Độc đáo trò chơi dân gian

- Trong các lễ hội truyền thống ở Tuyên Quang, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn, mang tới niềm vui, tiếng cười cho du khách và nhân dân.


Thi đấu cà kheo tại Lễ hội Lồng Tông Chiêm Hóa 2023 .

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với sở thích nhiều lứa tuổi, ẩn chứa trong đó là cả một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của dân tộc. Hiện các trò chơi này ngày càng được tổ chức rộng rãi tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đầu xuân, đi dự lễ hội truyền thống đình Thọ Vực tại thôn Gò Đình, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) đã trở thành nét văn hóa của người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và các huyện lân cận thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nổi bật là hội chọi gà, đây được coi là thú chơi tao nhã vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Anh Phan Văn Duy, xã Trung Môn (Yên Sơn) năm nay cũng mang “chiến kê” tham gia hội cho biết: Chơi chọi gà rất say và nghiền, có “hồ” kéo dài trên 20 phút, song có những trận kéo dài trên 10 hồ nhưng ai cũng chăm chú, hồi hộp theo dõi.

15 năm gắn bó với môn tung còn, bà Lương Thị Tuyến, thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) năm nay tham gia môn tung còn tại Lễ hội cầu mùa tại xã Tân Trào. Bà cho biết: Những trò chơi này đều rất vui nhộn, mang tính cộng đồng cao, vậy nên, sau khi chơi hội xuân về, không ít nam thanh, nữ tú nên duyên vợ chồng, bản này gắn bó với bản kia hơn.

 Môn kéo co là trò chơi dân gian được nhiều nơi tổ chức thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Tại  Lễ hội Lồng Tông Chiêm Hóa năm 2023, sôi nổi hơn cả là phần thi đi cà kheo. Chị Phạm Thị Vinh, thị trấn Vĩnh Lộc chia sẻ: Để chơi được trò này phải khổ luyện rất nhiều mới có thể di chuyển với tốc độ nhanh và giành chiến thắng.

Tại Lễ hội Xuân huyện Lâm Bình, ngoài các trò chơi dân gian như đánh cù, tung còn, đánh pam thì năm nay có thêm múa sạp, có gian hàng quảng bá không gian văn hóa người Tày, người Dao. Du khách có thể tham gia hoạt động như lễ xuống đồng, hội tung còn, đánh yến, đẩy gậy, kéo co hay thưởng thức nghệ thuật múa khèn của người Mông, Nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao, Nghi lễ nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn hay lễ giã cốm, làm bánh trứng kiến của dân tộc Tày... 

Nếu như vùng cao có tung còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh pam, đánh yến… thì ở thành phố có đua thuyền. Các đội tham gia đều thực hiện 1 vòng đua với chiều dài 2,5km (đoạn từ bến phà Nông Tiến cũ đến soi Tình Húc và quay trở lại). Hội đua thuyền diễn ra với những màn tranh tài sôi nổi trong sự cổ vũ hò reo của hàng nghìn người dân địa phương và du khách. Đây là nét văn hóa, thể hiện tinh thần thượng võ của ông cha và sự tinh nhanh, dũng mãnh khi đối phó với sông nước.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ngoài vui lễ hội, các trò chơi dân gian đã vẽ nên một bức tranh nhiều sắc màu, đậm nét văn hóa dân tộc, là điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch đầu xuân đến với xứ Tuyên.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục