Minh họa: Xuân Đức
Với tôi, ký ức một thời tách - nhập tỉnh gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm. Năm 1976 , quá trình sáp nhập tỉnh tiếp tục được thực hiện ở diện rộng từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Sau các cuộc sáp nhập này, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, Tuyên Quang sáp nhập với Hà Giang thành Hà Tuyên. Bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu trở ngại cuối cùng đã nhường chỗ cho những nỗ lực xây dựng Hà Tuyên thành một tỉnh thống nhất và mạnh mẽ. Khi ấy, đường xá, phương tiện giao thông hết sức thô sơ và thiếu thốn. Không gian rộng lớn gần 14 nghìn cây số vuông, vừa là trở ngại, vừa là lợi thế. Khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, Hà Giang trở thành tiền tuyến và Tuyên Quang trở thành hậu phương vững chắc...
Hồi đó, cán bộ tỉnh tăng cường về cơ sở Hà Giang hay đi công tác đằng đẵng hàng tháng trời không bận tâm chỗ ăn nghỉ. Chỉ cần chiếc ba lô, vài bộ quần áo, mang theo tem phiếu được cấp phát là đủ. Khắp một dải sông Lô từ Sơn Dương đến Thanh Thủy (Vị Xuyên) hay ngược cao nguyên Đồng Văn, đâu cũng là anh em một tỉnh, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi…
Sau 16 năm sáp nhập, tháng 10 năm 1991, Hà Tuyên đã hoàn thành sứ mệnh, tách ra thành 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Vậy là thêm một lần bối rối, bịn rịn người đi, kẻ ở. Dù với nguyên tắc ưu tiên sự tự nguyện, xung phong của cán bộ, nhưng cũng không thể tránh khỏi những bất hợp lý trong thời điểm thành lập. Dù trở thành 2 tỉnh độc lập, nhưng suốt 34 năm qua, Tuyên Quang và Hà Giang vẫn luôn gắn bó như anh em một tỉnh. Sự kết nối một dải đất thiêng liêng tình người, tình quê hương cứ đằm thắm, bền quyện. Rất nhiều người sinh ra tại Tuyên Quang đã chọn Hà Giang để lập nghiệp và ngược lại. Sự liên kết không chỉ ở con người mà về phát triển kinh tế cũng có sự kết nối chặt chẽ. Những cách trở về địa lý đã không còn là trở ngại…
Sẽ không còn lâu nữa, Tuyên Quang và Hà Giang lại về chung một nhà, chung một dòng sông Lô lịch sử. Trước những thay đổi to lớn, mang tính lịch sử, không tránh khỏi những tâm tư, lo lắng. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nghĩ và hành động. Chúng ta sẽ có một không gian đủ lớn cho những bứt phá phát triển. Chiếc áo cũ chật hẹp, sẽ được thay bằng chiếc áo mới rộng rãi và đẹp hơn. Thế giới phẳng ngày nay cho phép chúng ta thực hiện mọi ý tưởng và khát vọng. Những trở ngại về địa lý sẽ được khỏa lấp bằng một nút bấm.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng số là cơ hội lớn cho Việt Nam thực hiện ước nguyện về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Một thời Hà Tuyên để nhớ và sẽ là động lực cho Tuyên Quang - Hà Giang trở thành một tỉnh phát triển, sánh vai cùng cả nước vươn tầm thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết