Gắn di sản với phát triển

- Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

Toàn tỉnh có gần 500 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gần 50 lễ hội truyền thống và lễ hội văn hóa, gần 600 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có những di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh, những di tích và danh thắng đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của di sản văn hóa vẫn còn những tồn tại chung của cả nước như mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn hạn chế, còn di sản chưa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo đúng mức, chưa phát huy được hết giá trị; việc gắn kết di sản với du lịch còn hạn chế...

Với tinh thần "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; cần khắc phục những tồn tại nêu trên; coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cần tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện cho các di sản văn hóa được duy trì, phát triển; khuyến khích, hỗ trợ việc bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản, tham gia bảo vệ di tích; hướng dẫn và tạo điều kiện để các nghệ nhân, người nắm giữ di sản phát huy vai trò chủ thể văn hóa, gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch.

Bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, tạo thành sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thái An

Tin cùng chuyên mục