Tuấn hạc Học đạo từ võ

- Học võ từ năm 6 tuổi, võ sư Phạm Anh Tuấn (Tuấn hạc) nổi tiếng trong làng võ khi từng đánh thắng cao thủ Vịnh Xuân Pierre Francois Flores vào năm 2009. Bạn bè trong giới luôn đánh giá anh tài năng đi liền với đức độ, được giới võ thuật nể trọng bởi sự khiêm nhường, nghĩa khí. 30 năm qua, anh dạy hàng ngàn học trò, từng tham gia lực lượng chuyên biệt trong quân đội. Những năm gần đây, anh đóng phim và làm cố vấn võ thuật.

Tinh thần thượng võ

Phạm Anh Tuấn, sinh năm 1979, theo nghiệp võ đến nay được gần 40 năm.  Người thầy đầu tiên của anh chính là cha anh, một người mê võ tự do và dạy võ cho con chủ yếu với mục đích để tự vệ. Sau này anh Tuấn được học võ bài bản hơn từ sư phụ Đặng Tuấn Hải.

Năm 20 tuổi, Tuấn hạc đi bộ đội và đóng quân ở Khánh Hòa. Lính công binh nhiều gian khổ, ngày luyện tập đổ mồ hôi trên thao trường nắng cháy đầu, cát bỏng chân nhưng đêm về Tuấn hạc vẫn miệt mài luyện võ. Thời điểm đó, nhiều người đánh giá trình độ kung fu của anh phát triển lên rất nhiều. Rời quân ngũ về Hà Nội năm 2001, anh Tuấn dành toàn thời gian với võ, mỗi ngày 6 - 8 tiếng để luyện tập.


Võ sư Tuấn hạc và những đường quyền tạo dấu ấn.

Hỏi về biệt danh Tuấn hạc, anh cười hiền kể: "Đơn giản thôi, năm 2004 Hà Nội thành lập bộ môn Vịnh Xuân thuộc Hội Võ thuật Hà Nội. Lúc đó những nhà sáng lập muốn làm một clip giới thiệu về Vịnh Xuân trên truyền hình và tôi được giao biểu diễn bài Hạc quyền. Từ đó trở đi biệt danh Tuấn hạc gắn liền với tôi".

Anh nói thêm về môn phái Vịnh Xuân Quyền còn được biết đến với các tên khác như Vịnh Xuân công phu hay Vịnh Xuân phái. Đây là môn võ thiên về cận chiến, đánh nhanh kết hợp với việc phòng thủ chặt chẽ để hạ gục đối thủ của mình. Bằng cách đưa ra các đòn chân nhanh, phòng thủ và tấn công đồng thời và lấy sức mạnh của đối thủ chuyển thành lợi thế cho mình, những người luyện môn võ này dễ dàng hạ gục đối phương. Do đó, đây là một môn võ tương đối phức tạp đòi hỏi người tập phải kiên trì, luyện tập trong vòng nhiều năm để có thể trở nên thành thạo.

Năm 2009, tên tuổi Tuấn hạc được giới võ thuật trong và ngoài nước biết đến khi đánh bại võ sư Pierre Francois Flores. Võ sư Flores thuộc môn phái Nam Anh Vịnh Xuân ở Canada. Đây là trận bên bờ hồ Thiền Quang, Hà Nội. Khi ấy, võ sư Pierre Francois Flores có 12 năm theo học Vịnh Xuân Quyền và cũng sang Việt Nam để giao lưu võ học. Còn võ sư Tuấn hạc lúc đó tập Vịnh Xuân Quyền được 13 năm.

Cuộc so tài đã được ghi lại, diễn ra trong khoảng 2 phút với kiểu đánh tay bo, dân dã. Sau khoảng thời gian đầu có vẻ cân tài cân sức thì đến cuối phút thứ 2, Tuấn hạc áp sát, tung ra một loạt đòn tay và gối khiến Flores không thể đứng vững. Cuộc tỉ thí này cũng tạo ra động lực đặc biệt để võ sư người Canada nhiều lần quay trở lại Việt Nam. Võ sư Tuấn hạc cũng nêu quan điểm của mình khi Flores chấp nhận giao lưu võ thuật tại Việt Nam: "Giao lưu võ thuật cũng như đánh cờ hoặc mời nhau ăn cơm.

Giao lưu ở đây có thể là nói chuyện bằng lời cũng đủ để hiểu công phu của nhau chứ đâu có phải cứ giao lưu là phải dẫn tới chấn thương. Sự thách đấu hầu như không có đối với võ cổ truyền ở Việt Nam, nhưng vì Flores là khách, mà người Việt Nam lại rất hiếu khách nên nếu có lời mời thì anh nhất định sẽ tham gia với tinh thần thượng võ, học hỏi lẫn nhau.

Học đạo, học võ

Cùng với niềm đam mê võ thuật, hàng chục năm qua, võ sư Tuấn hạc rất tích cực tham gia truyền dạy tinh hoa võ thuật. Anh từng được mời sang Israel dạy võ thuật. Còn tại Việt Nam, lớp võ do Tuấn hạc đứng dạy thu hút hàng trăm võ sinh.

Tuấn hạc chia sẻ, niềm vui chiến thắng sau mỗi trận đấu chỉ đến trong một thời gian rồi cũng sẽ phai nhạt. Còn với anh, thế hệ học trò mới là niềm vui lớn và bền vững mãi mãi. Nguyên tắc dạy võ của anh là phải trang bị cho học trò cái gọi là đạo của võ trước. Nói cách khác là phải trang bị cho học trò vững cái căn cơ, nguyên gốc của võ rồi mới bắt đầu truyền dạy võ thuật. Học trò của anh không chỉ thấm nhuần cái tinh túy của võ, mà còn hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của những đường võ. Học võ để trở thành một con người hoàn hảo về tâm, đức và sức mạnh vô song của cơ thể.

Võ sư Tuấn hạc (áo trắng) cùng đoàn làm phim "Anh hùng" khảo sát bối cảnh làm phim tại Bản Bung,
xã Thanh Tương (Na Hang). Ảnh: Mai Linh

Hiện nay, anh thường chỉ đứng lớp 5 - 7 môn sinh. Với quan niệm, quý hồ tinh bất quý hồ đa, dạy ít người mới có điều kiện quan tâm đến từng môn sinh, hiểu được nhu cầu, khả năng của từng người. Môn sinh phải lĩnh hội được những gì anh nỗ lực truyền dạy, làm sao thông qua bạo lực (tập đấm đá trong võ đường) để trò được truyền cảm hứng sống khỏe, bản lĩnh trên đường đời. Giỏi võ rồi thì phải biết khiêm tốn, không ngừng học hỏi. Đó chính là tính nhân văn, tính giáo dục trong võ thuật.

Không chỉ là võ sư, những năm qua Tuấn hạc còn bén duyên với điện ảnh với vai trò là diễn viên và cố vấn võ thuật. Bộ phim đầu tiên Tuấn hạc tham gia đó là "578: Phát đạn của kẻ điên" của đạo diễn Lương Đình Dũng. Vai của anh là một cao thủ ít nói có nhiều cảnh chiến đấu. Tuấn hạc chia sẻ, đây là bộ phim kể về hành trình một người cha cứu con và báo thù cả một tập đoàn tội phạm nên đầy rẫy cảnh giao đấu tay không. Âm hưởng chung là các đòn thế tấn công, tự vệ của võ tự do, không đặc tả một môn phái hay công năng đặc dị nào.

Điều mà anh muốn lan tỏa trong mỗi bộ phim hành động. Đó là tài năng ứng biến trong võ thuật. Bởi sức mạnh của võ không chỉ nằm ở sự dũng mãnh của đòn đánh, thế đánh mà chính ở sự mềm dẻo, linh hoạt và hiểm hóc. Do đó khi xem phim hành động anh đóng người xem bị cuốn theo, khó có thể rời mắt được.

Bộ phim vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và trình chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt đây là bộ phim hành động đầu tiên của Việt Nam được chọn dự thi giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar.

Hiện nay, anh đang được đạo diễn Lương Đình Dũng mời tham gia dự án phim "Anh hùng".  Bộ phim tái hiện cảnh đau thương của bản án tru di tam tộc đầy oan khuất trong lịch sử về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và hành trình ông được vua Lê Thánh Tông minh oan. Thời gian qua, Tuấn hạc và đoàn làm phim nhiều lần đến Tuyên Quang để lựa chọn địa điểm xây dựng bối cảnh phim. Anh chia sẻ rằng, Tuyên Quang là mảnh đất bình yên, con người chân thành thân thiện hiếu khách. Anh mong muốn có nhiều cơ hội hơn nữa để gắn bó mảnh đất miền núi nghĩa tình này.

Tin rằng, với cái tâm và tài của mình, võ sư Tuấn hạc sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của nền võ thuật nước nhà, mãi là người thầy gương mẫu, hết lòng vì học trò và tiếp tục thăng hoa trong sự nghiệp diễn xuất trên màn ảnh.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục