Phụ mà không phụ

- Bạn tôi đã có những trải nghiệm Trung thu đặc sắc tại Tuyên Quang. Cả gia đình đều phấn khích và không ngơi chụp ảnh với những mô hình đèn lớn diễn diễu hàng đêm trên phố. Nhưng (vẫn có nhưng) bạn bảo: Lễ hội vui, đèn Trung thu đẹp và lớn, nhưng vấn đề nhỏ là nhà vệ sinh thì chưa được!

Bạn kể suốt buổi tham gia rước đèn trên phố, cả gia đình phải “nhịn” vì không tìm đâu ra nhà vệ sinh công cộng. Tôi giật mình vì nỗi niềm của bạn và chắc là của hầu hết du khách ngắm lễ hội Trung thu đường phố quê mình.

Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) từ lâu đã được cộng đồng thế giới quan tâm. Một tỷ phú Mỹ từng nói: “Mức độ phát triển của một quốc gia có thể đánh giá qua... Toilét công cộng của quốc gia đó”. Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) nêu khẩu hiệu “xây dựng NVSCC là vấn đề tự tôn dân tộc”. Còn Thủ tướng Singapore từng tuyên bố: “Tình trạng NVSCC của đất nước là thước đo văn hóa của người dân”. Với Thái Lan - đất nước của du lịch, nhà vệ sinh công cộng cũng là một sản phẩm văn hóa du lịch, khi nó được trang trí giống như một khu vườn lộng lẫy đến những bức tranh tường đầy ấn tượng như một Gallery mỹ thuật...

Còn ở ta, nhà vệ sinh xưa nay vẫn được quen gọi là công trình phụ. Có lẽ vì thế nên ít được quan tâm. Thống kê của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho thấy, tại nhiều nơi trên cả nước, nhà vệ sinh công cộng chưa đạt chất lượng. Nhiều đô thị chưa có nhà vệ sinh công cộng. Một số nơi nhà vệ sinh rất bẩn, người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung... Từ thống kê này, tôi có thể hiểu nỗi niềm của bạn tôi trong câu chuyện kể trên. Và thấy không thể coi vấn đề này là “phụ”.

Một xã hội văn minh, lịch sự nhưng thiếu nhà vệ sinh công cộng thì tất yếu dẫn đến việc “giải quyết đầu ra” bừa bãi, ô nhiễm môi trường. Chúng ta đang phát triển du lịch, thì càng cần quan tâm hơn đến vấn đề này, để không chỉ mời gọi mà còn giữ chân được du khách, và khiến cho họ quay trở lại.

Thái An

Tin cùng chuyên mục