Đắm say miền cổ tích

- Nhắc đến địa danh Na Hang - Lâm Bình là nhắc đến những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại làm đắm say lòng người của xứ Tuyên, làm cho khách phương xa một lần đặt chân đến đây chẳng muốn dứt ra để về với phố phường xuôi ngược...

Vẻ đẹp hồ Bản Cài, Lâm Bình.

Đẹp cảnh, đẹp người

Mỗi ngọn núi, rừng cây, thác suối của Na Hang - Lâm Bình đều mang trong mình sự kỳ bí đến mê hoặc để ai lên đây cũng muốn được chìm đắm trong vẻ đẹp và được khám phá. Mảnh đất Thượng Lâm (Lâm Bình) nằm trọn giữa dãy núi yên bình, nổi tiếng với truyền thuyết phượng hoàng bay về làm tổ. Nơi đây, khí hậu quanh năm mát mẻ, mây trắng bồng bềnh, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Xung quanh là những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày phảng phất khói lam chiều càng làm cho bức tranh miền sơn cước trở nên thơ mộng.

Mời khách chén rượu ngô bên bếp lửa của ngôi nhà sàn, ông Hỏa Văn La, 60 tuổi, người uy tín thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm bảo: “Người xưa đúc kết câu “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm” không sai tý nào. Thiên nhiên ban cho nơi đây cảnh sắc, khí hậu quanh năm mát mẻ nên con gái của miền này cũng đẹp nhất. Da trắng, tóc đen, dáng người cao ráo, mảnh mai, tính tình hiền hậu lại khéo léo biết thêu dệt thổ cẩm, biết hát Then, đánh đàn Tính. Cảnh đẹp, người đẹp, người Thượng Lâm tự hào lắm”.

Tác phẩm “Đua thuyền kayak trên hồ Lâm Bình - Na Hang” của tác giả Nguyễn Kỳ Nam (Hà Nội).

Lên với Lâm Bình, Na Hang du khách không chỉ được khám phá truyền thuyết về 99 ngọn núi mà còn được nghe truyền thuyết núi Pắc Tạ cao ngất trầm mặc soi bóng xuống làn nước hồ xanh ngắt như ánh mắt người con gái Tày; truyền thuyết về Cọc Vài, núi Nàng Tiên - Chú Khách, đền Pắc Vãng, bãi đá Phạc Mạ mờ sương... Tất cả những sự tích, câu chuyện hòa quyện vào nhau càng khiến chúng ta yêu mến mảnh đất này. Du khách có thể được hòa mình trong dòng nước mát lành của thác Khuổi Nhi, được thưởng thức cảm giác thú vị khi được cá “mát - xa” chân. Thật thú vị khi du khách được du ngoạn bằng thuyền Kayak trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, tận hưởng không khí trong lành và thiên nhiên kỳ thú, được thưởng thức những món ăn đặc sản, dân dã từ chính đôi bàn tay người dân bản địa chế biến.

Xuôi về Bản Biến, Phúc Sơn, du khách được tham quan, trải nghiệm rừng nghiến trăm năm tuổi, được trải nghiệm điểm tắm suối. Còn nếu như về với thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), du khách sẽ chẳng thể rời mắt khỏi những đêm trình diễn nghi thức nhảy lửa kỳ bí của dân tộc Pà Thẻn. Nơi đây, dù cuộc sống hối hả, bận rộn nhưng người Pà Thẻn vẫn luôn giữ được hồn cốt của dân tộc mình. Hình ảnh người phụ nữ Pà Thẻn khéo léo dệt thổ cẩm hay mải miết đan lát làm nên những sản phẩm du lịch độc đáo, nhỏ xinh như níu giữ chân du khách. Người Pà Thẻn ở Thượng Minh còn lưu giữ nhiều câu hát giao duyên, đối đáp như giữ gìn mạch nguồn văn hóa truyền thống bao đời không thể mai một của dân tộc.

Vẻ đẹp phụ nữ Dao Tiền

Về với Na Hang, Hồng Thái - mảnh đất như chốn bồng lai tiên cảnh vẫy gọi du khách. Nơi đây, bốn mùa đều có những cảnh sắc nên thơ, sản phẩm du lịch hết sức đặc sắc. Ruộng bậc thang vàng óng vào mùa hè hay sắc trắng tinh khôi của những đồi lê vào mùa xuân là những thời khắc không thể bỏ qua. Hồng Thái hiện ra như một cô gái đang độ xuân thì với vẻ đẹp căng tràn. Làng văn hóa du lịch Khâu Tràng với những ngôi nhà mái ngói âm dương của người Dao Tiền san sát cùng với nhiều dịch vụ du lịch cộng đồng trải nghiệm hấp dẫn khiến cho du khách đã đến một lần chẳng nỡ về xuôi.

Du khách có thể trải nghiệm, tham quan, check-in đồi lê, hóa thân trong những trang phục của thiếu nữ Dao Tiền, được thích thú khám phá, trải nghiệm dịch vụ thêu thổ cẩm, hái chè Shan tuyết cổ thụ, nghe hát Páo dung và được thưởng thức dịch vụ ngâm chân bằng lá thuốc của người Dao và những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Dao...

Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan Thác Mơ, thác Tát Kẻ, thác Pác Hẩu; tham gia các hoạt động du lịch cắm trại tại Khu lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả, tham quan các gian hàng trưng bày sản vật Na Hang tại chợ đêm thị trấn và cùng say đắm trong những tiết mục hát Then, đàn tính của các đội văn nghệ biểu diễn tại đây.

 Du khách tham quan Làng văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm, Lâm Bình.

Chắp cánh du lịch miền cổ tích

Những năm gần đây, thực hiện khâu đột phá phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Na Hang, Lâm Bình đã có nhiều nỗ lực, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, chắp cánh cho tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của miền cổ tích bay xa.

Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Lâm Bình cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận để đầu tư. Dự kiến trong năm 2022, sẽ có thêm 2 điểm du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận. Bên cạnh đó, huyện đang chú trọng khôi phục, phát triển nghề thổ cẩm, mây tre đan để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Trong tương lai, Làng văn hóa Thượng Minh, xã Hồng Quang đang được đưa vào công trình trọng điểm để hỗ trợ đầu tư và nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn cũng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Ngoài những dự định này, huyện đang tập trung đầu tư phát triển điểm du lịch thôn Nà Tông trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với các điểm chỉ dẫn, check-in, nhà trưng bày...

Check-in bên đèo Khau Lắc (Lâm Bình).

Tại thôn Nà Tông của xã Thượng Minh, nhân dân cũng đã trồng 500 gốc mận để tạo cảnh quan đẹp cho nơi này và xây dựng 3 điểm check-in cho du khách. Bên cạnh đó, xã cũng đang xây dựng sản phẩm lúa đặc sản, cam đặc sản theo quy trình VietGap để phục vụ du khách. Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm phấn khởi khoe: “Trong thôn giờ đã có 19 hộ làm du lịch cộng đồng, xây dựng được 1 gian hàng đặc sản. Mai này hứa hẹn sẽ có một Nà Tông đẹp, là điểm du lịch thực sự lý tưởng với du khách”.

Còn Na Hang, huyện đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các điểm du lịch trên địa bàn, các tuyến đường giao thông kết nối phục vụ cho phát triển du lịch như: Đường giao thông từ trung tâm xã Hồng Thái nối liền với huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, đường giao thông nội bộ khu làng văn hóa du lịch thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; đường giao thông kết hợp du lịch sinh thái nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bản Bung, xã Thanh Tương, hạ tầng khu vực bến thủy vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Ba Đạo đi qua Hang Khào đến bến thủy, trạm dừng nghỉ tại km 16 đường Na Hang Tuyên Quang; Quy hoạch và xây dựng chi tiết khu chợ đêm huyện Na Hang...

 Du khách trải nghiệm dịch vụ cưỡi ngựa. 

Bên cạnh đó, UBND huyện Na Hang đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án thí điểm các tua, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm trong rừng; Đề án Làng văn hóa du lịch cộng đồng thông minh thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái giai đoạn 2021 - 2025; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch huyện Na Hang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, năm 2023 lần đầu tiên huyện Na Hang sẽ tổ chức Lễ hội hương sắc hoa lê quy mô cấp huyện.

Chia tay miền cổ tích Na Hang - Lâm Bình, lời bài hát “Tâm tình cô gái Na Hang” da diết níu chân: “Ai lên Thượng Lâm vượt con sông Lô, Gâm đến quê hương em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây… thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ, anh ơi”.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục