Vui buồn tổ công nghệ vùng khó

- Tổ công nghệ số cộng đồng có thành viên cốt cán là lực lượng đoàn viên, thanh niên, những người nhanh nhạy trong nắm bắt và thực hành các thao tác trên máy tính, điện thoại. Để công nghệ đến được với tất cả người dân, những bóng áo xanh vẫn nỗ lực “đi từng nhà, gặp từng người”, “cầm tay chỉ việc”. Ở những xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phần việc này càng khó gấp bội, khi việc tuyên truyền cho đồng bào không phải ngày một ngày hai là thành công.

Khuổi Trang, Xuân Lập (Lâm Bình) được đánh giá là một trong những thôn mà hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó lực lượng cốt cán là đoàn viên, thanh niên năng nổ, nhiệt tình nhất.

Bí thư chi đoàn Khuổi Trang Vàng Thành Quổi tranh thủ bất kể ngày giờ, địa điểm, hễ gặp ai lại dở chiếc máy điện thoại thông minh của mình ra, rồi dở chiếc điện thoại thông minh của dân ra, hướng dẫn cài đặt từng ứng dụng, hiệu quả, tác dụng, cách làm như nào...

Đoàn viên, thanh niên xã Xuân Lập (Lâm Bình) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Quổi bảo, đồng bào ở Khuổi Trang chủ yếu là người Mông, người biết chữ, người không biết chữ, người biết tiếng phổ thông, người không biết tiếng phổ thông, có người vừa cài đặt cho, hướng dẫn cách làm cụ thể, quay qua quay lại đã chẳng nhớ gì rồi. Thế nên, 5 đoàn viên thanh niên trong tổ công nghệ số cộng đồng của thôn thống nhất cách làm là “mưa dầm thấm lâu”. Người nào biết tiếng phổ thông thì mình hướng dẫn bằng tiếng phổ thông, người nào không biết thì mình phát sóng ngắn bằng tiếng Mông. Người biết chữ thì được hướng dẫn cụ thể hơn, kỹ càng hơn để hỗ trợ cho người không biết chữ... “Có điều, vì là thôn vùng cao, khó khăn, nên cái sóng điện thoại còn “chần chừ” (chập chờn) lắm. Mình toàn phải tranh thủ lúc ở đồi cao, sóng khỏe, lúc bà con chăn trâu... để hứng cái sóng khỏe, thao tác cho nhanh gọn” - Quổi chia sẻ thế.

Quổi là tổ phó tổ công nghệ số cộng đồng, nhưng hoạt động gần như là chính. Quổi bảo mình trẻ, mình nhanh nhẹn hơn, nên chỗ nào khó, mình xin đi trước. Không phải ứng dụng nào mình cũng biết hết đâu, phải vừa học vừa làm. Như cái ứng dụng chăm sóc sức khỏe điện tử, mình cũng phải học thêm nhiều lắm, để bà con hỏi thì mình giải thích cho bà con thông chứ!

Giàng Thị Nhung, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lũng Giềng cũng vậy. Nhung bảo, đi hướng dẫn cài đặt, gần như phải nói bằng tiếng dân tộc cho bà con hiểu. Nhiều người vừa cài đặt xong, hỏi lại đã chẳng nhớ gì. Có người cài đặt các ứng dụng rồi, vẫn bảo trong cái máy của mình chẳng có cái ứng dụng nào. “Chúng em phải kiên trì lắm. Cứ gặp ở đâu là hướng dẫn ở đấy. Hướng dẫn xong lại phải hỏi lại để bà con nhớ cho thật kỹ, thao tác thật chính xác”.

Bí thư Đoàn xã Xuân Lập Lò Tiến Hướng chia sẻ, năm nay, Đoàn xã nhận phần việc hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh tại 2 thôn xa nhất của xã là Khuổi Trang, Khuổi Củng làm hoạt động “3 cùng”. Đoàn xã phấn đấu, mỗi đoàn viên thanh niên sẽ là một kênh tuyên truyền, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả để nhân rộng mô hình.

Đoàn viên thanh niên xã Sinh Long (Na Hang) hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động.

Xã Sinh Long (Na Hang) thành lập 8 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia hơn 20 người.

Bàn Văn Vinh, Bí thư Đoàn xã Sinh Long đến giờ không đếm nổi bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt.

Như câu chuyện đi cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho cặp vợ chồng trẻ ở Lũng Khiêng. Hai vợ chồng dùng chung một chiếc điện thoại thông minh, người vợ thì hào hứng lắm, nhưng anh chồng nhất định không đồng ý: “Cài xong rồi, nó giấu tiền vào đấy làm quỹ riêng thì sao?”. Anh em đoàn viên phải giải thích, là cái ứng dụng này nó giữ tiền cho cả vợ cả chồng, mấy nữa vợ chồng có việc đi đâu, như đi nằm viện, đi chơi xa, mình không phải cầm theo tiền mặt, không lo rơi, lo mất trộm nữa, chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại này là xong hết. Tiền nó ở trong điện thoại, nó là của cả vợ cả chồng mà. Nói mãi, anh chồng mới cho cài đặt ứng dụng trên chiếc điện thoại dùng chung. Giờ trả tiền điện, trả tiền viện... không phải dùng tiền mặt nữa, cứ thích thú mãi đấy.

Đoàn viên thanh niên xã Sinh Long (Na Hang) hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động.

Vinh bảo, ở Sinh Long, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng biết nhiều thứ tiếng, tiếng Mông, tiếng Dao đều thành thạo. Việc tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào mình cứ “sóng ngắn” mà hướng dẫn. Giờ 100% đối tượng đoàn viên, thanh niên cài đặt và thông thạo các ứng dụng như sổ sức khỏe điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Phong trào, Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 tổ công nghệ số cộng đồng. Tại các tổ công nghệ số cộng đồng, các thành viên là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố hầu hết tuổi cao, có những hạn chế khi tiếp cận công nghệ hiện đại; hoạt động kiêm nhiệm nhiều chức danh... Vì vậy, thành viên chủ chốt vẫn là lực lượng đoàn viên, thanh niên. Những ứng dụng cơ bản như định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang được lực lượng đoàn viên, thanh niên nỗ lực “phủ sóng”. Với ưu điểm nhanh nhạy, trẻ tuổi, lực lượng đoàn viên, thanh niên vừa hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng thông minh, vừa phổ cập, thúc đẩy, hỗ trợ các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tích cực sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thông qua nền tảng số, đặc biệt là người dân, thanh niên ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục