An toàn lao động

- Gần đây trên cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương, trong đó có nguyên nhân do chủ quan mất an toàn lao động. Thực trạng này đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần phải thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa các quy định về ATVSLĐ.

Tai nạn lao động - hậu quả nặng nề

Ngày 1-5, vụ tai nạn nổ lò hơi tại xưởng sản xuất gỗ tại tỉnh Đồng Nai đã cướp đi sinh mạng của 6 công nhân lao động. Dù trước đó, sự cố này đã được phát hiện và khắc phục, nhưng điều đáng tiếc vẫn xảy ra.

Trước đó, cuối tháng 4, vụ TNLĐ thảm khốc cũng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng Yên Bái tước đi sinh mạng của 7 công nhân. Nguyên nhân được tìm ra sau đó là sự bất cẩn của một công nhân trong e-kíp trực.

Trở lại với tỉnh ta, những vụ TNLĐ cũng để lại tổn thất nặng nề cho những gia đình không may có người gặp nạn.

Công ty Điện lực Tuyên Quang huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân, người lao động.

Khoảng 20h ngày 4-3-2023, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hitarp Việt Nam, có địa chỉ tại lô F1, Cụm công nghiệp Phúc Ứng, thôn Khuân Ráng, xã Phúc Ứng  (Sơn Dương) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 1 công nhân lao động tử vong. Nạn nhân là anh Nguyễn Thanh H, sinh năm 1998, trú tại thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), công nhân xưởng Đùn - Sợi.

Theo biên bản điều tra tai nạn của Đoàn điều tra TNLĐ (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), ngày 4-3-2023, anh Nguyễn Thanh H. được phân công làm việc ca đêm (từ 19 giờ 00 ngày 4-3-2023 đến 7 giờ 00 sáng ngày 5-3-2023), cùng làm việc với anh Nguyễn Thanh H. trong ca sản xuất còn có một số công nhân khác. Công việc của anh Nguyễn Thanh H. và các thành viên trong tổ là trực vận hành dây chuyền đùn - kéo sợi. Trong quá trình làm việc, anh H. phát hiện có sợi đứt nên đã dùng tay để xử lý, không may sợi đứt vướng vào tay và lôi cả người ngã vào lô của máy kéo sợi, sau đó hất văng nạn nhân xuống nền bê tông của Nhà xưởng dẫn đến tử vong.

Cũng trong năm 2023, 1 vụ TNLĐ xảy ra trên cầu An Hòa thuộc địa phận xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) cũng lấy đi sinh mạng của 1 công nhân lao động. Nạn nhân là ông Ngô Đăng D, trú tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thuộc Đội sửa chữa đường bộ số 4, Đoạn Quản lý và Sửa chữa đường bộ, Sở Giao thông Vận tải.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 30-8-2023, nạn nhân Ngô Đăng D. được phân công làm việc ca 2, trực bảo vệ cầu từ 14 giờ- 22 giờ. Khoảng 20 giờ 15 phút cùng ngày, trong khi đang làm việc, ông D. phát hiện có đối tượng nghi là đang tháo dỡ hộ lan tôn sóng của đường dẫn cầu nên đã gọi điện cho đồng nghiệp để liên hệ với Công an xã Vĩnh Lợi hỗ trợ. Trong khi chờ Công an đến giải quyết, ông D. đi bộ sang đường thì bị nam thanh niên điều khiển xe mô tô đâm trúng. Vụ tai nạn làm ông D. tử vong tại chỗ.
Mới đây nhất, hồi tháng 1-2024, 1 vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại công trường khai thác đá tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đã cướp đi tính mạng của 1 công nhân lao động.

Thực tế, TNLĐ có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, với bất kỳ người lao động, ở bất kỳ ngành nghề nào nếu không coi trọng việc bảo đảm an toàn khi làm việc.

Đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia về ATVSLĐ, TNLĐ hiện nay đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, bằng chứng rõ nhất là thời gian gần đây trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Hậu quả của TNLĐ không những gây ra nỗi đau về thể xác, tinh thần cho người lao động, mà còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tại Tuyên Quang, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2023 đến nay đã xảy ra 87 vụ TNLĐ, (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó làm 8 người chết, 36 người bị thương nặng và 43 người bị thương nhẹ. Một câu hỏi đặt ra vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến mất ATVSLĐ?

Ông Nguyễn Tiến Diễm, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - người tham gia điều tra nhiều vụ TNLĐ phân tích: Nguyên nhân mất ATVSLĐ có cả yếu tố chủ quan và khách quan mà yếu tố chủ quan đến từ 2 phía, cả người lao động và người sử dụng lao động. Thực tế cho thấy, rất nhiều người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp với trình độ văn hóa chưa cao, chưa có ý thức, tác phong công nghiệp; chưa được huấn luyện về ATVSLĐ thường xuyên. Đặc biệt, người lao động chỉ mong có việc làm, chưa quan tâm đến vấn đề an toàn trong lao động sản xuất, còn nhiều vi phạm về quy trình làm việc an toàn.

Đoàn kiểm tra của Công đoàn Khu Công nghiệp tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện ATVSLĐ tại Công ty May xuất khẩu TNHH MSA -YB (Khu công nghiệp Long Bình An).

Về phần người sử dụng lao động, thiếu quan tâm, đầu tư cải thiện điều kiện lao động; đưa vào sử dụng máy, thiết bị không đảm bảo an toàn; huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động không thường xuyên; chưa xây dựng hoặc xây dựng chưa đầy đủ quy trình, nội quy an toàn lao động; bố trí lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề chuyên môn được đào tạo, thiếu kiểm tra nhắc nhở người lao động tuân thủ các quy định về ATVSLĐ. Trang bị chưa đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, chủ quan chạy theo năng suất,  tiến độ…

Đơn cử tại Công ty TNHH Sung Lim Vina, thuộc Cụm công nghiệp Sơn Nam, xã Sơn Nam (Sơn Dương), ngày 27-10-2023, Đoàn Kiểm tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp đã phát hiện: Công ty TNHH Sung Lim Vina chưa thực hiện Kế hoạch ATVSLĐ theo quy định, chưa bố trí người làm công tác ATVSLĐ theo quy định tại Điều 72, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và cũng chưa thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Chưa kể doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm giờ không đúng quy định tại Điều 107, Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể, một số lao động đã được doanh nghiệp huy động làm thêm 54,5 giờ/tháng trong khi quy định của Bộ luật Lao động doanh nghiệp chỉ được phép cho lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng.

Một nguyên nhân khác, một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa phát huy hết vai trò trong việc bảo vệ người lao động, chưa nhận thức đúng về chức năng, trách nhiệm trong việc tuyên truyền vận động người lao động tham gia với người sử dụng lao động và các cấp quản lý thực hiện Pháp luật lao động và chính sách của Nhà nước về Bảo hộ lao động; mạng lưới an toàn viên thiếu, yếu… Đây là những nguyên nhân khiến cho những vụ TNLĐ xảy ra.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Người lao động khi làm việc sẽ chịu tác động của các yếu tố điều kiện lao động, trong đó, có những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại gây bất lợi cho bản thân người lao động, có thể gây ra TNLĐ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động. Phòng, tránh TNLĐ sẽ bảo vệ sức khỏe của người lao động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia ATVSLĐ, bảo đảm ATVSLĐ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATVSLĐ để người lao động, doanh nghiệp nắm bắt và tự phòng, tránh.

Các cấp, các ngành chức năng cũng cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong thực hiện ATVSLĐ. Qua đó phát hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế mất ATVSLĐ. Thực tế cho thấy sau cuộc kiểm tra đột xuất của Đoàn thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Công ty TNHH Sung Lim Vina, thuộc Cụm công nghiệp Sơn Nam, xã Sơn Nam (Sơn Dương), những tồn tại, hạn chế đã được khắc phục.

Ngoài ra, phải có cơ chế răn đe, xử phạt nghiêm các trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng.

Cùng với những giải pháp trên, để giảm thiểu TNLĐ, các doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn trong mọi điều kiện; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật bảo hộ lao động. Ưu tiên và coi trọng biện pháp phòng ngừa, bảo đảm công tác an toàn vệ sinh lao động gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy doanh nghiệp nào quan tâm, coi trọng ATVSLĐ, TNLĐ sẽ được kiểm soát. Điển hình như Công ty Điện lực Tuyên Quang, ATVSLĐ đã trở thành văn hóa của đơn vị và của công nhân, người lao động điện lực. Ông Hoàng Thành Trung, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Tuyên Quang chia sẻ, hoạt động trong lĩnh vực có nhiều yếu tố nguy hiểm, do đó ATVSLĐ luôn được đặt lên hàng đầu, ngoài công tác tuyên truyền, công ty cũng trang cấp đầy đủ bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân cho công nhân, củng cố phát triển mạng lưới an toàn viên ở tất cả các tổ, đội; xây dựng văn hóa an toàn trong từng công nhân ngành điện. Điều này đã giúp người công nhân, người lao động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Ông Nguyễn Tiến Diễm, Phó Chánh Thanh tra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, để đảm bảo ATVSLĐ người lao động cũng phải nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ tích cực tuyên truyền người thân, đồng nghiệp cùng thực hiện tốt công tác này. Có như vậy mới bảo đảm được môi trường lao động an toàn, hiệu quả và vấn đề TNLĐ không còn là nỗi lo của người lao động, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bà Lý Thị Hải Hiền
Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền

Nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và nâng cao ý thức chấp hành Luật cho người lao động, hàng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của an toàn vệ sinh lao động đến người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động đối với từng máy móc, thiết bị, vật tư... đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo đúng quy định. Hoạt động góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động, người sử dụng lao động về đảm bảo an toàn, vệ sinh trong lao động, giảm thiểu rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở.


Ông Đặng Tuấn Anh
Trợ lý Tổng Giám đốc, Trưởng phòng An toàn và Môi trường, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang

Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ 

Xác định an toàn lao động là một trong những yếu tố quan trọng để hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển ổn định nên công ty luôn chú trọng đến vấn đề này. Ngay từ khi được tuyển dụng vào làm việc, mỗi công nhân đều được huấn luyện an toàn tại vị trí làm việc. Công ty thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn thể cán bộ, người lao động nhằm kịp thời khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và đảm bảo sức khỏe của người lao động. Cùng với đó, người lao động được huấn luyện định kỳ về an toàn vệ sinh lao động theo quy định, được trang bị, cấp phát bảo hộ lao động tùy theo vị trí làm việc như: dây an toàn, mặt nạ phòng hộ; khẩu trang chống bụi; quần áo bảo hộ, giày bảo hộ, mũ bảo hộ, quần áo chịu nhiệt, giày chịu nhiệt, giày cách điện, khẩu trang, găng tay…

Đồng thời, công ty còn duy trì đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, đội ngũ vệ sinh viên để giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế quản lý an toàn vệ sinh lao động và kịp thời ứng phó sự cố khẩn cấp. Tại các xưởng sản xuất trong công ty đều đặt các điểm cảnh báo về an toàn, các thiết bị cảnh báo sớm, hệ thống phòng chống cháy nổ trong toàn nhà máy. Việc kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo đúng quy định. Công ty không ngừng cải thiện môi trường làm việc của người lao động bằng cách lắp đặt quạt thông gió, hệ thống hút bụi, phun phòng dịch diệt côn trùng, thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh và đo đạc các yếu tố trong môi trường lao động. 


Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thanh
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Seshin VN2

Phát huy hiệu quả mạng lưới an toàn, vệ sinh viên

Công ty TNHH Một thành viên Seshin VN2 hiện có trên 1.400 đoàn viên, công nhân lao động. Ban Chấp hành Công đoàn luôn tích cực phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty xây dựng và triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Công đoàn thành lập đội giám sát đảm bảo ATVSLĐ với 30 thành viên, hàng tháng phối hợp cùng Công đoàn và Công ty kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện ATVSLĐ tại các phòng, bộ phận. Ngoài ra, Công ty tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện định kỳ về công tác ATVSLĐ, diễn tập thực tế công tác phòng cháy chữa cháy, diễn tập công tác xử lý sự cố dây chuyền may, lập các nhóm Zalo, Facebook để tuyên truyền, triển khai đến người lao động những nội dung liên quan đến công tác ATVSLĐ. Công đoàn công ty tham mưu với ban lãnh đạo công ty chú trọng cải thiện môi trường làm việc để đảm bảo an toàn cho người lao động. Công đoàn công ty cũng đã có nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm an toàn, phát hiện các nguy cơ mất an toàn. Vì vậy trong nhiều năm qua, Công ty không để xảy ra tai nạn, mất an toàn trong lao động.


Chị Phạm Thị Kiều Anh 
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye, tại xã Tân Thành (Hàm Yên)

Bảo đảm an toàn trong sản xuất

Trước khi vào công ty làm việc, tôi đã được công ty tập huấn, hướng dẫn và phổ biến những quy định, nội quy bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Bản thân tôi cũng nhận thức rõ việc tuân thủ nghiêm các nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cũng chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, cũng như tài sản của công ty. Vì vậy, trong giờ làm việc, tôi luôn thực hiện nghiêm quy định về sử dụng máy móc, thiết bị, bảo hộ lao động, quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ... giúp nâng cao hiệu quả, năng suất công việc và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất.

 

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục