Không nên tùy tiện, áp đặt

- Việc đặt tên mới cho các làng, xã và cơ quan sau sáp nhập là một nhiệm vụ quan trọng nhiều nơi đang phải thực hiện, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Phường Nông Tiến sau sáp nhập với xã Tràng Đà vẫn giữ tên gọi cũ.

Trong Quyết định 759/QĐ-Ttg ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ nguyên tắc xác định tên gọi đơn vị hành chính. Đó là phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa; Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh. Quyết định cũng chỉ rõ, tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.

Tại Tuyên Quang, trước khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đã có những cân nhắc kỹ lưỡng, và cả thay đổi về tên gọi một số đơn vị hành chính. Ví như xã Tràng Đà và phường Nông Tiến của thành phố Tuyên Quang, ban đầu được đặt tên sau sáp nhập là Bình Thuận - thể hiện tình cảm với quê hương kết nghĩa.

Nhưng qua lấy ý kiến nhân dân và xem xét thấu đáo các yếu tố văn hóa, lịch sử, đã lấy tên cũ Nông Tiến - theo đúng các nguyên tắc trong quyết định của Thủ tướng. Và tên gọi Bình Thuận được đặt cho đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập xã Thái Long và Đội Cấn, vẫn trọn vẹn tình cảm Tuyên Quang với quê hương kết nghĩa.

Xã Trung Hà - một trong 3 đơn vị hành chính cấp xã của Tuyên Quang giữ nguyên trạng sau sắp xếp. 
Trong ảnh: Vẻ đẹp thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa).

Tuy nhiên, nhìn rộng ra nhiều địa phương khác vẫn có không ít cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện chủ trương sáp nhập còn tâm lý “nơi anh nơi tôi”, hoặc gộp tên các đơn vị cũ thành tên đơn vị mới - vừa dài dòng, vừa tối nghĩa. Lại có nơi lấy tiêu chí làng nhiều dân sẽ được ưu tiên đặt tên khi sáp nhập với làng ít dân.

Một nhà thơ đã viết: “Như chiếc rễ ăn sâu vào đất/Ai nhổ được tên làng/ Ra khỏi vùng ký ức?”. Tên đất tên làng, tên cơ quan đơn vị với mỗi người là nỗi niềm thao thiết, là một phần văn hóa, là sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, lịch sử và tương lai. Nên dẫu cái tên có thay đổi, thì cũng không nên tùy tiện, áp đặt; mà cần chọn sự thay đổi hợp lý nhất, ít xáo trộn nhất, với trách nhiệm và cả phông văn hóa, tầm nhìn cho cả tương lai.

Đó cũng là cách tạo và giữ gìn thương hiệu cho mỗi đơn vị, không thể máy móc, tùy tiện hay áp đặt, duy ý chí.

Minh An

Tin cùng chuyên mục