Vang mãi bản hùng ca

- Sau 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Những ngày tháng 5 này, hào khí ngày chiến thắng năm ấy như sống lại, sống động và tràn đầy tự hào.

Nhớ những người làm nên cột mốc vàng lịch sử

Những ngày này, Cựu chiến binh Hoàng Minh Cần, thôn 17, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) bận rộn hơn ngày thường.

Ở tuổi 93, ông vẫn đi lại, tham gia nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân do trung ương và địa phương tổ chức. Tiếp chúng tôi khi vừa trở về từ Chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, ông Cần vẫn hào sảng kể về những năm tháng không thể nào quên ấy.

Chiến sĩ Điện Biên Đỗ Tiến (người đội mũ ngồi giữa) với học sinh hôm nay. Ảnh: Bàn Thanh

Năm 1950, chàng trai Hoàng Minh Cần, khi ấy mới 19 tuổi, xung phong lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở Sư 36, Trung đoàn 174. Ông Cần nhớ lại, ngày 20-4, sau trận đánh mở màn, ông cùng đồng đội tiếp tục được lệnh đào hào từ cửa rừng vào đến sân bay Mường Thanh, đánh cả ngày lẫn đêm, không để địch có cơ hội thông hào hay chi viện. Chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là đánh chắc tiến chắc, bao vây chặt chẽ.

Khi ta cho bộc phá đánh vào đồi A1, cứ điểm vững chắc của giặc Pháp sụp đổ, bộ đội ta nhân thời cơ tổng tấn công. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, Tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ông Cần tả, từ các hầm hào, bộ đội ta 

“ngoi” lên như những chú chim, tóc ai nấy đều dài chạm đến vai và khuôn mặt lấm lem bụi, đất - nhưng thứ rạng rỡ, sáng ngời mà đến giờ, ông vẫn không thể nào quên được, là nụ cười chiến thắng của đồng đội mình.

Ông Cần chia sẻ, khi lần đầu tiên “chạm mặt” quân địch - những người lính Tây Âu cao gấp  rưỡi, gấp đôi bộ đội mình, ông và đồng đội bảo nhau, mình thắng được chúng, là vì mình chiến đấu bằng chí căm thù và tình yêu nước mãnh liệt.

Khi biết khách đến hỏi về những ngày tháng chiến đấu “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, Cựu chiến binh Ma Trọng Tiến, thôn Lăng Khán, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) - đã ở tuổi ngoài 90 vẫn cất tiếng hát hào sảng: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về… Ông Tiến từng là người lính chiến đấu ở đơn vị 346, đơn vị cối 80, 81. Ông đã cùng đồng đội giải phóng Mộc Châu, tiến quân đánh tiếp đồi Khe Rịa rồi rút về Cò Nòi. Ông Tiến nhớ lại, những ngày tháng ở Cò Nòi, địch rải bom suốt chiều dài hơn 3 km. Bom nổ đến đâu, dân công hỏa tuyến lại ra dọn dẹp, lấp hố bom đến đấy. Sau đó, đơn vị ông rút sang Cao Bằng, đánh cối ở phía ngoài để ngăn không cho địch viện trợ cho mặt trận Điện Biên Phủ.  

Chiến sĩ Điện Biên Ma Trọng Tiến, thôn Lăng Khán, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa)
kể lại những năm tháng  hào hùng cho thế hệ trẻ hôm nay.

CCB Nguyễn Văn Đác và vợ là bà Phùng Thị Cần, tổ 9, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) như sống lại thời hoa lửa. Ông Đác là lính thông tin của Đại đội 22, Tiểu đoàn bộ, Sư đoàn 308, bà Cần là dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch, nhiệm vụ của ông và đồng đội cùng đơn vị là đi trước, về sau, 2 vai 2 cuộn dây, giăng dây theo đường chiến hào giáp các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Thanh, đồi A1. Đưa chúng tôi xem bức ảnh đen trắng gồm 3 chiến sỹ đang thu chiến lợi phẩm của địch, ông Đác kể: “Khi quân Pháp đầu hàng vô điều kiện, Tướng Đờ-cát bị bắt sống, tôi cùng 2 đồng chí khác được nhận nhiệm vụ vào Hầm Tướng Đờ-cát tịch thu chiến lợi phẩm: Loa, đài, dây điện… Không ngờ khoảnh khắc đó được lọt vào ống kính của 1 nhà báo chiến trường. Sau ngày chiến thắng, tình cờ thấy bức ảnh của mình và đồng đội bên chiến lợi phẩm thu được đăng tải trên Báo Quân đội Nhân dân, tôi cắt lại và lưu giữ cho đến bây giờ”. 70 năm qua, người cựu binh vẫn gìn giữ bức ảnh như một kỷ vật vô giá.

Theo số liệu tổng hợp từ Hội Cựu chiến binh tỉnh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Tuyên Quang có gần 500 bộ đội, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia trực tiếp, trong đó có 278 bộ đội, 105 thanh niên xung phong, 114 dân công hỏa tuyến... Những chàng trai, cô gái ở độ tuổi xuân xanh, “gan không núng, chí không mòn” ấy đã góp phần cùng làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không thể nào quên!

Xứng danh quê hương cách mạng

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng và Nhà nước trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong điều kiện mới…

Nhằm tri ân, ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà 127 chiến  sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia trực tiếp vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, gặp mặt, trò chuyện lịch sử với những chứng nhân lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Điện Biên 500 triệu đồng để xây dựng Nhà Đại đoàn kết.

70 năm qua, âm hưởng, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, Việt Nam đã tiến một bước dài trên hành trình dựng xây quốc gia ngày càng thịnh vượng, cũng như nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Trong hành trình đó, Tuyên Quang đã và đang có những đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp chung. Như khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung tại buổi gặp mặt chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta; thể hiện tình cảm, sự tri ân, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tuyên Quang đã ra sức thi đua lao động, học tập, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh không ngừng phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tốt. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ; tiếp tục giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong tốp đầu cả nước; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt nhiều thành tựu. Tình hình quốc phòng, an ninh được đảm bảo, cơ bản ổn định. Công tác đối ngoại đạt được kết quả tích cực, đặc biệt, các hoạt động ngoại giao Nhà nước rất sôi động, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023, tổng GRDP ước của tỉnh Tuyên Quang tăng 7,46%, tăng trưởng GRDP Tuyên Quang năm 2023 đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc, đứng thứ 2/14 các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ và đứng thứ 18/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong  quý I-2024, GRDP của tỉnh đạt mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 1,52 lần so với bình quân cả nước.

 Thế hệ trẻ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với những kỷ vật từ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhìn vào Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước để thấy rằng, chính khát vọng độc lập cháy bỏng và tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, với niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ đã là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù.

Lịch sử hào hùng ấy nhắc nhở rằng: Tuyên Quang phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý, tốt đẹp của vùng đất 2 lần được chọn là Thủ đô, mang lại sự phát triển bền vững, đời sống tốt đẹp cho Nhân dân tỉnh nhà; tạo lập nên những “Điện Biên Phủ” mới trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội… để xứng đáng công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các thế hệ đi trước.

Trong phòng truyền thống của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong chiến dịch Điện Biên Phủ được bày trang trọng, trở thành nguồn tư liệu quý giá để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Thiếu tá Nguyễn Thu Hường, Nhân viên Thư viện Phòng chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: May mắn của thế hệ anh chị là được sinh ra trong thời bình. Chính vì vậy, được góp một phần sức lực của mình trong việc lưu giữ, bảo tồn những hiện vật của một thời khói lửa khiến chị thêm tự hào và càng quyết tâm sống, chiến đấu, lao động và học tập thật tốt, để bảo vệ thành quả của biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu, giành cho được độc lập - tự do ngày hôm nay. 

Như lời phát biểu rưng rưng của chiến sĩ Điện Biên Đỗ Tiến: Đất nước chúng ta đã có một Điện Biên Phủ như thế, thế hệ Cựu chiến binh Điện Biên Phủ chúng tôi đã sống như thế!.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục