Coi rác thải là tài nguyên

- Trong quá trình đô thị hóa, lượng rác thải xây dựng xuất hiện ngày càng nhiều. Do ý thức và nhận thức, vẫn còn có những gia đình, doanh nghiệp chưa chú ý đến việc thu gom, dọn dẹp, tập kết rác thải xây dựng. Hiện nay, tư duy về quản lý rác thải đã thay đổi, từ "tiêu hủy" đến "quản lý”, từ "rác thải" đến "coi rác thải là tài nguyên".

Qua tìm hiểu được biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách rất cụ thể về tái chế các loại rác thải. Thụy Điển là nước đi đầu coi rác thải là tài nguyên và vì không đủ nguyên liệu cho các nhà máy tái chế rác trong nước, họ đã phải nhập khẩu rác thải ở các nước về để tái chế thành các sản phẩm thiết yếu. Có tới 96% lượng rác thải được sử dụng tái chế, 4% chôn lấp. Và trung bình mỗi năm, 1 người dân nước này chỉ chôn lấp khoảng 7 kg rác thải. Thụy Điển hiện đang nhắm tới một nguồn rác giá rẻ khác - rác trên các đại dương.

Để tạo ra điện, nhiên liệu và sưởi ấm, khí thải, phế liệu gỗ, Hàn Quốc đã biến chất thải gia đình và các chất thải khác chuyển đổi thành năng lượng. Sản xuất năng lượng thông qua chất thải rẻ hơn 10% so với năng lượng mặt trời và rẻ hơn 66% so với năng lượng gió.

Còn Singapore triển khai chương trình xử lý rác thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh. Tỷ lệ tái chế rác hiện ở mức cao là 60%, Singapore chỉ chôn 2% lượng rác thải rắn và đã xây đảo nhân tạo được bồi lấp từ rác.

Rác thải xây dựng hay rác thải rắn nói chung hiện nay chưa được đưa vào thu gom, xử lý. Các gia đình, đơn vị chỉ có thể tận dụng để làm mặt bằng hay tự tìm chỗ đổ phù hợp. Thậm chí trong khu vực các nghĩa trang, việc rác thải là gạch, ngói, vôi vữa, cát sỏi sau khi chôn lấp, cải táng cũng chưa được xử lý.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thu gom, không đổ rác bừa bãi lấn ra đường hoặc nơi công cộng thì cần phải có quy định cụ thể về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, phải có dịch vụ thu gom rác thải xây dựng như thu gom rác thải sinh hoạt hiện nay, sau đó là đến chuyện tái chế rác thải, để rác thải trở thành "tài nguyên" như một số nước đang làm.

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục