Kể chuyện Điện Biên

- Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phóng viên Báo Tuyên Quang gặp gỡ, trò chuyện cùng với những cựu chiến binh, thanh niên xung phong là chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Với họ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi là ký ức hào hùng không thể nào quên. 

Dân công hỏa tuyến năm ấy

Bà Đặng Thị Phòng

Dân công hỏa tuyến, tổ 5, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang)

“Thế hệ chúng tôi mong con cháu hôm nay và mai sau sẽ đứng lên, ngẩng cao đầu bước tới với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt” - đó là chia sẻ của bà Đặng Thị Phòng (trong ảnh), dân công hỏa tuyến, tổ 5, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang).

Ở tuổi 88 nhưng bà Phòng vẫn có một sức khỏe dẻo dai, nhanh nhẹn. Bà đón tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện hào hùng của một dân công hỏa tuyến đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” năm xưa…

Bà Phòng sinh năm 1936, là một nông dân nghèo ở xã Trưng Trắc (nay là phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang). Với lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 1953, khi đó bà 17 tuổi, chưa xây dựng gia đình nhưng bà đã giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng đi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước lên đường đi Tây Bắc tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên. Bà Phòng bảo, thời đó, cả tỉnh Tuyên Quang sục sôi khí thế lên đường hỗ trợ cho mặt trận Điện Biên. Dù không trực tiếp ra trận nhưng bà và các chị em phụ nữ khác tích cực chăm lo các công tác hậu cần, tiếp tế, chở quân tư trang, nhu yếu phẩm lên tuyến đầu mặt trận cho những người lính trực tiếp chiến đấu.

Bà vẫn nhớ ngày hành quân lên Tây Bắc, từ Tuyên Quang băng qua quãng đường dài với nhiều khu rừng già hiểm trở. Để đảm bảo bí mật, an toàn nên lực lượng dân công hỏa tuyến của bà phải hành quân vào ban đêm, kéo dài ngày này qua ngày khác mới tới được Điện Biên Phủ. Cuộc hành quân và những tháng ngày tiếp tế quân tư trang, lương thực cho tiền tuyến để lại trong tâm trí bà là một hành trình băng rừng, lội suối với địa hình phức tạp, những quả đồi núi cao, những con dốc lớn, những con đường bí mật xuyên rừng cùng những con suối sâu nước chảy xiết. Dù trải qua hành trình gian khổ, vất vả, hiểm nguy nhưng tinh thần của các chiến sỹ bộ đội và dân công ta luôn bừng bừng khí thế, ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù.

Giờ đây, khi đã bước vào tuổi 88 nhưng bà Phòng vẫn rất minh mẫn và luôn vui vẻ bên con cháu, bà con xóm giềng. Bà vẫn tự mình làm việc vặt, chăm sóc bản thân và dăn dạy con cháu sống tốt và làm việc và có ích cho xã hội. Khi được hỏi về cảm xúc trong quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Phòng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đã được góp một phần công sức nhỏ bé trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc”.


Tự hào là đồng đội của Anh hùng Tô Vĩnh Diện

Cựu chiến binh Đỗ Tiến 

Phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)

Ông Tiến (trong ảnh) nhập ngũ năm 1948, khi ấy tròn 16 tuổi. Qua thời gian huấn luyện, ông được chuyển về Sư đoàn pháo binh 351, được biên chế vào Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn cao xạ 367. Khẩu đội trưởng của ông là anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Bước vào các trận quyết chiến dù gian khổ, ác liệt, nhưng ông và đồng đội luôn kiên định ý chí giải phóng Điện Biên. Ông Tiến nhớ mãi trong một lần kéo pháo vào trận địa, đơn vị lại nhận lệnh kéo pháo ra. Ðúng lúc khẩu pháo 37 ly rời khỏi nơi trú ẩn, bám vào “đường kéo pháo số 0” thì địch nã pháo từ Mường Thanh lên, máy bay dội bom trên trời xuống. Anh em nằm rạp tránh. Lực giữ pháo yếu đi và... dây tời đứt. Anh Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo bên taluy dương, chuyển sang taluy âm cản pháo... Khẩu pháo được ghìm giữ lại. Nhưng Tô Vĩnh Diện thì mãi mãi ra đi trong sự tiếc thương của đồng đội. Tấm gương lấy thân mình chèn pháo của Tô Vĩnh Diện đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm khích lệ hàng vạn cán bộ chiến sỹ ta bước vào trận chiến đấu và chiến thắng lẫy lừng Điện Biên phủ.  

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, điều ông Tiến tự hào nhất mình là chiến sỹ Điện Biên và may mắn là đồng đội của anh hùng Tô Vĩnh Diện. Trở về đời thường, dù làm bất cứ việc gì, ở cương vị nào, nhưng ông cũng giữ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nay dù đã cao tuổi, sức yếu, chân mềm, ông Tiến vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, như tham gia các buổi tọa đàm, giao lưu, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương, đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Đưa bộ đội qua sông an toàn

Ông Đàm Thế Long

Thôn Tân Thành, xã Văn Phú (Sơn Dương), cựu thanh niên xung phong đơn vị 216

Tháng 10-1952, lúc ấy ông Long (trong ảnh) 17 tuổi. Ông tình nguyện nhập ngũ nhưng vì không đủ cân nặng nên được chuyển sang tham gia Đội thanh niên xung phong 216 từ năm 1952 - 1955. Nhiệm vụ chính của ông Long lúc này là dùng phà để vận chuyển quân đội qua bến Bình Ca để tiếp viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Công việc của ông thường được thực hiện từ 16h chiều hôm trước đến 4h sáng hôm sau. 16h chiều hôm trước, ông Long cùng anh em trục vớt phà lên và chuẩn bị để 19h vận chuyển quân đội. Mỗi lần, đơn vị chuyển được 4 ô tô tải chở bộ đội. Mỗi đêm, đơn vị ông vận chuyển trung bình được 200 bộ đội từ bên này qua bên kia sông. Đến 4h sáng hôm sau, ông Long và đồng đội lại dìm phà xuống nước để tránh máy bay địch phát hiện. Dù công việc vất vả, hiểm nguy rình rập, điều kiện sinh hoạt nhiều khó khăn nhưng ông Long và anh em vẫn ngày đêm bám cầu, bám phà, kiên quyết bảo đảm giao thông thông suốt. Ông bảo, mình rất vinh dự và tự hào khi được tham gia thực hiện nhiệm vụ, được đóng góp một phần trách nhiệm, công sức nhỏ bé của mình để đảm bảo vận chuyển quân đội ta qua sông một cách nhanh nhất, an toàn nhất, kịp thời chi viện cho chiến trường Tây Bắc, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ.

Tin cùng chuyên mục