Trốn gia đình để tham gia thanh niên xung phong
Bà Phạm Thúy Mơ sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Quý, một vùng quê ven biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Trong những năm tháng kháng chiến Thái Bình vẫn là địa phương dẫn đầu miền Bắc về năng suất lúa “chị Hai năm tấn”, rồi tinh thần “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”. Bố bà Mơ cũng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ đánh giặc Pháp. Truyền thống cách mạng gia đình cứ dần vậy mà lớn lên.
Bà Phạm Thúy Mơ, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Tuyên Quang.
Năm 1968 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Trung, Nam đang vào giai đoạn khốc liệt, cần sự chi viện sức người, sức của lớn của hậu phương miền Bắc. Ngoài bộ đội chính quy, thì Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Thái Bình đã cử cán bộ về tận các xã để vận động thanh viên tham gia thanh niên xung phong. Bà Mơ lúc đó 17 tuổi đang học lớp 7/10 tại trường làng nghe được câu chuyện mà lòng rạo rực. Bà âm thầm lấy quả mồng tơi chín làm mực, viết đơn tình nguyện tham gia thanh niên xung phong vào chiến trường Trường Sơn khói lửa. Lúc này anh trai bà Mơ cũng là bộ đội tham gia chiến trường nên gia đình chưa muốn cho cô con gái bé bỏng đi vào nơi hiểm nguy. Nhưng sự việc đã rồi và quyết tâm của con gái, gia đình chỉ còn cách duy nhất là động viên.
Thời điểm đó cả thôn Ốc Nhuận của bà Mơ, tổ chức tuyển được 2 nữ tham gia thanh niên xung phong, trong đó có bà. Toàn xã Đồng Quý là 7 người. Ngày lên tập trung ở tỉnh Thái Bình họ chia ra 7 đơn vị, mỗi đơn vị quản trên 200 thanh niên xung phong. Ngày đó khoảng 1.400 thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình được huấn luyện khoảng 2 tháng, rồi đưa vào chiến trường tỉnh Quảng Bình. Đơn vị của bà Mơ chủ yếu bảo vệ, thông tuyến, rà phá bom mìn trên các tuyến đường huyết mạch ra mặt trận. Người đội trưởng trực tiếp của bà năm ấy là ông Lê Ngọc Hoàn, sau này từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 1996 - 2002.
Bà Phạm Thúy Mơ kể, hồi ở chiến trường Quảng Bình ác liệt, ban đêm máy bay trực thăng của địch quần thảo, bắn pháo liên hồi để tìm mục tiêu. Chỉ cần phát hiện thấy có người, nó chỉ điểm cho máy bay phản lực đến cắt bom. Bao nhiêu đường xá mới được dọn đã nát bét, nhiều ổ voi xuất hiện. Nhiệm vụ của thanh niên xung phong phải tổ chức lại đội hình, tranh thủ rà phá bom mìn nổ chậm còn sót lại, lấp ổ gà. Chuẩn bị điều kiện cho bộ đội hành quân và xe tải hậu cần ra mặt trận. Ở đây rất nhiều bạn bè bà đã ngã xuống vì bom đạn, tai nạn lao động, sốt rét, rắn cắn, vắt cắn, trăn cuốn, bệnh tật. Bà Mơ cũng nhiều lần chết hụt. Đứng giữa sự sống và cái chết cách nhau bằng sợi tóc, nhưng ai cũng tâm niệm quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Bà Phạm Thúy Mơ chụp ảnh với Tư lệnh Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Huân, huy, kỷ niệm chương và Chứng nhận Dũng sỹ Giao thông vận tải, đánh thắng giặc Mỹ.
Tình yêu Đông và Tây Trường Sơn
Giữa cái tuổi phơi phới của thanh niên, bà Mơ cũng khao khát yêu đương lắm chứ. Nhưng thời chiến, suốt ngày ngủ hầm, lấy đâu thời gian mà yêu đương. Rồi bà được tổ chức cho học thêm y tá, phục vụ cho chiến trường. Năm 1970 bà Mơ ở Tây Trường Sơn gặp được ông Phạm Văn Bồng, thanh niên xung phong người Hà Nam ở Đông Trường Sơn. Hai người tìm hiểu và yêu nhau. Những lá thư từ Tây Trường Sơn gửi qua Đông Trường Sơn đều đặn và ngược lại. Năm 1972 hai người tổ chức lễ cưới giản dị nhưng nhiều ý nghĩa. Bà Mơ được ra Bắc và chuyển ngành làm ở Ty Thương nghiệp Tuyên Quang theo lời giới thiệu của người họ hàng. Được tổ chức cử đi học thêm Trung cấp Lao động tiền lương, bà về làm kế toán Công ty Du lịch dịch vụ Hà Tuyên, năm 1992 nghỉ hưu.
Khi vợ chuyển ngành ra Bắc, ông Phạm Văn Bồng chồng bà tiếp tục ở lại chiến đấu. Ông từng giữ chức Đại đội trưởng Thanh niên xung phong, phụ trách mấy trăm quân. Sau này ông chuyển chính quy, phục vụ ngành quân nhu. Khi giải phóng miền Nam, hòa bình lập lại ông Bồng cũng chuyển ngành về Ty Thương nghiệp Tuyên Quang. Rồi giữ chức Giám đốc sở Công thương Hà Giang và nghỉ hưu.
Về hưu bà Mơ vẫn tích cực tham gia việc làng, việc xóm. Bà giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư, Tổ phó tổ nhân dân. Bà có 3 khóa làm Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Tuyên Quang kiêm Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Minh Xuân. Với sự nhiệt huyết, uy tín của mình, Đại hội Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu bà làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của bà Mơ, Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Tuyên Quang trở thành một hội mạnh với 440 hội viên, sinh hoạt ở 13 hội cơ sở xã, phường. Bà Mơ đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan giải quyết dứt điểm các chế độ của Nhà nước đối cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở về địa phương. Hiện nay trong hội chỉ còn 4 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Với những thành tích nổi bật đó Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố được Trung ương Hội Thanh niên xung phong Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tằng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua đơn vị xuất sắc.
Với bà Mơ được nhìn thấy đồng đội hạnh phúc là mình cũng hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết