Đưa sách đến với trẻ em vùng cao

- Lần đầu tiên trong đời, trẻ em ở vùng cao, vùng xa trông thấy chiếc xe chứa đầy ắp những sự kỳ diệu. Một thế giới mới mẻ mở ra khi chiếc xe dừng lại và bắt đầu bày biện những cuốn sách: Từ những quyển truyện cổ tích đầy màu sắc, những cuốn sách khoa học, sách tham khảo... Đây là hoạt động phối hợp giữa Thư viện tỉnh và các Trường học về việc triển khai phục vụ xe thư viện lưu động tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tờ mờ sáng, chiếc xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh đã sẵn sàng lên đường phục vụ học sinh tại huyện vùng cao Lâm Bình. Đây là chuyến xe thứ 20 sau một thời gian dài bị dừng hoạt động do dịch Covid-19. Vượt qua hàng trăm cây số đường đèo dốc trong thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa lớn buộc phải dè dặt hơn trong quá trình di chuyển, chúng tôi cũng đến được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phúc Yên, xã Phúc Yên.

Học sinh Trường THCS thị trấn Na Hang (Na Hang) đọc sách từ xe thư viện lưu động.

Cả đoàn nhanh chóng sắp xếp, chuyển sách, mở dù, bật máy tính, ti vi sẵn sàng để các em vào hoạt động ngay. Ban đầu có chút bỡ ngỡ vì học sinh ở những điểm trường xa khá nhút nhát nhưng nhờ có nhiều hoạt động thú vị và sự thân thiện của nhân viên thư viện, các em nhanh chóng làm quen và ùa đến lựa chọn những sách mình yêu thích. Nhìn vào số sách của xe thư viện lưu động, các giáo viên còn trầm trồ, sách nhiều như vậy mình còn thích, huống chi học trò. Niềm vui đọc sách được thắp lên ở ngôi trường có 78% học sinh là dân tộc Dao, 22% là dân tộc Tày, Mông, Kinh.

Mải mê với cuốn sách trên tay, em Quan Thị Huyền, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phúc Yên chia sẻ: Bình thường em hay mượn sách của thư viện trường nhưng được đọc tập trung cùng các bạn như thế này em rất vui. Nhiều sách hay quá, em phân vân mãi không biết nên chọn cuốn nào, bỏ lỡ cuốn nào cũng tiếc! Mong chuyến xe tri thức này sẽ đi đến nhiều nơi để có nhiều bạn nhỏ cũng được đọc những cuốn sách bổ ích, hấp dẫn như này.

Dù xã hội đang ngày càng phát triển nhưng học sinh vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn, nguồn sách chủ yếu mà các em được đọc là từ thư viện của nhà trường. Ông Hoàng Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phúc Yên cho biết, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc tạo thói quen đọc cho các em, tuy nhiên điều kiện hạn hẹp quá nên hoạt động chưa được như mong muốn. Có xe thư viện lưu động, thầy cô ai cũng mừng vì các em sẽ thích đọc sách hơn.

Tại Trường Tiểu học & THCS Lê Văn Hiến (Sơn Dương), khi xe thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh tiến vào sân,  học sinh reo vang khi thấy những cuốn sách dành cho thiếu nhi như truyện cổ tích, sách danh nhân, khám phá thiên nhiên...  Các em nhiệt tình trả lời các câu hỏi cô giáo để được tặng một cuốn sách hay, mân mê trong tay rồi chuyền cho nhau đọc. Đây là lần đầu tiên các em được tiếp cận với gần 5.000 bản sách cùng các trang, thiết bị hiện đại có kết nối Internet hỗ trợ tìm kiếm thông tin. Mải mê với những trang sách đầy sắc màu, còn thơm mùi giấy mới, các em cùng thầy cô chọn những cuốn sách mà mình thích rồi ngồi ngay ngắn vào chỗ.

Học sinh trường Tiểu học & THCS Lê Văn Hiến (Sơn Dương) chọn sách trên xe thư viện lưu động.

Mắt tròn xoe ngắm nhìn những cuốn sách đang trưng bày trên xe, em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 7A, Trường Tiểu học & THCS Lê Văn Hiến cùng các bạn trong lớp tỏ vẻ rất thích thú. Ngọc nói, chiếc xe thư viện đa phương tiện của Thư viện tỉnh có rất nhiều cuốn sách bổ ích, lý thú ở các lĩnh vực; có cả truyện tranh và sách kỹ năng. Đọc sách xong các em còn được cán bộ thư viện hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả, truy cập thư viện số, tìm kiếm thông tin hữu ích trên mạng Internet thông qua các máy tính được kết nối trên xe. 

Bà Hoàng Thị Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Lê Văn Hiến cho biết, nhiều năm qua, trường đều tổ chức hoạt động khuyến khích các em học sinh nâng cao khả năng tự đọc, tự tìm hiểu. Thông thường các em sẽ có những giờ đọc sách ở trên lớp nhưng hôm nay được đọc sách dưới sân trường, cùng tìm hiểu những cuốn sách mới trên các ứng dụng công nghệ của xe ô tô thư viện, các em rất hào hứng, tham gia rất khí thế. Mong rằng Thư viện tỉnh tiếp tục duy trì hình thức đọc, không gian đọc đa dạng qua thư viện lưu động để góp phần thúc đẩy việc đọc sách tại các trường học.

 Chia sẻ về chuyến xe tri thức này, bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, tháng 9-2019, Thư viện tỉnh được tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup trao tặng.  Xe thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh được trang bị hơn 5.000 bản sách, 6 máy tính, 1 ti vi, 1 tăng âm, 100 ghế nhựa, 1 ô cỡ lớn. Xe được tổ chức nhằm đưa sách, báo và Internet đã được trang bị theo xe về phục vụ trực tiếp người dân, nhất là học sinh phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn. 

Chuyến xe sách lưu động hành trình “Ánh sáng tri thức” đã được tổ chức thực hiện đều đặn trong nhiều năm qua, thu hút nhiều sự quan tâm của các thầy cô giáo và các em học sinh trong tỉnh. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hành trình đã gián đoạn một thời gian dài và được khởi động lại rất tích cực ngay khi “bình thường mới”. Vượt qua những e ngại về nguy hiểm của dịch bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh đã nhận được rất nhiều niềm vui sau mỗi chuyến hành trình. Đó là niềm vui đong đầy những yêu thương khi nhìn thấy các em học sinh hào hứng chọn và đọc sách; chăm chú lắng nghe phần giới thiệu sách; tham gia các trò chơi và vui vẻ khi nhận quà. Tính trong quý 1-2022, đơn vị đã tổ chức hơn 30 chuyến xe thư viện lưu động với 5.000 bản sách phục vụ các em học sinh tại các trường học trên địa bàn.

Hơn 3 năm qua, không thể kể hết sự vất vả trong mỗi chuyến đi cũng như niềm vui được truyền cảm hứng và niềm đam mê đọc sách cho các em nhỏ, những chuyến xe mang ánh sáng tri thức cũng là câu chuyện sinh động nhất về việc xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục