Để đến trường vui

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục nước nhà. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Cả cuộc đời, Người chỉ có “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Cùng với sự quan tâm của toàn xã hội, ngành giáo dục đang phải giải quyết những khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình mới..., song song với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Những nhiệm vụ năm học mới đã và đang được các nhà trường triển khai với quyết tâm và kỳ vọng lớn của thầy, của trò và của toàn xã hội.

“Lương sư hưng quốc” - Rất cần những người thầy hiểu sâu biết rộng và có trái tim yêu thương, bao dung, nhẫn nại và kiên trì uốn nắn trò. Cũng rất cần cởi trói những áp lực không đáng có về lương, thưởng và chế độ đãi ngộ, về vô số công việc không tên do bệnh thành tích. Có như vậy người thầy mới toàn tâm toàn ý chăm lo cho chuyên môn và an nhiên tự tại đến lớp, thăng hoa cùng bài giảng.

Cũng như vậy, học trò cũng cần được cởi bỏ áp lực do chính gia đình và không ít thầy cô tạo ra về điểm số, học thêm, về so sánh với “con nhà người ta”… Chúng ta vẫn quen chúc học trò “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nên trường học cần là mái nhà thứ hai của trẻ. Nơi ấy trò được thầy cô thương yêu như cha mẹ, sẵn sàng lắng nghe, nhiệt tâm khơi lên tư duy sáng tạo. Nơi ấy trò kính trọng và biết ơn thầy, phụ huynh thấu hiểu và đồng hành cùng thầy cô, tạo thành môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Thực tế đã có nhiều câu chuyện buồn từ áp lực học hành của trẻ. Hy vọng đó là những bài học cho cả gia đình và nhà trường. Để năm học mới đến, mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui - của cả thầy và trò.

Thái An

Tin cùng chuyên mục