Tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lao động

- Công nhân, người lao động là lực lượng trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Họ cũng là đội ngũ có tay nghề và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất. Không ít người đã trở thành những “cây sáng kiến”, vượt khó vươn lên, tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật. Những sáng kiến của họ đã góp phần giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, cải thiện điều kiện làm việc và giảm bớt sức lao động cho người lao động.

Khuyến khích sáng tạo

Nhằm khuyến khích sức sáng tạo trong lực lượng công nhân, người lao động, các tổ chức công đoàn đã triển khai chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia. Năm 2021 đã có 125 sáng kiến gửi Tổng Liên đoàn và 446 sáng kiến cấp cơ sở trong lao động. Tại nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, lãnh đạo, ban giám đốc luôn chú trọng, tạo điều kiện và cơ chế, kịp thời biểu dương, khen thưởng những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến của công nhân, người lao động. Nhờ vậy, đã tạo động lực để lực lượng công nhân, người lao động hăng hái và đam mê sáng tạo.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng Kỹ thuật- Nghiệp vụ, Bưu điện tỉnh cho biết, hàng năm việc xét chọn và công nhận sáng kiến của người lao động được lãnh đạo đơn vị rất chú trọng. Những sáng kiến trình lên dù chưa được công nhận là sáng kiến mà chỉ được công nhận ở mức ý tưởng và giải pháp cũng được khen thưởng. Ở mỗi vị trí công tác, phòng chuyên môn hàng năm đều phát động tới người lao động thi đua sáng kiến tập trung vào các giải pháp rút ngắn thời gian, tổ chức sản xuất lại hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin. Định kỳ 6 tháng, Hội đồng sáng kiến của đơn vị sẽ tổng hợp, xét chọn sáng kiến.

Từ khi ứng dụng hệ thống tự động hóa trong vận hành trạm xử lý nước đã góp phần giảm chi phí sức lao động cho người lao động tại Công ty CP Cấp thoát nước Tuyên Quang.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang là đơn vị nhiều năm qua luôn coi trọng đưa vào ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân, người lao động. Đồng chí Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính chia sẻ, phong trào thi đua sáng tạo trong công nhân, người lao động luôn được lãnh đạo đơn vị quan tâm phát động sâu rộng và tổng kết, đánh giá hàng quý, năm. Phong trào được phát động rộng rãi tới các tổ, đội trực tiếp lao động, sản xuất nhằm phát hiện và kịp thời biểu dương, khen thưởng những sáng kiến hay, có tính khả thi của người lao động trực tiếp làm việc tại các tổ, đội. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học đã được áp dụng trong công ty, mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình như sáng kiến áp dụng phần mềm ghi chỉ số đồng hồ nước qua điện thoại thông minh, sáng kiến sử dụng sóng siêu âm nhằm đo, phát hiện bục vỡ đường ống nước trên địa bàn thành phố Tuyên Quang; sáng kiến tự động hóa trong vận hành trạm xử lý nước...

Chính sự khích lệ, động viên kịp thời và quan tâm triển khai của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp đã trở thành động lực để mỗi người lao động say mê sáng tạo, cống hiến trí tuệ, tâm sức cho sự phát triển chung.

Cái khó “ló” sáng kiến

Đồng chí Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật- Đầu tư, Viễn thông Tuyên Quang cho biết, mỗi năm đơn vị có từ 20 đến 30 sáng kiến khoa học kỹ thuật cấp cơ sở được công nhận và áp dụng tại đơn vị. Nhiều sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật xuất phát từ thực tế công việc khó khăn của các tổ, phòng chuyên môn. Bởi vậy, người lao động đã mày mò, tìm tòi và nghiên cứu để sáng tạo ra các ý tưởng, giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động. Anh Vũ Mạnh Thắng, tổ trưởng tổ khai thác, Viễn thông Tuyên Quang chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, anh và các đồng nghiệp trong tổ đã có 3 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở. Sáng kiến mà anh Thắng và các thành viên trong nhóm tâm đắc nhất là “Sử dụng app Autobackup, lưu trữ cấu hình tự động”. Anh Thắng cho biết, trước đây việc lấy dữ liệu chủ yếu lấy thủ công nên rất mất thời gian. Anh đã cùng anh em trong tổ nghĩ ra sáng kiến chạy app để lấy dữ liệu. Nhờ đó, thời gian lấy dữ liệu đã được chuyên nghiệp hóa, tiết kiệm đáng kể về mặt thời gian.

Anh Vũ Mạnh Thắng (đứng giữa), tổ trưởng tổ khai thác, Viễn thông Tuyên Quang cùng các đồng nghiệp thảo luận triển khai sáng kiến xây dựng công cụ theo dõi chất lượng Cell3/4G.

Chị Hoàng Thị Huyền, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - Nghiệp vụ cùng với anh Lại Minh Hiếu, Nguyễn Xuân Hùng, nhân viên Bưu điện tỉnh là những “cây sáng kiến” điển hình của đơn vị. Năm 2021, cả ba anh chị đã có sáng kiến triển khai hiệu quả tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích bộ thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai. Chị Huyền cho biết, nắm được việc người dân ở những xã xa xôi, khó khăn phải đến tận Văn phòng Đăng ký đất đai của tỉnh và các huyện, thành phố mới làm được thủ tục hành chính về đất đai, chị Huyền, anh Hùng, anh Hiếu đã cùng bàn bạc, thống nhất xây dựng sáng kiến phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhân dân đến điểm giao dịch bưu cục gần nhất để được hỗ trợ kê khai thủ tục hành chính về đất đai dịch vụ công mức độ 3, 4. Với sáng kiến này, người dân chỉ cần đến bưu cục gần nhất sẽ được nhân viên bưu điện hỗ trợ khai thủ tục và gửi hồ sơ trên phần mềm điện tử về Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các huyện, thành phố. Sáng kiến này được áp dụng đối với 10 quy trình hành chính về đất đai thường xuyên phát sinh. Từ khi đưa vào ứng dụng đã có gần 10 nghìn hồ sơ của công dân được thực hiện theo quy trình này. 

Vẫn còn rất nhiều tấm gương tiên phong trong sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ. Họ đã tìm thấy niềm vui và đam mê trong công việc để từ đó cống hiến nhiều hơn cho xã hội không chỉ bằng sức lao động đơn thuần mà bằng cả trái tim và khối óc trong lao động sản xuất.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục