Tự tin những “nông dân số”

- Nông dân có lẽ là những người mong chờ và được hưởng những thành quả lớn nhất từ quá trình chuyển đổi số. Suốt một thời gian dài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chuyển đổi số đã giúp người nông dân tự tin hơn trong quá trình hội nhập, từng bước trở thành những “nông dân số” trong thời đại mới.

Ít ai nghĩ, anh nông dân Nguyễn Văn Khoa, thôn 8, xã Yên Phú (Hàm Yên) lại có bước đi táo bạo như thế, khi đầu tư ngót nghét cả tỷ đồng cho mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Anh Khoa chia sẻ, sau khi thực hiện nhiều mô hình với các giống cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, anh bắt đầu tìm hiểu những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương, thông qua chính chiếc điện thoại thông minh của mình.

Anh Khoa bảo, lúc mới bắt tay vào chuyển đổi, mình cũng lo lắm. Một phần vì trên địa bàn huyện chưa có nhiều mô hình để mình thăm quan, học hỏi; một phần vì mình vốn là nông dân, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng nếu không thử, thì làm sao biết mình có làm được không, có thể thành công hay không? đầu năm 2020, anh bỏ hơn 700 triệu đồng xây dựng nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, diện tích hơn 1.500 m2 với trên 3.600 dây dưa lưới.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Nguyễn Việt Lâm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương)
ứng dụng công nghệ bón phân, tưới tự động cho hiệu quả cao.

Dưa lưới trồng trong nhà màng cho thu hoạch lứa đầu tiên sau 75 ngày. Nhìn những trái dưa lúc lỉu, căng mọng trên giàn, anh Khoa không giấu được niềm vui. Anh bảo, cái lợi của mô hình này chính là việc sản xuất, thu hoạch không phụ thuộc vào thời tiết. Công nghệ tưới nhỏ giọt vừa đảm bảo tiết kiệm nước, nhưng cũng giúp toàn bộ cây trồng không rơi vào tình trạng thiếu nước hay thừa nước như sản xuất thông thường. Chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng cây phát triển tốt, mỗi vụ anh Khoa thu hoạch 5 tấn quả, thu về trên 250 triệu đồng.

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Khoa đang sử dụng có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Khắc phục những hạn chế mà quá trình sản xuất cũ mình luôn băn khoăn, trăn trở, đó là tình trạng sâu bệnh hại và việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sản phẩm, anh Khoa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Anh Khoa cười, tự tin, đây là bước chuyển đúng đắn nhất của mình đến thời điểm này!

Canh tác hơn 5.000 m2 dưa lưới nhưng anh Nguyễn Việt Lâm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) không tất bật như nhiều nông dân khác. Những phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới nước cho cây đã được tự động hóa. Khi thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây dưa sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng dưa lưới của công ty đạt chuẩn cao nhất đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tầm cỡ quốc gia.

Tự động hóa quy trình sản xuất, khâu chào hàng, tiêu thụ sản phẩm anh Lâm cũng số hóa để theo dõi và giao dịch. Khi dưa đến kỳ thu hoạch thiết bị sẽ báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm gồm: Giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Giám đốc Nguyễn Việt Lâm khẳng định, chuyển đổi công nghệ, người nông dân như anh không còn trông trời, trông đất chỉ cần trông số liệu, công việc này rất đơn giản và hiệu quả. Điển hình như vụ dưa tháng 5 vừa qua, công ty thu 15 tấn, nhưng các doanh nghiệp đến tận vườn để cắt, giá 27 nghìn đồng/kg, doanh thu trên 400 triệu đồng.

Chương trình trồng rau trong nhà kín cũng mang lại những tín hiệu tích cực của nông nghiệp Tuyên Quang. Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất rau trong nhà kín, với quy mô từ 1 đến 3 ha. Các vườn rau được ứng dụng công nghệ tưới hoàn toàn tự động, có lập trình thời gian, cứ đến giờ máy sẽ tự động bật tưới.

Không chỉ trong trồng trọt, việc ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi cũng đang được nhiều chủ trang trại tận dụng sức mạnh công nghệ để vừa đạt hiệu quả chăn nuôi cao nhất, vừa giảm sức lao động. Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Sung, thôn Rộc, xã Hợp Thành (Sơn Dương) trước đây chăn nuôi theo quy trình truyền thống, chi phí rất nhiều thuê nhân công lao động nhưng cũng không thể theo dõi hết được tổng đàn lợn. Giờ thì khác, mỗi con lợn, đặc biệt là lợn nái được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát. Đối với lợn thịt, lợn giống thương phẩm đến kỳ xuất bán, thương lái chỉ cần xem qua hệ thống camera, ưng, chốt giá, lợn sẽ được đưa ra bằng đường băng qua cân điện tử. Theo ông Sung, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi không những quản lý hiệu quả, trang trại còn kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các phương tiện đi vào khu vực chuồng nuôi.

Mới đây, dự án ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi lợn cũng đã được nghiệm thu. Anh Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) nuôi khoảng 150 con lợn thịt và 20 con lợn nái, dù đã xây dựng công trình biogas với rất nhiều bể xử lý, song vẫn vượt quá công suất thiết kế, do lượng chất thải và nước thải vượt quá công suất xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Anh Mão cho biết, giờ có công nghệ mới, hiện đại hơn, chất thải được thu xuống bể lắng, sau đó máy tách phân sẽ bơm hút, xử lý tách ép chất bã là chất thải rắn. Từ chất bã này anh sử dụng ủ với men vi sinh, vôi, than hoạt tính tạo nên lượng phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, không có mùi, tơi xốp, tốt cho cây trồng và mỗi tháng gia đình anh có thêm khoản thu nhập từ số phân bón hữu cơ này. Phần nước thải tách ra tiếp tục được cho xuống bể biogas vẫn tạo khí sinh học như bình thường. Sau đó, nước thải được thải qua hồ sinh học rồi mới thải ra môi trường nên đảm bảo trong xử lý ô nhiễm môi trường.

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, chuyển đổi số quốc gia lĩnh vực nông nghiệp xác định sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt cũng khẳng định, tập trung ứng dụng công nghệ trong sản xuất, từng bước xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Những mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà kín, những mô hình tưới tiết kiệm nhỏ giọt hay mô hình ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò quy mô trang trại… đang dần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Nông dân Tuyên Quang đã tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Họ đang dần làm quen và tự tin hơn với khái niệm “những nông dân số”.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục