Đoàn kết, sáng tạo trong công việc
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có trên 41.000 công nhân, người lao động đang làm việc tại hơn 1.600 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm và thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng công nhân, người lao động đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển hơn. Nhiều lao động gặp khó khăn nhưng luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc được giao.
Công nhân sản xuất thép tại Nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy ở xã Kim Phú 9 (TP Tuyên Quang) làm việc tại Nhà máy May của Công ty TNHH MSA YB, Khu công nghiệp Long Bình An đến nay đã hơn chục năm. Nhà cách xa công ty nhưng 10 năm qua chưa bao giờ chị đến muộn, các công việc được giao chị đều hoàn thành xuất sắc. Trong đợt dịch phức tạp, khó khăn, có lúc thiếu lao động do nghỉ cách ly nhưng chị và các đồng nghiệp đã chia ca, quyết tâm hoàn thành công việc, giúp công ty hoàn thành các đơn hàng với đối tác. Chị Thủy bảo, càng làm việc ở công ty càng gắn bó, anh em công nhân coi nhau như người thân. Không chỉ san sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc mà cả trong cuộc sống, gia đình, ai gặp khó khăn khi công đoàn phát động, mỗi người một tay cùng chung tay giúp đỡ, dù đồng lương công nhân còn thấp nhưng vẫn vui.
Công việc của chị Nguyễn Thị Phương Hoa, tổ thu gom rác Minh Xuân, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang (TP Tuyên Quang) thật đặc thù, đó là khi mọi người, mọi nhà được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình thì chị lại bắt đầu ngày làm việc của mình. Chị đi từng ngõ ngách thu gom rác, vệ sinh đường phố giúp môi trường sống sạch sẽ, trong lành hơn. Để giúp mọi người nêu cao ý thức cùng chung tay bảo vệ môi trường, tận dụng thời gian những ngày nghỉ hiếm hoi chị đến vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, thực hiện phân loại rác ngay từ nguồn, nhất là rác từ bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà, để rác đúng nơi quy định làm cho khu phố sạch đẹp hơn và tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Mỗi người, mỗi hoàn cảnh và công việc khác nhau nhưng lực lượng công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công việc và cuộc sống. Đối với họ, tinh thần làm việc thật đúng với câu hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.
Công nhân làm việc tại Nhà máy May của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 tại Khu công nghiệp Long Bình An.
Tập trung chăm lo người lao động
Trong thời gian qua, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như Ngày hội cảm ơn người lao động, Ngày hội sáng kiến; tôn vinh, biểu dương công nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua… Cùng với đó, nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ công nhân, người lao động đã được triển khai hiệu quả.
Chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai đến nay đã hỗ trợ, giúp hàng trăm công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh sửa chữa, xây dựng những ngôi nhà mơ ước. Như trường hợp của chị Bùi Thị Miện, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình làm việc tại công ty hơn chục năm nay, chồng chị là lao động tự do thu nhập bấp bênh, 2 con ốm yếu. Chị chưa dám nghĩ đến việc làm nhà mới, thế nhưng năm 2021 với sự động viên, giúp đỡ từ Công đoàn Công ty và từ nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh, rồi vay mượn thêm, chị đã xây mới “tổ ấm” của mình.
Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” vừa được triển khai trên địa bàn tỉnh. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra như trao tiền hỗ trợ làm nhà “Mái ấm Công đoàn”, tổ chức khám chữa bệnh, tặng quà, hỗ trợ cho công nhân, người lao động bị tai nạn lao động, ảnh hưởng do dịch Covid-19…
Chị Lý Thị Nhàu ở tổ may 20, Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho biết, hoàn cảnh gia đình chị đã khó khăn khi dịch bệnh ập đến lại càng khó khăn hơn, bản thân bị nhiễm Covid-19 có thời gian không thể đi làm. Thế nhưng chị và các công nhân nhiễm bệnh được công ty và tổ chức công đoàn tặng quà, hỗ trợ kịp thời để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Từ đó tạo động lực để anh em công nhân, người lao động yên tâm làm việc, nhất là giai đoạn đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch.
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp Sở Y tế tổ chức khám bệnh và tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí cho công nhân Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG.
Hiện nay, các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường các hoạt động truyền thông về Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022. Tại các đơn vị, doanh nghiệp, phong trào thi đua, lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo, thích ứng với dịch bệnh được triển khai sâu rộng. Lực lượng công nhân, người lao động ngày càng được nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Cẩn thận, trung thực với công việc Chị Đoàn Thị Thanh Thu, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Khối kỹ thuật, thủ kho hóa chất kiêm văn thư thống kê Phòng Quản lý chất lượng Công ty cổ phần Giấy An Hòa được nhận xét là người tỉ mỉ, cẩn thận và trung thực với công việc. Chị Thu chia sẻ, đảm nhiệm chức vụ là thủ kho bảo quản hóa chất thí nghiệm, quản lý toàn bộ kho hóa chất và vật tư thí nghiệm của nhà máy, công việc đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận và trung thực, phải thường xuyên theo dõi xuất - nhập - tồn để cung cấp đầy đủ kịp thời phục vụ cho công tác thí nghiệm, tránh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, bộ phận Khối kỹ thuật, thủ kho hóa chất luôn duy trì mạng lưới an toàn vệ sinh viên để đảm bảo không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra trong quá trình lao động. Ngoài công việc chuyên môn, chị Thu cùng Ban Chấp hành Công đoàn công ty tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, công tác an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ...; tổ chức các phong trào thi đua phát triển kinh doanh, vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ nhau trong công việc, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động giữa chủ doanh nghiệp và công đoàn. Qua đó, nắm bắt và xử lý kịp thời các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tâm tư nguyện vọng về việc làm, đời sống của người lao động, có đề xuất phù hợp với lãnh đạo công ty để người lao động yên tâm làm việc lâu dài. Hải Lâm Người chế tạo kính chống giọt bắn Kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Dũng, Tổ trưởng xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình, trợ giúp, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là cán bộ năng nổ, nhiệt huyết. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, anh cùng các đồng nghiệp đã sáng chế và sản xuất hơn 8.000 chiếc kính chống giọt bắn phục vụ công tác phòng, chống dịch. Khoảng thời gian tháng 3-2021 là lúc cao điểm toàn tỉnh đang nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát. Kỹ thuật viên trị liệu tại bệnh viện phải tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với bệnh nhân trong không gian kín, hẹp, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Xuất phát từ thực tế này, anh Dũng cùng một số đồng nghiệp đã suy nghĩ, bàn bạc, thiết kế dụng cụ bảo hộ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Những chiếc kính chống giọt bắn khác với những bộ đồ bảo hộ đó là sự nhỏ gọn, dễ nhìn, đảm bảo tiện dụng. Chiếc kính đầu tiên được làm từ những tấm giấy bóng kính mica, gắn với khung chế tạo từ vật liệu làm dụng cụ chỉnh hình, cố định bằng đinh tán. Tất cả được thiết kế tỷ mỉ, khả năng ứng dụng cao, tuy nhiên chi phí sản xuất lại khá tốn kém. Với vai trò là tổ trưởng tổ sản xuất khi đó, anh đã mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm các vật liệu chế tạo khác nhau, qua đó nhằm rút ngắn quá trình sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ chiếc kính ban đầu có giá thành sản xuất 30.000 đồng, sản phẩm cuối cùng sau khi hoàn thiện và được sản xuất đại trà có giá khoảng 5.000 đồng/chiếc. Theo anh Dũng, thời điểm khó nhất là lúc ban đầu các khâu làm việc chưa khớp nhau, sản phẩm làm ra bị lỗi. Về sau, anh phân công mọi người làm từng công đoạn lấy dấu, cắt pha, mài, dập, đóng đinh đến hoàn thiện sản phẩm. Sản phẩm hoàn chỉnh không chỉ có tác dụng phòng giọt bắn mà còn phải tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng, tấm kính không bị đọng hơi nước hay gây lóa mắt. Lúc cao điểm, anh cùng cán bộ bệnh viện tranh thủ làm ngoài giờ, hoàn thành từ 600 - 700 chiếc/ngày. Những chiếc kính chống giọt bắn mang nhãn hiệu của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen giờ đây không còn là sản phẩm xa lạ. Trong giai đoạn nóng của đại dịch Covid-19 chúng đã cùng những y bác sỹ tuyến đầu tại các chốt kiểm dịch, bệnh viện dã chiến, khu cách ly... ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thùy Lê Bảo vệ sức khỏe người lao động Anh Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Công đoàn bộ phận, trợ lý Xưởng trưởng xưởng cán thép, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang luôn làm tròn trách nhiệm được giao, góp phần tích cực vào việc chăm lo bảo vệ sức khỏe người lao động. Là Chủ tịch Công đoàn bộ phận, trợ lý Xưởng trưởng, anh Nguyễn Chí Thành được phân công phụ trách công tác An toàn - bảo hộ lao động, cẩu trục và bán hàng của xưởng... Anh Thành cho biết, xưởng của anh đảm nhận chức năng sản xuất thép cán nóng, dây chuyền trải dài nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất cao. Do vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động phải được đặt lên hàng đầu. Nhận thức được điều này, anh Thành đã tham mưu với Xưởng trưởng xây dựng mạng lưới an toàn viên ở từng vị trí sản xuất, thông qua đó để tuyên truyền, giám sát các nội quy, quy trình, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động đến từng công nhân lao động. Xây dựng mạng lưới an toàn viên, anh Nguyễn Chí Thành cũng chủ động kết hợp với Phòng An toàn Công ty thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất các vị trí làm việc nhằm phát hiện nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn, kịp thời khắc phục đảm bảo an toàn cho người lao động. Sự sát sao đầy trách nhiệm của Chủ tịch Công đoàn bộ phận Nguyễn Chí Thành đã góp phần tích cực vào việc chăm lo bảo vệ sức khỏe người lao động. Nhiều năm qua, xưởng cán thép của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang hoạt động tốt, không xảy ra sự cố về tai nạn lao động. Làm tròn vai trò của cán bộ công đoàn bộ phận phụ trách An toàn- bảo hộ lao động, anh Nguyễn Chí Thành cũng hoàn thành xuất sắc vị trí của 1 trợ lý Xưởng trưởng trong thực hiện mục tiêu, kế hoạch sản xuất của công ty. Làm chủ kỹ thuật sinh sản nhân tạo nhiều loại cá đặc sản Anh Hà Xuân Lượng, công nhân kỹ thuật tổ sinh sản nhân tạo, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã làm chủ được kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loại cá quý hiếm, đáp ứng nhu cầu con giống cho người dân. Hiện nay, các loại giống cá được Trung tâm Thủy sản tỉnh nuôi dưỡng và cho sinh sản thành công gồm: cá chép, cá trôi, rô phi, mè và các giống cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen, cá anh vũ... Trong số các loại cá này, cá lăng và cá bỗng là những loài cá quý hiếm sống ở sông Lô, sông Gâm, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nguồn cá giống này ngày càng khan hiếm. Nhờ kỹ thuật sinh sản nhân tạo mà việc cung cấp nguồn các giống cá quý trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được chủ động hơn. Trung tâm Thủy sản tỉnh mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 80 triệu con cá bột, 30 triệu con cá giống và hơn 6 vạn cá đặc sản. Thị trường chủ yếu là người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang... Nguyễn Đạt |
Gửi phản hồi
In bài viết