Suối nguồn kỳ diệu

- Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, thuộc phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang là một trong những điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng khi du khách đến với Tuyên Quang. Nơi đây, có nguồn nước khoáng nóng được ví như “thần dược” có thể chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là chữa các bệnh ngoài và bệnh xương khớp… là tiềm năng trong phát triển du lịch của địa phương.

Nằm trong các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Tuyên Quang, ngày 28/4, Ban Quản lý  các khu du lịch đã tổ chức chương trình ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng với chủ đề: Khoáng nóng Mỹ Lâm - Suối nguồn kỳ diệu.

Món quà từ lòng đất 

Cách trung tâm thành phố Tuyên Quang chừng 12 km có một nguồn nước khoáng nóng được người dân truyền tai nhau coi như là “thần dược” đã tồn tại hàng trăm năm, thuộc xóm Nước Nóng (nay là tổ 6, phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang).

Trời tảng sáng, chúng tôi đã có mặt ở xóm Nước Nóng, người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Đặng Văn Chi. Gia đình ông Chi có 4 đến 5 thế hệ ở đây, thuộc những hộ lâu đời nhất xóm Nước Nóng. Ông Chi năm nay đã 60 tuổi, nhưng vẫn giữ được vóc dáng khỏe mạnh, dẻo dai, ngoài vận động thường xuyên.

Gia đình ông còn dùng nước khoáng nóng trong sinh hoạt hàng ngày. Ông Chi kể: những năm trước đây người bệnh ở khắp nơi đến đây lấy thuốc và ở trọ trong xóm, hàng ngày họ đến dòng nước khoáng để tắm với mục đích chữa bệnh. Còn ông, có lẽ nhờ nguồn nước khoáng này mà thân thể tôi không hay đau ốm bao giờ - ông dí dỏm bảo.

Tắm khoáng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm.

Nguồn nước thần kỳ 

Công dụng chữa được bệnh của dòng nước thần kỳ như người dân ở Mỹ Lâm truyền tai nhau đúng là sự thật. Khi người làng thấy từng đoàn các nhà khoa học, nhiều đơn vị địa chất và ngành Y tế đến khảo sát, đánh giá nguồn nước khoáng. Một thời gian sau là sự kiện xây dựng cơ sở điều dưỡng điều trị bệnh cho bệnh nhân bằng nguồn nước khoáng nóng. Những người già ở vùng suối khoáng kể rằng, nguồn nước ngầm trong lòng đất này được nhà địa chất học người Pháp C. Madrolle phát hiện từ năm 1923.  Đến năm 1965, Bệnh viện Bạch Mai xây dựng một cơ sở điều dưỡng nhỏ ở đây với quy mô 30 giường bệnh.

Năm 1974, thành lập Viện điều dưỡng Mỹ Lâm trực thuộc Bộ Y tế với quy mô 200 giường bệnh. Năm 1983, Bộ Y tế có Quyết định chuyển Viện điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm về tỉnh Hà Tuyên quản lý. Năm 1984, Viện Điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm sáp nhập với Bệnh viện Điều dưỡng Tuyên Quang thành Bệnh viện Điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm. Đến năm 2011 đổi tên thành Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm.

Hiện nay, Bệnh viện đang được xây mới tại tổ 4, phường Mỹ Lâm có tổng diện tích khoảng 3,5 ha, với quy mô 200 giường bệnh nội trú hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. Đây sẽ là bệnh viện đặc thù, với nhiệm vụ dùng các phương pháp y học hiện đại và cổ truyền kết hợp bùn khoáng, nước khoáng thiên nhiên để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người bệnh. 

Theo kết quả phân tích của Tổng cục địa chất tháng 5/1983, kết luận: tên gọi là Nước nóng Silic, Sufuahydro, giàu Fluor với: PH=8,1, H2S=5mg/l, H2SI03=130mg/l, Fluor=11,6mg/l; Nhiệt độ: 610C; Nước sạch đạt tiêu chuẩn vi sinh; Nước không có độc hại về phóng xạ.

Trải nghiệm khó quên

Sản phẩm du lịch đặc trưng 
“Khoáng nóng Mỹ Lâm - Suối nguồn kỳ diệu”

- Đắp bùn khoáng.
- Ngâm tắm nước khoáng nóng trong bồn.
- Tắm bể bơi nước khoáng.
- Tắm nước khoáng thiên nhiên kết hợp với lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ.

Câu chuyện bắt đầu từ gia đình bà Hà Thủy Tạ, thôn Suối Khoáng (nay là tổ 5, phường Mỹ Lâm). Bà Tạ vốn là cán bộ Bệnh viện Suối khoáng, vì thế bà biết rất rõ về tác dụng “thần dược” của nguồn nước khoáng và đã sớm nhận ra tiềm năng phát triển cho loại hình dịch vụ này. Năm 2008, gia đình bà Tạ cùng với 2 hộ gia đình khác trong thôn là gia đình ông Nguyễn Đình Quý và Bùi Việt Bắc là những người đầu tiên mở dịch vụ tắm khoáng nóng.

Khi đó, gia đình bà Tạ đã xây được 13 phòng tắm và 5 phòng nghỉ, các phòng đều được lát gạch hoa, lắp hệ thống vòi hoa sen... với giá vé 25.000 đồng/lượt. Khách đến tắm được bà hướng dẫn tận tình về tác dụng của nước khoáng nóng, cách ngâm mình trong bồn tắm để có thể tiếp nhận được các đặc tính chữa bệnh từ dưỡng chất của nước khoáng...

Tiếng lành đồn xa, nhiều du khách trong vùng và các khu vực lân cận tìm đến gia đình bà trải nghiệm nguồn nước khoáng nóng ngày một đông hơn. Bà kể rằng: “Khi mới mở, khách đến tắm đông lắm, ngày nào gia đình tôi cũng đón hàng chục rồi đến hàng trăm lượt người đến tắm. Lúc đó cơ sở tắm khoáng của tôi có đến 8, 9 nhân viên phục vụ, với mức lương là 3 triệu đồng/tháng. Vào những năm đầu, có tháng gia đình tôi thu nhập được 30 triệu/tháng tương đương khoảng 2 cây vàng”.

Du khách trải nghiệm tắm khoáng kết hợp với lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ. 

Kể từ sau khi khu tắm khoáng nóng của bà Tạ đi vào hoạt động, nhiều gia đình khác ở đây cũng đã xây dựng cơ sở lưu trú để đón khách. Từ chỗ không mấy người biết tới, đến nay Khu Suối khoáng Mỹ Lâm đã nằm trong địa chỉ du lịch hấp dẫn được yêu thích nhất của du khách trên hành trình khám phá vùng đất xứ Tuyên.

Cho đến nay, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Khu du lịch đã ăn nên làm ra từ nguồn nước thần kỳ. Đó là Công ty Du lịch Ngọc Hà, Công ty Du lịch và Dịch vụ Hà Phú, Trung tâm Dịch vụ Suối khoáng Mỹ Lâm, Khách sạn nhà hàng Á Châu, Cơ sở dạy nghề của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cơ sở nước khoáng Mỹ Lâm đóng chai và nhiều hộ dân làm dịch vụ du lịch khác…

Để đưa du lịch phát triển lên một tầm cao mới, tỉnh đã quy hoạch Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm trên 1.000 ha và mời các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn VinGroup vào đầu tư, với các hạng mục theo từng giai đoạn như: xây dựng khu nghỉ dưỡng Vinpearl, khu đô thị mới nghỉ dưỡng và các khu dịch vụ khám chữa bệnh bằng trị liệu nước khoáng nóng, khu shophouse đẳng cấp, đang dần hoàn thiện… đã tạo nên sự thay đổi góp phần đem lại diện mạo mới cho Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm.

Tôn Dương

Tin cùng chuyên mục