đâu, hễ nhắc đến tên Đoàn Hoài Trung, các cán bộ chiến sĩ đều biết và trìu mến gọi ông là nhà báo của lính! Còn ông thì thừa nhận: “Niềm đam mê lớn nhất của tôi là khắc họa hình ảnh người lính trong từng bài báo, tấm ảnh và cả thơ văn, phim ảnh…
Các tác phẩm tiêu biểu như: “Thắng B52 trên bầu trời Hà Nội”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tôi”, “Những chiến sĩ canh giữ trời xanh”, “Điện Biên bản hùng ca vang mãi muôn đời”, “Ba cây bưởi trước hầm Đại tướng”, “Về cội nguồn Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Về lại Điện Biên”, “Về lại Điện Biên - Bốn mươi năm vang mãi nhịp bước quân hành”, “Điện Biên - Bản hùng ca vang mãi muôn đời”, “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca còn mãi”…
Ông thành công ở nhiều tác phẩm về Điện Biên. Ông từng chia sẻ: “Tôi say mê đề tài Điện Biên, trước hết đây là một chiến thắng lẫy lừng năm châu, càng ngày chiến thắng này càng được thế giới nhìn nhận, như Bác Hồ từng nói: “một mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Một lý do nữa là ba, má của tôi cũng đã từng tham gia chiến dịch lịch sử này. Điều đặc biệt ba má tôi đã cưới nhau giữa mùa chiến dịch vào ngày 1 tháng 4 năm 1954... Tất cả đã trở thành nguồn cảm hứng, điểm tựa vững chắc để tôi tái hiện Điện Biên qua từng trang sách”.
Cống hiến đầy tâm huyết của một người lính
Tập ký sự “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca còn mãi” của tác giả Đoàn Hoài Trung vừa được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành ra đời đúng dịp Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Cuốn sách có độ dài hơn 300 trang. Tác phẩm được độc giả yêu thích bởi đây không chỉ là một tập ký sự đơn thuần mà còn là một hành trình đầy cảm xúc và sâu sắc, đưa người đọc trở lại những khoảnh khắc nghẹt thở của chiến dịch lịch sử cách đây 70 năm tại Điện Biên Phủ. Từ lời kể của những nhân chứng trực tiếp tham gia đến hình ảnh sống động về Điện Biên tươi đẹp ngày hôm nay.
Qua những trang sách, bạn đọc có thêm hiểu biết và được khơi dậy sự kiêu hãnh, lòng kính trọng sâu sắc đối với những anh hùng đã hy sinh và góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Có rất nhiều nhân vật, sự kiện có thật và truyền cảm hứng như “Đám cưới tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đó là khi chiến dịch kết thúc, hầm De Castries được những người lính dọn dẹp sạch sẽ trang trí làm phòng cưới của 2 người chiến sỹ Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản.
Tác phẩm Điện Biên Phủ bản hùng ca còn mãi.
Căn hầm dưới lòng đất của tướng Đờ Cát được ban tổ chức lễ thành hôn trang hoàng bằng các loại dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc. Bàn ghế tận dụng tại chỗ đủ cho bốn mươi, năm mươi khách mời, bàn cũng được phủ loại dù hoa. Trang trí thật đơn giản. Phía trước căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ rách địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22-5-1954”. Không hoa, không áo cưới, đám cưới giữa chiến trường Điện Biên, cô dâu chỉ biết vội vàng ra suối vuốt lại mái tóc và thay bộ áo cánh giản dị, chú rể thì nghiêm ngắn trong bộ quần áo lính. Vậy mà vẫn đẹp, vẫn thiêng liêng…
Hay câu chuyện huyền thoại về “Liệt sĩ Anh hùng Tô Vĩnh Diện và con đường kéo pháo”. Ngòi bút sắc bén của Đoàn Hoài Trung đã tái hiện sinh động câu chuyện trên những trang viết đầy ám ảnh: “Việc kéo pháo vào rất gian nan và vất vả, hoàn toàn dùng bằng sức người, có đoạn phải vượt qua những dãy núi cao như núi Pu Pha Sông cao 1.150 m, với độ nghiêng từ 60 đến 70 độ. Vì đường kéo pháo nằm trong tầm bắn của địch, liên tiếp có những trận mưa bom bão đạn nên việc kéo pháo của ta chỉ thực hiện vào ban đêm. Và kéo pháo ra lại càng gay go ác liệt và gian khổ hơn.
Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối - một con dốc cao, đường hẹp và cong rất nguy hiểm. Tô Vĩnh Diện và đồng chí Ty đã xung phong lái pháo. Nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo xuống thẳng đường. Một trong bốn dây kéo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Ty bị hất xuống suối.
Trước hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và đồng chí buông tay lái xông lên trước, lấy thân mình chèn bánh xe pháo. Pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ pháo dừng lại. “Dù sức cạn nhưng môi anh mấp máy trong hơi thở thì thào đủ để một người em như tôi hiểu “Pháo có còn không?”. Cận kề cái chết, chàng trai trẻ Tô Vĩnh Diện vẫn chỉ nghĩ đến giữ được pháo”.
Cuốn sách dành nhiều trang viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch, vị chỉ huy tài năng, đức độ đã ghi danh vào lịch sử và trong lòng nhân dân, như: “Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời”, “Vị Tướng yêu ca nhạc”, “ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về Mường Phăng lần cuối”…Tác giả Đoàn Hoài Trung cho biết: “Nói đến Điện Biên Phủ là phải nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuốn sách lần này, có rất nhiều chi tiết các bài viết liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt trong bài Điện Biên in đậm tên tuổi và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích đầy đủ phẩm chất “Nhân, nghĩa, liêm, trí, dũng, tín” của Đại tướng. Và bài “Theo Đại tướng về Mường Phăng” lần cuối đã phản ánh tình cảm của nhân dân Điện Biên với Đại tướng. Những tấm hình may mắn tôi được chụp Đại tướng ở Điện Biên cũng được đưa vào sách. Dù Đại tướng không còn hiện hữu trên cõi đời này, nhưng mỗi cánh rừng, tấc đất, dòng sông, ngọn núi Điện Biên đều in đậm hình bóng Đại tướng…”.
Ngoài ra còn có nhiều trang viết với những câu chuyện sinh động bước ra từ trang sách khiến người đọc xúc động bởi văn phong và cách thể hiện chân thực, hấp dẫn như bài ký: “Anh Giót truyền lửa cho tôi”, “Ba anh em trai đất Hà thành ở Điện Biên”, “Tác giả tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ chưa từng tới Điện Biên Phủ”, “Những chiến công của dũng sĩ tay cụt Hà Văn Nọa”…
Không chỉ dừng lại ở quá khứ lịch sử, cuốn sách mở ra bức tranh tươi đẹp của một Điện Biên hôm nay. Một Điện Biên vươn mình tỏa sáng, đổi thay từng ngày. Đồng thời, thông qua cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo cấp cao của tỉnh Điện Biên và những bài hát đầy xúc động của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, được phổ từ những bài thơ của chính tác giả Trần Hoài Trung.
Tập Ký sự “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca còn mãi” là những trang viết hào hùng, giá trị lịch sử sâu sắc. Qua những trang sách này, độc giả cảm nhận được sâu sắc tinh thần anh dũng, kiên trung của quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi để tiếp nối truyền thống dân tộc dựng xây quê hương, đất nước vững bền.
Gửi phản hồi
In bài viết