Trải nghiệm từ “phượt”
“Phượt” cho người ta sự trải nghiệm thú vị. Phượt nói nôm na của dân du lịch chính là bản thân du khách tự điều kiển ô tô, xe máy đi theo nhóm nhỏ có cùng sở thích. Anh Nguyễn Văn Minh, du khách quận Tây Hồ (Hà Nội) thường xuyên tổ chức những chuyến phượt xe máy lên huyện vùng cao Na Hang cho biết, nhóm của anh rất mê phượt nơi rẻo cao, nhất là vào dịp Tết đến, xuân sang. Theo anh, phượt xe máy vùng cao, cho đoàn cảm giác tự do, giao hòa với cung đường ngoằn ngoèo, thiên nhiên, bản làng dưới chân núi. Phượt xe máy mọi người có thể đi vào ngóc ngách của từng bản làng để khám phá. Chỗ nào có khung cảnh đẹp, gặp được khoảnh khắc hay là đoàn xuống chụp ảnh, quay video ngay được.
Mùa xuân đua thuyền Kayak trên hồ Lâm Bình.
Hiện nay, du lịch phượt thường được mọi người chọn ở homestay hoặc là tự cắm trại, trong đó giới trẻ chiếm xu hướng chính. Vào giáp Tết, người ta hay nhìn thấy những nhóm phượt ở những chợ phiên vùng cao. Tại chợ phiên xã Đà Vị (Na Hang), chúng tôi bắt gặp một nhóm phượt người Việt Trì (Phú Thọ) đang ngồi ăn bún vịt và bánh đúc nhân lạc. Thi thoảng lại thấy các phượt thủ lôi máy ảnh ra chụp cảnh người dân đi sắm Tết.
Chị Nguyễn Thu Hiền, thành viên trong đoàn phượt cho rằng, phượt nơi rẻo cao có nhiều cái thú vị như cảnh vật hoang sơ, con người giản dị, nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số. Đoàn của chị đã lên xã Hồng Thái săn mây, chụp ảnh những cây lê nở sớm, xem người Dao tiền chuẩn bị ăn Tết, đón xuân. Rồi đoàn quay lên xã Thượng Giáp, nơi giáp ranh giữa 4 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Ngủ ở bản người Tày một đêm gà gáy 4 tỉnh đều nghe thấy ai cũng có cảm giác lâng lâng.
Lễ hội Lồng Tông thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Nguyễn chính
Còn chị Tô Thị Nga, phượt thủ đến từ Hải Phòng cảm nhận, vùng cao xứ Tuyên đẹp quá. Bên cạnh cảnh đẹp, chị còn được tìm hiểu cách làm món lạp sườn hun khói, bánh khảo ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Cả đoàn chọn ở homestay, mọi người thuê xe đạp để đi trải nghiệm quanh vùng. Sau 4 ngày trải nghiệm ở Lâm Bình, đoàn quyết định chia tay trong sự tiếc nuối và hẹn ngày trở lại.
Mùa lễ hội xuân
Ở các địa phương vùng cao vào đầu xuân năm mới nổi bật nhất là Lễ hội Lồng tông, Lễ hội xuống đồng của đồng bào Tày. Lễ hội Lồng tông thường diễn ra ở thôn, xã và lớn nhất là cấp huyện. Lễ hội thường tổ chức từ mồng 2 đến 16 Tết.
Ở huyện Lâm Bình nổi bật có Lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình, Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm. Huyện Na Hang có Lễ hội Lồng tông thị trấn Na Hang, Lễ hội Lồng tông xã Đà Vị. Các lễ hội truyền thống đầu năm này thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh. Vào mùa lễ hội các cơ sở lưu trú tại huyện Lâm Bình, Na Hang đều “cháy” phòng.
Du khách check-in bên đồi hoa mận ở thôn Nà Héc, xã Yên Lập (Chiêm Hóa).
Ông Nguyễn Văn Hùng, du khách thành phố Tuyên Quang tâm sự, ông và gia đình rất thích đi du lịch mùa Lễ hội Lồng tông ở các huyện vùng cao. Đi du lịch đúng là đi hội xuân, được hòa mình vào bản sắc của đồng bào địa phương, thấy được nét văn hóa tinh tuý, phong phú của các dân tộc. Theo ông Hùng, màn cày tịch điền đầu năm, tung còn rất ấn tượng. Du khách có thể trải nghiệm trò chơi tung còn, thăm các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản vật của địa phương.
Chỉ ở vùng cao mới có những lễ hội ấn tượng, đầy bản sắc như Lễ hội Lồng tông. Trong Lễ hội Lồng tông thầy Pú mo làm lễ cầu cho cả một cộng đồng rộng lớn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ, khỏe mạnh. Xong phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như chọi dê, đấu gà, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, đu cây, bịt mắt bắt vịt, thổi khèn, đánh pam, đánh quay. Ngày xuân ở hai huyện vùng cao còn có những lễ hội độc đáo khác như Lễ hội bắt cá xã Năng Khả, Lễ hội hoa lê xã Hồng Thái (Na Hang); Lễ hội nhảy lửa thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình).
Nghi thức nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang.
Năm nào cũng vậy, đầu xuân năm mới đội nhảy lửa thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang nhận được nhiều tua đến tham quan, trải nghiệm nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn đầy huyền bí và linh thiêng. Chị Nguyễn Phượng, một nhiếp ảnh gia tự do ở Thái Nguyên rất thích chụp ảnh nhảy lửa. Chị bảo, để có bức ảnh đẹp đúng ý đồ không phải là chuyện dễ. Ngoài chụp nhảy lửa, nhóm của chị có thể chụp trang phục, nghề thêu, dệt vải thổ cẩm của phụ nữ Pà Thẻn.
Ngày nay du lịch mùa xuân nơi rẻo cao càng lên ngôi, bởi khi con người ở phố phường, đô thị ngột ngạt, áp lực mong muốn đến với những bản làng xa xôi tìm sự bình yên, giản dị và lãng mạn để cân bằng lại chính mình.
Gửi phản hồi
In bài viết