Những công dân số

- Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài đã được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/06/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Vì vậy rất cần sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân. 

Cán bộ tiên phong thực hiện chuyển đổi số

Mới đi vào hoạt động được hơn một tháng, nhiều người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tỏ ra rất phấn khởi trước tinh thần, thái độ phục vụ chuyên nghiệp, khoa học, đồng bộ của đội ngũ cán bộ làm việc tại đây. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa được áp dụng ngay từ khi tiếp nhận thủ tục hành chính cho đến việc tra cứu thông tin, trả kết quả. Tại đây, mỗi cán bộ, công chức đều phải thành thục các kỹ năng, thao tác về công nghệ thông tin để hướng dẫn người dân ngay từ khâu lấy số thứ tự tự động, chọn lĩnh vực để giao dịch, quét mã vạch để tra cứu thông tin, khai báo thông tin, đánh giá sự hài lòng… trên nền tảng số. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông kiêm chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, cán bộ đều phải sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến và phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh để tiếp nhận và trả kết quả. Việc số hóa các hồ sơ thủ tục liên quan vào kho dữ liệu cũng đang được thực hiện. Mỗi cán bộ làm việc tại Trung tâm đều đã thành thạo các kỹ năng này để phục vụ nhân dân tốt nhất.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn nhân dân quét mã vạch, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng chí Nguyễn Trung Phần, cán bộ  Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách dịch vụ công lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chia sẻ, cán bộ làm việc tại Trung tâm như anh phải thành thạo việc sử dụng công nghệ thông tin thì mới có thể hướng dẫn, giúp đỡ được nhân dân giải quyết thủ tục hành chính ở các dịch vụ công trực tuyến, giúp nhân dân giảm thời gian và chi phí đi lại nếu biết ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi vậy vừa làm, anh Phần còn tích cực tự học để nâng cao kiến thức về công nghệ để áp dụng vào công việc.

Không chỉ ở cấp tỉnh, ở cấp cơ sở, cán bộ là những người tiên phong ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số. Đồng chí Nguyễn Chiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) nói vui: “Giờ không thích sử dụng văn bản giấy nữa vì dùng điện tử quen rồi. Không có máy tính, điện thoại thông minh là không thể làm việc được”. Hiện nay, Chủ tịch UBND và các phó Chủ tịch UBND phường đều sử dụng thành thạo và thường xuyên chữ ký số. Riêng đồng chí Trường đang sử dụng hai chữ ký số để ký chứng từ số và dành để ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND phường. Tất cả các văn bản đến và đi của UBND phường hiện nay đều được xử lý trên môi trường mạng, trừ các văn bản mật.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Yến, giáo viên môn Toán, trường THCS Trần Phú, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) nhờ tự học hỏi, nghiên cứu, mày mò mà giờ đã thành thạo sử dụng các phần mềm trong dạy học, tạo ra những tiết học thú vị, sôi nổi ở các tiết học trực tiếp hay trực tuyến nhờ biết cách khai thác các thế mạnh của công nghệ thông tin. Cô Yến còn là giáo viên tiên phong sử dụng thiết bị ghi vật thể trực tiếp trong các tiết học. Cô Yến cho biết: “Tùy vào từng tiết học, mình sử dụng các phần mềm tương thích, có thể là các phần mềm có trò chơi vui đố, thảo luận nhóm… để tăng khả năng tương tác với học sinh. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nên ngay cả khi học sinh phải cách ly tại nhà, không thể đến trường cả cô và trò đều vẫn học tập bình thường, chất lượng dạy và học vẫn đảm bảo”.

Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Tuyên Quang) tra cứu thông tin hữu ích trên mạng Internet phục vụ cho học tập.

Với việc tiên phong ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tạo ra những kết quả bước đầu quan trọng để tỉnh thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới. Đến nay, trung tâm tích hợp dữ liệu, các hệ thống dùng chung của tỉnh như: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công  và một cửa điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến, mạng truyền số liệu chuyên dùng… đã triển khai kết nối liên thông 4 cấp hành chính. Tỉnh đã cung cấp 278 dịch vụ công mức độ 3 và 597 dịch vụ công mức độ 4, tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện dự án thành phần “Triển khai mở rộng hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh Tuyên Quang đến cấp xã”, dự án “Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang tiến tới cuộc cách mạng 4.0 giai đoạn 2021 - 2022” và triển khai xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang, phiên bản 2.0…

Phát huy vai trò trung tâm của người dân 

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/06/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin xác định phải lấy người dân là trung tâm, định hướng mở để người dân tham gia một cách phù hợp, tương tác với cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng tạo ra giá trị cho xã hội.

Thời gian qua, trước những ảnh hưởng và xu thế chung phát triển công nghệ, tuy là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều nhưng ở nhiều nơi, người dân đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, phục vụ cho công việc, lao động, học tập và sinh hoạt thường ngày. Bà Kiều Lan Thiên, người cao tuổi xã Thái Sơn (Hàm Yên) mặc dù tuổi đã cao nhưng rất thành thạo trong việc sử dụng công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại thông minh để truy cập Internet. Bà Thiên cho biết: “Thời buổi 4.0 rồi, mình không dùng công nghệ thì thông tin cũng mù mờ. Vì vậy, mình phải dùng công nghệ và Internet để cập nhật thông tin, học cái mới, nắm bắt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nâng cao nhận thức pháp luật để tuyên truyền cho các hội viên người cao tuổi khác và con cháu mình thực hiện”, là người thành thạo sử dụng Zalo, Facebook nên bà Thiên cũng là trung tâm kết nối các hội viên người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các phong trào thi đua ở địa phương trong Hội Người cao tuổi.

Hội viên người cao tuổi xã Thái Sơn sử dụng điện thoại thông minh để nắm bắt thông tin.

Công nghệ số tác động và làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân, không chỉ giới trẻ sử dụng công nghệ mà từ người già đến các em nhỏ cũng được nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ. Em Đỗ Chí Kiên, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Tuyên Quang) là học sinh tích cực tham gia các cuộc thi trên Internet của nhà trường. Được thầy cô và cha mẹ hướng dẫn, tạo điều kiện nên hiện nay, em Kiên có thể tự truy cập Internet trên máy tính để có thể tra cứu thông tin hữu ích phục vụ cho việc học tập.

Ở nơi xã xôi và còn nhiều khó khăn như thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) nhưng Bí thư Chi bộ Đặng Văn Dấu cũng sử dụng thành thạo công nghệ và Internet để tham gia các hội nghị tập huấn trực tuyến của huyện, tỉnh tổ chức. Anh Dấu chia sẻ: “Trên chiếc điện thoại thông minh, mình cài đặt một số phần mềm họp Zoom, họp trực tuyến nên dù không lên huyện, lên tỉnh tập huấn trực tiếp được, mình vẫn tham gia được các lớp tập huấn trực tuyến qua các phần mềm này”. Anh Dấu còn dùng Internet để quảng bá rộng rãi sản phẩm chè Shan tuyết của Sơn Phú đến với bạn bè của mình.

Mong muốn này của anh Dấu và nhiều người dân cũng được đề cập đến trong mục tiêu của dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của BCH Đảng bộ tỉnh.

Như vậy có thể thấy, việc ban hành các nghị quyết chuyên đề về công nghệ thông tin và chuyển đổi số luôn nhấn mạnh đến vai trò của mỗi người dân trong chuyển đổi số. Đây chính là tiền đề quan trọng để tạo điều kiện cho người dân được hòa vào dòng chảy chung của chuyển đổi số trong tương lai.

PGS. TS Trần Đình Thiên 
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam
 

Tuyên Quang là tỉnh đi sau hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong phát triển kinh tế số. Đi sau vừa có những thuận lợi nhưng cũng lại có những cái khó khăn hơn. Vì vậy, đòi hỏi Tuyên Quang phải có quyết tâm cao hơn. Trước hết, lãnh đạo tỉnh phải có nhận thức rõ ràng về tầm nhìn kinh tế số có vai trò quan trọng như thế nào đối với tỉnh; ý thức đầy đủ giá trị của cơ hội trong việc chuyển đổi số để định hình được những mục tiêu ưu tiên. Cụ thể là ưu tiên về chính sách, cơ chế đối với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị làm kinh tế số; phải xây dựng chính quyền số trước; khuyến khích quá trình chuyển đổi số; phải có bộ máy đi đầu về thiết kế chiến lược; phải có chương trình đào tạo nhân lực số; phải biết cách xây dựng hạ tầng số... Nếu làm được như vậy, thì đó chính là điều kiện để Tuyên Quang có thể bứt phá vượt trước được. Do vậy, chính quyền của tỉnh cần dẫn dắt và tạo điều kiện, dành ưu tiên về nguồn lực, nhân lực, tài lực cho chương trình này.

 

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục