Kể chuyện Bác Hồ bằng hiện vật

- Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã ở và hoạt động cách mạng trên đất Tuyên Quang 5 năm, 11 tháng, 25 ngày. Giờ đây mỗi tên đất, tên làng đều gắn với những hình ảnh của Bác Hồ. Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan đến Bác Hồ đều là tài sản vô giá mà Bảo tàng tỉnh đã và đang sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu cho công chúng.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với ông Lý Mạnh Thắng (trong ảnh), Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.

P.V: Ông có thể chia sẻ về cơ duyên và quá trình Bảo tàng tỉnh bắt đầu sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người sống và làm việc tại Tuyên Quang?

Giám đốc Lý Mạnh Thắng: Năm 1964 các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định chọn Tân Trào là Khu di tích lịch sử cách mạng quan trọng của đất nước. Ngay cuối năm đó, tỉnh cho xây dựng Phòng Tiếp khách tại đình Hồng Thái. Để hoạt động đón các đoàn khách về dâng hương, thăm Khu di tích được thuận lợi, Trung ương tiếp tục chỉ đạo cho xây dựng cây cầu treo bắc qua sông Phó Đáy. Từ đó hoạt động đón khách đầu tiên tại Phòng Tiếp khách đình Hồng Thái, đi bộ dẫn qua cầu treo sông Phó Đáy, rồi vào dâng hương, tham quan đình Tân Trào, Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, làng Tân Lập.

Năm 1971, Trung ương cho xây dựng các Khu di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), Pác Bó (Cao Bằng), Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Tân Trào (Tuyên Quang). Lúc này tại làng Tân Lập, xã Tân Trào xây dựng 2 ngôi nhà sàn, một ngôi nhà tiếp khách có mái dốc như nhà rông Tây Nguyên; một ngôi nhà trưng bày bổ sung hiện vật giống ngôi nhà sàn của đồng bào Tày miền núi phía Bắc và phục dựng lại lán Nà Nưa.

Năm 1974 Trung ương công nhận 4 khu di tích nói trên thành Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Ty Văn hóa Tuyên Quang cử 2 cán bộ xuống trông coi, hướng dẫn. Năm 1985 thành lập Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở Phòng Bảo tồn, bảo tàng  của Ty Văn hóa Tuyên Quang. Cùng năm đó nhân kỷ niệm 40 năm thành lập nước, bia di tích hình dáng một gốc cây cổ thụ (cội nguồn) được xây dựng ở bậc lên lán Nà Nưa. Dưới gốc đa Tân Trào xây dựng một tấm bia có biển tượng một quả đấm thép, thể hiện cho sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh bổ sung tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ tại Tuyên Quang, cách mạng Tháng 8 và 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Để chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thành lập nước (1995), năm 1994, Trung ương cho xây dựng Quảng trường Tân Trào. Tỉnh chỉ đạo Bảo tàng tỉnh đi Hà Nội, phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia, gặp gỡ những nhân chứng để sưu tầm, bổ sung hiện vật về Bác Hồ. Năm 1999, tách Di tích lịch sử Tân Trào không trực thuộc Bảo tàng tỉnh, thuộc Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào, thành lập Bảo tàng ATK Tân Trào, bổ sung thêm tư liệu, hình ảnh, hiện vật. Năm 2012, Khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào được Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật càng được chú trọng hơn. Năm 2020 Bảo tàng ATK Tân Trào sáp nhập vào Bảo tàng tỉnh, công tác chuyên môn được chia sẻ, nhất là hoạt động đón tiếp, thuyết minh, dẫn khách…

Ảnh về Bác Hồ thời kỳ 1951 tại Kim Bình (Chiêm Hóa) trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

P.V: Trong quá trình sưu tầm, Bảo tàng tỉnh đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì?

Giám đốc Lý Mạnh Thắng: Trước kia giao thông đi lại khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế, các nhân chứng tuổi đã cao, nhiều người đã mất, tài liệu cũ mục nát, thất lạc. Bởi vậy công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật gặp nhiều khó khăn. Thời kỳ tiền khởi nghĩa trước năm 1945, lúc đó phương tiện máy ảnh, người chụp ảnh không có, các hoạt động phải thật sự bí mật. Hầu hết thời kỳ này không có ảnh hoặc rất hiếm ảnh. Để khôi phục lại bức ảnh Bác Hồ chỉ đạo họp Quốc dân đại hội Tân Trào tại đình Tân Trào, họa sỹ đã phải vẽ lại theo lời kể của các nhân chứng lịch sử. Hiện bức tranh này đang được treo, trưng bày tại Bảo tàng ATK Tân Trào.

Bên cạnh những khó khăn, cũng có những thuận lợi. Vì Bảo tàng tỉnh có liên kết, chia sẻ tư liệu với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là Nghệ An, Cao Bằng, Thái Nguyên.

P.V: Số lượng hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ mà Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ? Xin Giám đốc có thể giới thiệu một vài hiện vật tiêu biểu, có giá trị đặc biệt?

Giám đốc Lý Mạnh Thắng: Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang hiện lưu giữ trên 20 nghìn hiện vật, trong đó có khoảng 3 nghìn hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có nhiều hiện vật quý giá như: Ảnh chụp lán Nà Nưa năm 1945, ảnh chụp biệt đội Con nai (Mỹ) đang hướng dẫn quân giải phóng sử dụng vũ khí. Ngoài ra còn các vật dụng đồ dùng cá nhân của Bác Hồ như: Máy đánh chữ, viên cuội chặn giấy, bộ ấm chén pha chè, áo lụa Bác tặng, mâm cơm gỗ…

P.V: Công tác lưu trữ và bảo quản các tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ được Bảo tàng tỉnh thực hiện như thế nào? Bảo tàng tỉnh có áp dụng những công nghệ hiện đại nào trong việc số hóa, bảo quản và quản lý các tài liệu này không?

Giám đốc Lý Mạnh Thắng: Để bảo quản tư liệu, hình ảnh, hiện vật được lưu trữ lâu dài, Bảo tàng tỉnh đã có 3 kho cơ sở lưu trữ. Đây phải nói là hoạt động “xương sống” của Bảo tàng. Hằng năm Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quốc gia Việt Nam cử chuyên gia lên duy trì, bảo dưỡng kho. Kho có máy hút ẩm, điều hòa hông khí, chống mối mọt, hệ thống báo cháy, camera an ninh hiện đại, bảo đảm các thông số tiêu chuẩn. Năm 2017, Bảo tàng tỉnh thuê chuyên gia công nghệ thông tin xây dựng phần mềm kiểm kê, đánh giá, bảo quản hiện vật.

P.V: Bảo tàng tỉnh đã và đang có những hình thức nào để giới thiệu, trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ đến với công chúng?

Giám đốc Lý Mạnh Thắng: Với khoảng 3 nghìn hiện vật về Bác Hồ, Bảo tàng tỉnh tiến hành phân loại, cho vào kho cơ sở bảo quản lưu trữ lâu dài, những hiện vật tiêu biểu, đúng chủ đề được chọn trưng bày, giới thiệu. Mỗi lần trưng bày khoảng 100 hiện vật, sau 5 năm lại chuyển hiện vật khác thay thế, số cũ cho bảo quản. Bảo tàng tỉnh giới thiệu, trưng bày hiện vật theo tiến trình lịch sử. Tuy nhiên hằng năm vào những dịp sinh nhật Bác Hồ, kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9, Bảo tàng tỉnh có những Triển lãm tư liệu, hình ảnh, hiện vật chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng tỉnh (TP Tuyên Quang) hay tại Tân Trào (Sơn Dương).

P.V: Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh có những kế hoạch, dự định gì mới để tiếp tục phát huy giá trị của các tư liệu, hình ảnh, hiện vật này một cách hiệu quả hơn nữa?

Giám đốc Lý Mạnh Thắng: Sắp tới đây Nhà trưng bày Bảo tàng ATK Tân Trào (Sơn Dương) đi vào hoạt động, Bảo tàng tỉnh cũng chuyển một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ xuống đó trưng bày, giới thiệu theo hình thức 3D hiện đại. Bảo tàng tỉnh tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 14 thuyết minh viên, trong năm 2024 có nhiều thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh đoạt giải cao tại Cuộc thi hướng dẫn du lịch tổ chức tại Bắc Kạn, Điện Biên. Bảo tàng tỉnh tập trung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng, tuyên truyền, đưa Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của cả nước, địa chỉ đỏ về nguồn cho các đoàn dâng hương, báo công, kết nạp Đảng, tham quan, trải nghiệm…

P.V: Trân trọng cảm ơn Giám đốc Lý Mạnh Thắng.    

Thực hiện: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục