Nhìn lại năm 2022
Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội bước vào giai đoạn phục hồi, Tuyên Quang là tỉnh đạt được nhiều kết quả ấn tượng về mọi mặt trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Kinh tế vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng khá, nhất là ở các trụ cột của nền kinh tế như công nghiệp, nông, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch đã có nhiều bứt phá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm tăng 8,66% so với năm 2021. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,6%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,37%. Trồng rừng đạt 114,8% kế hoạch. Toàn tỉnh thu hút 2.372 khách du lịch, đạt 104% kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 2.700 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 24,3%, vượt kế hoạch. Chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế có nhiều chuyển biến. Giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm.
Tuyến đường Trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi huyện Yên Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Hải Đăng
Ba khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo nên đã tạo ra những khởi sắc và tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được chuyển dịch mạnh theo hướng hàng hóa, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm nông sản đã xây dựng được nhãn hiệu, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn và các chuỗi liên kết. Toàn tỉnh hiện có 1.730 ha cây trồng chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.
Các nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn vẫn duy trì ổn định công suất hoạt động. Tỉnh đã triển khai các đề án khuyến công quốc gia, chuẩn bị các điều kiện quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Long Bình An, thành lập mới các khu công nghiệp và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được thực hiện đồng bộ và đạt được kết quả nổi bật. Qua đó khẳng định, Tuyên Quang là mảnh đất đầu tư tiềm năng, thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương 19 dự án với số vốn đăng ký đầu tư trên 2.700 tỷ đồng.
Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Hạ tầng đô thị từ thành thị tới nông thôn được quan tâm đầu tư khang trang, từng bước hiện đại, nhất là hệ thống giao thông, điện, thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế… Nhiều công trình lớn, trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công như đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn, cầu Xuân Vân và các công trình cầu trên đường giao thông nông thôn.
Năm 2022 cũng là một năm du lịch của Tuyên Quang vươn mình mạnh mẽ sau đại dịch Covid do tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, du lịch có quy mô, để lại dấu ấn trong lòng du khách, đặc biệt là Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất, Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội Thành Tuyên 2022 cùng hàng loạt sự kiện văn hóa đi cùng với lễ hội.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) sản xuất giày da xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Việt
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấn tượng này, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra một số chỉ tiêu chưa đạt như kế hoạch đề ra và có không ít khó khăn, thách thức đó là thứ hạng xếp hạng Chỉ số về chuyển đổi số của tỉnh mới chỉ xếp thứ 45 trong bảng xếp hạng của cả nước. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại một số công trình, dự án còn chậm, thu hút đầu tư vào chế biến nông nghiệp còn hạn chế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu. Những hạn chế này cũng đã được BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND tỉnh đánh giá rất cụ thể trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phơi phới niềm tin
Chúng ta bước sang năm 2023 trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen. Thuận lợi đó là những kết quả khả quan đã đạt được sẽ giúp chúng ta tăng tốc nhanh hơn, tự tin hơn. Còn khó khăn bao gồm cả những tác động bên ngoài đã được dự báo như nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, lãi suất gia tăng, sức ép lạm phát trên thế giới và trong nước, cùng với đó là những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra từ năm 2022. Tỉnh xác định, trong năm 2023, tập trung mọi nguồn lực, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và phục hồi trên các lĩnh vực. Trong đó quyết tâm cao để cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện các giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp, nhất là các loại hình công nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt là quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Đồng chí Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, bước sang năm 2023, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện chuyển đổi số mang tính khả thi cao, ưu tiên phát triển hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo huyện Yên Sơn tham quan mô hình trồng bưởi hữu cơ tại xã Phúc Ninh. Ảnh: Cao Huy
Theo đồng chí Ngụy Văn Thận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí cán bộ đúng tầm cho từng lĩnh vực, từng công việc, thu hút nhân lực chất lượng cao. Đồng thời tiếp tục chú trọng hơn nữa đến việc xúc tiến đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; tăng cường việc phân cấp cho cán bộ ở cấp huyện, thành phố để phát huy sức sáng tạo, chủ động của đội ngũ cán bộ.
Bà Âu Thị Thanh, Trưởng thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) cho biết, nhân dân trong thôn rất phấn khởi khi tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã được đầu tư xây dựng. Trong những năm tới, khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ góp phần làm cho nhiều hộ dân được hưởng lợi. Bà Thanh kỳ vọng, đời sống của người dân sẽ ngày càng có nhiều đổi thay.
Nhìn lại bước phát triển đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong năm 2022, chúng ta thấy được những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội ở phía trước để từ đó đoàn kết, đồng lòng tạo nên sức mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Gửi phản hồi
In bài viết