Lễ hội đua thuyền trên sông Lô
Vào mùng 4 tết Nguyên đán hàng năm, thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội đua thuyền trên sông Lô. Đây là hoạt động lễ hội được tổ chức thường niên vào dịp đầu xuân năm mới mở màn cho các hoạt động văn hóa truyền thống trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang. Hội đua thuyền sông Lô là lễ hội sông nước độc đáo, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất và con người xứ Tuyên. Đây cũng là nét đẹp văn hóa đang được các thế hệ nhân dân thành phố giữ gìn và phát huy, qua đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, cùng nhau rèn luyện sức khỏe, xây dựng đời sống mới.
Các đội thi tham gia đua thuyền tại Lễ hội đua thuyền trên sông Lô. Ảnh: Quang Hòa
Lễ hội Lồng Tông
Lễ hội Lồng Tông hay còn gọi Lễ hội xuống đồng là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Tày các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Hiện nay, huyện Chiêm Hóa thường tổ chức Lễ hội Lồng Tông vào ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm tại sân vận động thị trấn Vĩnh Lộc; Huyện Na Hang tổ chức Lễ hội Lồng Tông vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại thị trấn Na Hang; Huyện Lâm Bình tổ chức Lễ hội Lồng Tông vào ngày 14, 15 tháng Giêng tại xã Lăng Can, có cúng tế ở chùa Phúc Lâm Tự.
Với những ý nghĩa độc đáo, đặc sắc, lễ hội Lồng tông của người Tày đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.
Lễ hội Lồng tông (Lâm Bình) thu hút khách du lịch đầu năm. Ảnh: Quang Lê
Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn
Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn thường được diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình). Nhảy lửa là một lễ nghi thần bí của người dân tộc Pà Thẻn, được coi như lễ hội mừng lúa mới và thường được tổ chức trong thời tiết lạnh giá của mùa đông trên vùng núi cao. Ngoài sự thần bí, nghi lễ này cũng để cầu mong sức khỏe cho dân làng, mùa màng bội thu cho bà con. Một đống lửa lớn sẽ giúp mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho một năm mới được an khang, thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Ngoài lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn Lâm Bình, huyện Na Hang cũng vừa khôi phục lễ hội nhảy lửa của người Dao ở Đà Vị.
Lễ hội nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình). Ảnh: Cao Huy
Lễ hội Chùa Hang
Lễ hội chùa Hang (hay còn gọi là chùa Hương Nghiêm), xã An Khang (TP Tuyên Quang) tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm. Chùa Hang được xây dựng năm 1537 thời Mạc Đăng Doanh trong một hang núi đá. Chùa còn lưu giữ tấm bia cổ khắc trên vách đá, hai pho tượng Bồ tát bằng đồng, giá đọc văn tế, hương án, mâm đồng thời Nguyễn. Đây còn là nơi cất giấu, lắp ráp hai chiếc máy bay đầu tiên của không quân Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa). Chùa Hang đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tại buổi chính lễ diễn ra lễ cầu an, cầu cho quốc thái, dân an và lễ rước nước. Phần hội có các trò chơi dân gian, các môn thể thao, dân ca, dân vũ.
Các sư thầy làm lễ tại Lễ hội chùa Hang, xã An Khang (TP Tuyên Quang). Ảnh: Quang Hòa
Lễ hội Động Tiên
Huyện Hàm Yên thường tổ chức Lễ hội Động Tiên hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng tại Khu di tích danh thắng quốc gia Động Tiên thuộc xã Yên Phú. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào các dân tộc trong huyện. Phần lễ có lễ tế tại đình thành hoàng làng, rước lễ dâng hương Động Tiên và phát lộc cho du khách gần xa gặp nhiều may mắn. Ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ ảo của Động Tiên, du khách còn có thể tham gia trò chơi leo núi, xem thi đấu các trò chơi dân tộc thiểu số độc đáo, múa khèn Mông, vẽ tranh phong cảnh...
Tại Lễ hội Động Tiên, du khách còn được tham dự Hội chợ quê với những sản vật nổi tiếng của huyện như vịt Minh Hương, cam sành, bánh sừng bò, nồm rau dớn, thịt lợn muối chua, mật ong rừng, vải thổ cẩm…
Lễ hội đình Giếng Tanh
Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng Giêng, TP Tuyên Quang lại tổ chức Lễ hội đình Giếng Tanh tại xã Kim Phú. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cao Lan. Lễ chính ngày mùng 10 tháng Giêng, các lễ phụ diễn ra rải rác trong năm. Phần lễ cúng thành hoàng làng, thần nông, thổ địa bày tỏ lòng biết ơn người có công thành lập làng và mong muốn thành hoàng làng, thần nông, thổ địa phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa. Phần hội có các trò chơi dân gian, múa hát, đặc biệt có thi khâu các quả còn, thi người đẹp Giếng Tanh.
Lễ hội rước Mẫu đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La
Cứ vào ngày 11 đến 16 tháng 2 Âm lịch hàng năm đều diễn ra Lễ hội rước Mẫu từ đền Thượng, xã Tràng Đà, đền Ỷ La, phường Ỷ La sang đền Hạ, phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang) và ngược lại.
Bởi vậy, năm nào các đền cũng tổ chức lễ rước Mẫu, một nét tín ngưỡng rất riêng của người Thành Tuyên. Đoàn rước Mẫu rực rỡ sắc màu với đội múa lân, cờ, trống, phường nhạc đồng văn, phường bát âm dẫn đầu, tiếp sau là kiện nhang án, kiện bát cống, kiện võng, rồi các bô lão, đoàn thể và đoàn người trẩy hội.
Lễ hội cầu may, cầu mùa ở Tân Trào
Lễ hội Cầu may, cầu mùa được tổ chức vào ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng tại Đình Hồng Thái và Đình Tân Trào, xã Tân Trào (Sơn Dương) mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày, xã Tân Trào. Lễ hội Cầu may, cầu mùa nhằm gửi gắm mong ước của con người cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, mang lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nhân dân.
Nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc được thể hiện sinh động qua từng lễ hội đã góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết