Giải quyết TTHC cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Cơ quan hành chính đã sẵn sàng
Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ. Trong đó từ mức độ 2 tới mức độ 4, tổ chức, cá nhân có thể đăng ký hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, đồng thời việc trả kết quả có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Nếu trước đây, người dân muốn đăng ký TTHC phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước làm thủ tục giải quyết TTHC thì nay, với phương thức DVCTT mức độ 3, 4 mọi việc liên quan đến TTHC, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các tổ chức, cá nhân đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm... đặc biệt là tránh được sự nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận công chức.
Hiện nay, Cổng DVCTT của tỉnh đang áp dụng 2.175 dịch vụ công trên cả 3 cấp, trong đó, số dịch vụ công mức độ 2 là 991 thủ tục, mức độ 3 là 219 thủ tục, mức độ 4 là 965 thủ tục. Riêng dịch vụ công cấp độ 4 có 935 thủ tục cấp tỉnh; 28 thủ tục cấp huyện; 2 thủ tục cấp xã. Tỉnh đã tích hợp được 426 dịch vụ công mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 38,72%. Hiện nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc cung cấp DVCTT cấp độ 4, dự kiến đến hết năm 2021 sẽ có 1.050 thủ tục hành chính được thực hiện ở mức độ 4.
Người dân tra cứu thông tin TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Để người dân thực sự là chủ thể trong chuyển đổi số
Chị Nguyễn Hiền Ngân, nhân viên kế toán của một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Tuyên Quang cho biết, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp nhận được thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ ưu tiên giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến. Theo hướng dẫn của Sở và nghiên cứu các bước thực hiện đăng ký tài khoản rồi nhập các giấy tờ cần thiết, chị Ngân đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đăng ký mở rộng lĩnh vực kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn mà không phải đến trực tiếp Bộ phận Một cửa của Sở như trước đây. Việc giải quyết thủ tục diễn ra rất tiện lợi - chị Ngân khẳng định.
Chị Nguyễn Thị Lụa, tổ 8, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chia sẻ về lợi ích DVCTT, thời gian trước, chị phải đi làm xa, đến nơi, đơn vị tiếp nhận yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp. Nếu phải quay trở về để hoàn tất các thủ tục thì rất khó khăn, nhất là trong thời điểm hạn chế người dân đi lại do dịch bệnh. Chị Lụa tìm hiểu hình thức đăng ký hồ sơ trực tuyến thấy TTHC này đã được Sở Tư pháp cung cấp DVCTT cấp độ 4. Vậy là theo hướng dẫn các bước, chị Lụa đã gửi thành công văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu đã sẵn có. Mặc dù có quy định là 10 ngày nhưng chỉ 4 ngày sau, chị Lụa đã nhận được kết quả do bưu điện gửi đến tận nơi chị yêu cầu. Chị Lụa cho rằng: “Trước đây mình không chịu tìm hiểu nên không biết, không hiểu gì về DVCTT, đến khi có việc tìm hiểu kỹ thì việc thực hiện cũng không hề khó, với người am hiểu về công nghệ thông tin bình thường như mình đều có thể thực hiện được”.
Không được như những trường hợp trên, anh Nông Văn Khánh, cán bộ phụ trách Bộ phận Một cửa xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, đến nay xã chưa có hồ sơ TTHC nào phát sinh bằng hình thức trực tuyến, người dân vẫn phải trực tiếp đến giải quyết TTHC tại trụ sở UBND xã. Anh Khánh cho rằng, bà con ở đây chưa nắm thông tin nhiều về DVCTT và có phần ngại tiếp cận, ít tìm hiểu. Ngoài những TTHC được giải quyết bình thường trực tiếp ở cấp xã thì những TTHC liên thông, anh Khánh thực hiện các thao tác gửi hồ sơ trực tuyến tích hợp lên Cổng DVCTT của tỉnh. Như vậy vai trò của anh Khánh cũng như những cán bộ phụ trách Bộ phận Một cửa cấp xã thay người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Khi được hỏi về vấn đề này, anh Nguyễn Trọng Quang, thôn Không Mây, xã Năng Khả cho biết: Bản thân anh cũng như nhiều người dân trong thôn chưa hiểu nhiều về DVCTT là gì, việc khai thác, sử dụng tiện ích của dịch vụ đó cụ thể như thế nào nên khi giải quyết TTHC anh vẫn thường đến trực tiếp Bộ phận Một cửa để được cán bộ hướng dẫn trình tự các bước thực hiện TTHC, điền hồ sơ thông tin hoặc các mẫu đơn, tờ khai nếu có.
Có thể thấy rằng, nguyên nhân khiến DVCTT chưa phát huy hiệu quả là do một bộ phận dân cư, chủ yếu là lao động nông thôn, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn thấp, không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp xúc với máy tính, mạng Internet nên không biết cách sử dụng, truy cập để thực hiện giao dịch TTHC trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, do tâm lý và thói quen của tổ chức, công dân khi làm việc với cơ quan nhà nước, họ lo ngại về sự không thuận tiện và mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên chỉ muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ cho yên tâm.
Mặt khác, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng dịch vụ công cũng như công tác tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đã cung cấp dịch vụ công 3, 4 để người dân biết, hiểu, tin và làm các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử 3, 4 còn hạn chế. Điều này đã khiến cho người dân chưa biết, chưa hiểu cách thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 như thế nào. Vì vậy, cùng với những giải pháp của cơ quan nhà nước thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tìm hiểu kiến thức về công nghệ thông tin để có thể chủ động tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Gửi phản hồi
In bài viết