Tết này có nhà mới

- Tết này như đến sớm hơn trong những ngôi nhà vẫn còn vương mùi vôi vữa. Chỉ trong chưa đầy một năm, 2.464 ngôi nhà đã được sửa chữa, xây mới, đồng nghĩa với từng ấy niềm vui được nhân lên khi ngày Tết Nguyên đán đã đến rất gần.

Niềm vui đến sớm

Vừa dẫn khách đi một vòng quanh thôn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cây Thị, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) Lò A Tài vừa giới thiệu: Ngôi nhà này được xây dựng nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, ngôi nhà này được hỗ trợ từ nguồn Quỹ của Công an tỉnh, ngôi nhà này được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc… Từng ngôi nhà kiên cố hiện ra, có những ngôi nhà đã đưa vào sử dụng, có những ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thành những hạng mục cuối cùng, nhưng điểm chung là niềm vui của những chủ nhân khi nụ cười dường như không tắt trên những khuôn mặt đã từng hằn nhiều lo âu.

Cụ bà Giàng Thị Pầng, năm nay đã 80 tuổi móm mém cười, nói tiếng Mông và được “phiên dịch viên” Lò A Tài dịch lại. Vợ chồng cụ Pầng di dân về Nhữ Khê từ năm 2007, ngôi nhà cũ chuyển về từ xã Thúy Loa, sau nhiều năm đã hư hỏng nặng. Đầu năm vừa rồi, cụ ông mất đi, bà sống cùng người con trai út trong ngôi nhà cũ. Nơi dột, nơi hở, mùa đông lạnh lắm. May quá ngôi nhà này được hoàn thành trước đợt rét đậm rét hại kéo dài, bà Pầng không còn lo lắng gì nữa. “Có nhà đẹp rồi, Tết này sẽ vui gấp năm gấp mười những năm cũ đấy” - cụ Pầng bảo thế.

Các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam, lãnh đạo tỉnh, huyện Sơn Dương và các đại biểu tại lễ khánh thành nhà mới cho hộ khó khăn tại xã Bình Yên (Sơn Dương).

Đồng chí Trần Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Nhữ Khê cho biết, năm 2022 Nhữ Khê có kế hoạch xây mới, sửa chữa 28 ngôi nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Trong đó, 14 ngôi nhà được hoàn thành theo nguồn vốn hỗ trợ của Đề án 308, 14 ngôi nhà còn lại, UBND xã đứng ra kết nối, kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, các mạnh thường quân. Nhờ đa dạng các nguồn vốn mà năm nay, Nhữ Khê đã hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư, giảm 73 hộ nghèo so với đầu năm 2022 và đã sẵn sàng cán đích nông thôn mới trong năm nay.

Những ngày cuối năm, gia đình anh Ma Văn Nhân, thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) rộn tiếng nói cười. Ngôi nhà mới của gia đình anh vừa hoàn thành, diện tích sử dụng trên 80 m2 trị giá hơn 100 triệu đồng vừa được đưa vào sử dụng. Khoản tiền hỗ trợ 50 triệu đồng do Hội đồng Đội, Công đoàn cơ sở Cơ quan Đảng, đoàn thể, Công đoàn cơ sở cơ quan chính quyền huyện Chiêm Hóa hỗ trợ. Anh Nhân bảo, ngôi nhà mới hoàn thành đúng những ngày cuối cùng của năm cũ Nhâm Dần, cũng hoàn thành đúng thời điểm Hùng Mỹ cán đích nông thôn mới nên niềm vui như được nhân lên nhiều lần.

Đồng chí Triệu Đức Long, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa cho biết: Trong năm nay, Chiêm Hóa thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho 266 hộ gia đình, trong đó hỗ trợ làm nhà theo Đề án 308 là 187 nhà, hỗ trợ ngoài đề án là 79 nhà. Theo đồng chí Triệu Đức Long, những hộ gia đình hỗ trợ ngoài đề án, huyện tập trung bình xét, ưu tiên những hộ nghèo là người có công với cách mạng và tại các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…

Sức lan tỏa từ đề án đúng

Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh là đề án có sức lan tỏa mạnh mẽ và thu hút được nhiều nguồn lực cùng hỗ trợ.

Ngay khi ban hành Đề án, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã chủ trì, phối hợp với chính quyền, ngành chức năng, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các tổ chức thành viên tổ chức quán triệt, phổ biến Đề án 308 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu hút sự tập trung, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội và đồng thuận các tầng lớp Nhân dân trong việc huy động nguồn lực thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo.

Trong năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận được trên 3 tỷ đồng, từ nguồn quỹ tiếp nhận được đã tập trung phân bổ, hỗ trợ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở.

MTTQ Sơn Dương trao tiền hỗ trợ gia đình bà Trần Thị Hựu, xã Cấp Tiến.

Cùng với đó, các cấp Công đoàn đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Mái ấm Công đoàn” được trên 1,1 tỷ đồng, huy động trên 200 lượt cán bộ, đoàn viên là cán bộ, công nhân viên chức lao động tham gia các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo. Các cấp Hội Phụ nữ đã tham gia 1.340 ngày công lao động san nền, đào móng, vận chuyển vật liệu giúp đỡ trên 100 hộ hội viên phụ nữ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở. Các cấp Hội Nông dân đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Mái ấm nông dân” được 279,6 triệu đồng; huy động tham gia 6.068 ngày công lao động tháo dỡ nhà, san nền, đào móng, vận chuyển vật liệu; 432,3 triệu đồng tiền vật liệu sẵn có và 77,1 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Đoàn Thanh niên đã huy động trên 5.500 ngày công lao động hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo. Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đã vận động hỗ trợ làm mới 39 nhà ở cho hộ nghèo, tổng giá trị 1,95 tỷ đồng. Hội Chữ Thập đỏ các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình đã chủ động vận động nguồn lực tại chỗ và huy động ngày công hỗ trợ.

Xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trở thành phong trào được tất cả các cấp, ngành, các địa phương quan tâm, mục tiêu là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Công an tỉnh đã triển khai thực hiện làm mới 1.500 nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Để kịp thời triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, Công an tỉnh đã giao Công an các huyện, xã, thị trấn đến từng hộ trong danh sách hỗ trợ xây dựng nhà ở để tuyên truyền, vận động các hộ dân sớm hoàn thiện mặt bằng và hỗ trợ việc vận chuyển vật tư, vật liệu, hỗ trợ tháo dỡ nhà cũ, đào đất, tôn nền nhà. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc sắp xếp, bố trí nhân lực của đơn vị thi công tại địa điểm thi công, cùng kiểm tra mặt bằng tập kết vật liệu để tổ chức gia công các cấu kiện phần thân nhà trước khi lắp đặt, hoàn thiện ngôi nhà; tiến hành nghiệm thu từng nhà, đảm bảo theo quy định. Hằng tháng, theo địa bàn được phân công phụ trách, các chiến sỹ lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã tham gia hỗ trợ ngày công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề xuất, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ 20 tỷ đồng để làm mới nhà ở cho 400 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, được thực hiện hỗ trợ qua 4 ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương. Ngoài ra các ngân hàng trên địa bàn cũng đã hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng để làm nhà ở cho hộ nghèo di dân tái định cư tại huyện Na Hang, hộ nghèo là hội viên Hội cựu chiến binh.

Ở Hàm Yên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát được Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết riêng để cụ thể hóa. Cách làm của địa phương này là phát động, vận động mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ thôn khó khăn, hộ khó khăn, giúp đỡ, tạo điều kiện để hộ nghèo có thêm nguồn lực, khả năng để xây dựng nhà ở; chủ trì, hiệp thương, phân công các tổ chức thành viên đôn đốc, giúp đỡ hội viên, đoàn viên của tổ chức mình về ngày công lao động, hỗ trợ gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết để đoàn viên, hội viên làm nhà ở mới. Trong đó, Hội Nông dân huyện giúp đỡ 71 đoàn viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện giúp đỡ 31 hội viên; Hội Cựu chiến binh huyện giúp đỡ 11 hội viên; Người cao tuổi huyện giúp đỡ 2 hội viên.

Hay như huyện Yên Sơn chủ động ứng kinh phí của huyện, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” ngay từ đầu năm để có nguồn kinh phí kịp thời hỗ trợ cho hộ nghèo. Chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn nắm chắc hoàn cảnh cụ thể của hộ nghèo, lập danh sách hộ nghèo không có khả năng đối ứng hoặc kinh phí đối ứng ít, từ đó huy động cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn hỗ trợ ngày công dỡ nhà, đào móng, làm móng.

Mỗi địa phương một cách làm, nhờ thế số hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở ngày càng tăng. Đầu năm 2022, các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ 1.724 hộ nghèo xây dựng nhà ở. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp, thống nhất với các ngành, đơn vị và các huyện, thành phố bổ sung 1.298 hộ.

Tính đến hết tháng 11-2022, toàn tỉnh đã thực hiện làm mới và sửa chữa cho 2.464 hộ nghèo/1.724 hộ (làm mới 2.242 hộ, sửa chữa 222 hộ), đạt 142,9% so với kế hoạch đầu năm 2022 và đạt 64,5% so với cả giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, đã có 1.936 hộ nghèo dân tộc thiểu số, 56 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, 182 hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới năm 2022, 107 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và 2.119 hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, có khó khăn về nhà ở được xây dựng mới, sửa chữa lại nhà ở khang trang. Tổng kinh phí thực hiện trên 250 tỷ triệu đồng; trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ theo Đề án 308 là trên 138 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ cộng đồng, dòng họ trên 18 tỷ đồng; còn lại là nguồn đối ứng của gia đình.

Nhân lên những niềm vui

Một điều đặc biệt trong cuộc vận động xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo ở Tuyên Quang, đó là không chỉ đem lại niềm vui cho những người thụ hưởng, mà còn là dịp để gắn kết tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Bé, thôn Đồng Chãu, xã Trung Trực (Yên Sơn) vẫn nhớ như in ngày gia đình bà khởi công xây dựng ngôi nhà mới từ nguồn hỗ trợ của Hội Phụ nữ. Những ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, nhưng bà con trong làng, hội viên hội phụ nữ, đoàn thanh niên, rồi cả cán bộ xã cùng đến hỗ trợ gia đình bà làm nền, lợp nhà… Tiếng nói, tiếng cười, tiếng hò dô động viên nhau của chòm xóm như tiếp thêm động lực, để người phụ nữ đơn thân như bà vươn lên trong cuộc sống.

Người dân xã Quý Quân (Yên Sơn) tham gia hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, Đề án xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là đề án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 3.820 hộ nghèo với tổng kinh phí cần huy động để hỗ trợ trên 167 tỷ đồng.

Để phong trào tiếp tục lan tỏa rộng khắp, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung và tổng hợp đầy đủ danh sách hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, tránh bỏ sót, trùng lặp danh sách hỗ trợ và đảm bảo đúng đối tượng. Trong đó, quan tâm đến đối tượng là hộ nghèo, người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, hộ nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo là di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Đề án, các ngành, đơn vị, địa phương chủ động vận động nguồn lực để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở. Trong đó tập trung phối hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, vốn tín dụng và cộng đồng.

Tết đã đến rất gần. Và giấc mơ của nhiều hộ nghèo về một ngôi nhà ấm áp đón Tết cũng thế. Sự chung tay của cả cộng đồng đã góp phần giúp giấc mơ an cư của những người có hoàn cảnh khó khăn trở thành hiện thực. Sự đoàn kết, đồng lòng và tinh thần tương thân tương ái của người dân trong tỉnh đã thực sự hiện thực hóa tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục