Xuân vùng đất Mẫu

- Tuyên Quang được biết đến không chỉ với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến của cách mạng Việt Nam, nơi đây còn có sức hút to lớn bởi đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đa dạng, phong phú mà bất kỳ ai cũng muốn tìm về mỗi dịp đầu xuân.  Những giá trị văn hóa tâm linh có bề dày lịch sử là một lợi thế để Tuyên Quang bảo tồn, phát huy và nắm bắt cơ hội bứt phá trong phát triển du lịch.

Không gian linh thiêng

Tuyên Quang có hệ thống chùa gắn với sinh hoạt Phật giáo; đền, miếu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu lâu đời, trong đó hình thành đầy đủ với Tam tòa Thánh Mẫu, gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Những di tích lịch sử - văn hóa cùng với các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc là một không gian linh thiêng, phong phú để du khách đến chiêm bái.

Hiện nay, Tuyên Quang có 79 di tích đình, đền, chùa thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật và 57 danh lam thắng cảnh. Trong đó, có một số điểm di tích đền, chùa và thắng cảnh góp phần phát triển du lịch tâm linh như: đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La, đền Ghềnh Quýt, đền Cấm, đền Kiếp Bạc, đền Mỏ Than, đền Cảnh Xanh (TP Tuyên Quang); đền Minh Lương (Yên Sơn); đền Thượng Đăng Châu (Sơn Dương); đền Bắc Mục, Thác Cái (Hàm Yên); đền Bách Thần (Chiêm Hóa); đền Pác Tạ (Na Hang)...

Đền Ỷ La (TP Tuyên Quang) là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của du khách.

Nhiều tuyến du lịch tâm linh đã hình thành ở Tuyên Quang như: tuyến du lịch tâm linh thờ Mẫu ở thành phố Tuyên Quang bắt đầu từ đền Trình đi đền Hạ đến đền Thượng, đền Ỷ La, đền Cấm, đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than và đi các tuyến ngoài thành phố hiện là tuyến du lịch tâm linh quan trọng nhất. Ngoài ra còn các tuyến như tuyến du lịch tâm linh lên Chiêm Hóa - Na Hang từ thành phố đi đền Minh Lương đến đền Bách Thần, đền Pác Tạ; tuyến du lịch tâm linh từ các đền ở thành phố đi đền Minh Lương lên đền Bắc Mục, đền Thác Cái...

Ngoài ra, nhiều tour du lịch mới kết nối thành phố Tuyên Quang với các huyện trong tỉnh như: tuyến du lịch tâm linh từ trung tâm thành phố là Đền Hạ, Đền Kiếp Bạc - Đền Lâm Sơn Linh Từ - đền Thượng - đền Cấm - đền Ghềnh Quýt - đền Cảnh Xanh - đền Mỏ Than - Chùa Linh Thông - đền Ỷ La; tuyến du lịch tâm linh từ trung tâm thành phố Tuyên Quang - đền Hạ, đền Kiếp Bạc - Thành Nhà Mạc - Chùa Trùng Quang - đền Đồng Xuân - đền Cảnh Xanh - đền Mỏ Than; tuyến du lịch tâm linh từ trung tâm thành phố - đền Hạ, đền Kiếp Bạc - đền Quang Kiều - Chùa An Vinh - đền Cấm Sơn - Thành Nhà Bầu - Bến Bình Ca - chùa Hương Nghiêm.

Bên cạnh đó, mỗi dịp đầu xuân cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc ở Tuyên Quang, thu hút đông đảo du khách, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia như: Lễ hội Đua thuyền trên sông Lô, lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, lễ hội Đình Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan (TP Tuyên Quang), lễ hội Lồng Tông của đồng bào Tày (Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình), lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình), Dao Đỏ (Na Hang), Cao Lan (Yên Sơn); lễ hội Cầu mùa của đồng bào Tày xã Tân Trào (Sơn Dương), lễ hội Động Tiên - Chợ quê (Hàm Yên), lễ hội đình Minh Cầm, lễ hội chùa Phật Lâm (Yên Sơn). Du khách sẽ được hòa mình vào những phong tục độc đáo đầu năm mới, cầu mong một năm nhiều may mắn, bình an.

Nhằm khai thác, phát huy tác dụng giá trị tối đa nguồn lực từ các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt phát triển du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu của du khách, năm 2021, nhiều di tích đền, chùa đã được đầu tư tôn tạo, phục hồi và sửa chữa cấp thiết như đền Hạ, đền Thượng, đền Cảnh Xanh, Thiền viện Trúc Lâm (TP Tuyên Quang), chùa Bảo Quang, xã Tam Đa, chùa Tây Thiên, xã Văn Phú (Sơn Dương); đền Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa); đình Làng Nẵng, xã Tân Tiến (Yên Sơn).

Ông Bùi Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ di tích đền Thượng (TP Tuyên Quang) cho biết, thời gian qua, di tích đền Thượng đã được sửa chữa cấp thiết một số hạng mục như cung chầu, đầu tư xây dựng khu chế biến, khu phục vụ ăn uống, khu vệ sinh. Cảnh quan của đền ngày càng khang trang, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách đến chiêm bái được quy củ và thuận tiện hơn.

Đại đức Thích Trúc Thành Minh, Thư ký Thiền viện trúc lâm chính pháp Tuyên Quang cho biết, đầu năm 2022, lượng khách đến với Thiền viện đông hơn những năm trước đây. Trong năm 2021, Thiền viện đã hoàn thành đầu tư xây dựng tầng 3 gồm Chính điện, Thiền đường. Du khách khi đến với Thiền viện vừa cầu mong một năm an lành, vừa được thưởng ngoạn thiên nhiên núi Dùm với công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo, phảng phất nét hoài cổ.

Thiền viện trúc lâm chính pháp tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài tỉnh.
Ảnh: Minh Thủy

Anh Nguyễn Bá Ngọc, phố Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhiều lần đến với Tuyên Quang dịp đầu xuân nhưng mỗi lần đến là một sự trải nghiệm khác biệt. Theo anh Ngọc, đến với Tuyên Quang, anh không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn được gửi gắm bao ước vọng trong năm mới khi đi chiêm bái các di tích đền, chùa nổi tiếng ở Tuyên Quang. Điểm mới trong dịp về Tuyên đầu năm nay mà anh Ngọc nhận thấy rõ đó là nhiều di tích đền, chùa năm nay đã được quan tâm chỉnh trang, tôn tạo khang trang.

Sở hữu một hệ thống di sản - di tích có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, đây thực sự là tiềm năng quý giá cần được tiếp tục phát huy và bảo tồn.

Nắm bắt cơ hội, tạo bứt phá

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong ba khâu đột phá là: Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Ngày 16/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Một trong các mục tiêu trọng tâm của nghị quyết đó là nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tâm linh, tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Thực hiện mục tiêu nghị quyết, các cấp ủy, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố đã cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết thành các giải pháp hết sức cụ thể.

Theo đồng chí Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có giải pháp phát triển du lịch tâm linh trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch như: phát triển sản phẩm du lịch thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tiến tới các lễ hội Festival và Carnaval (du lịch sự kiện). Tổ chức lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, khai hội chùa Hương Nghiêm tại thành phố Tuyên Quang theo hướng đổi mới cách thức, quy mô tổ chức, gắn với các hoạt động phụ trợ như liên hoan hát Chầu văn, các hoạt động vui chơi giải trí. Chú trọng xây dựng các tua, tuyến du lịch tâm linh từ thành phố Tuyên Quang tới các di tích tâm linh trong tỉnh, đồng thời liên kết tuyến du lịch tâm linh của tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh trong khu vực; thực hiện số hóa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có các điểm du lịch tâm linh như đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, đền Pác Tạ, Pác Vãng, chùa Phúc Lâm thuộc Đề án Xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Du khách tham quan khuôn viên chùa Hương Nghiêm, xã An Khang (TP Tuyên Quang).

Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu với tỉnh chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, danh thắng có tổ chức các hoạt động lễ hội; tăng cường quản lý các lễ hội, hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đặc biệt, trong năm nay, Sở sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn tiến hành phục dựng lễ hội đình Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) để phục vụ phát triển du lịch tâm linh. 

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Mạch, với tiềm năng to lớn để phát triển du lịch tâm linh, Tuyên Quang cần nắm bắt cơ hội để bứt phá phát triển về du lịch. Trong đó chú trọng đến giải pháp tuyên truyền tới nhân dân, du khách về lịch sử của các di tích đền, chùa, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh tại các đền, chùa, lễ hội. Tỉnh cần lựa chọn những tua, tuyến du lịch tâm linh gắn với lễ hội đặc trưng, có trọng tâm để đầu tư trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch. Trong thời gian tới, cần coi trọng giải pháp xây dựng nét riêng có về hình ảnh con người mảnh đất Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến thân thiện, mến khách, giàu tình người để thu hút khách du lịch.

Mùa xuân khi đến với mảnh đất xứ Tuyên, mỗi người như được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh, tín ngưỡng linh thiêng, sâu lắng để cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Bảo tồn và phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đất Mẫu được ban tặng chắc chắn sẽ là cơ hội để Tuyên Quang bứt phá trong phát triển du lịch tâm linh nói riêng và du lịch nói chung.

Phóng sự: Thuỷ Châu

Tin cùng chuyên mục