Bên cạnh lãng phí về thực phẩm, thì việc mua sắm trang hoàng, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn trong dịp Tết cũng còn nhiều điều phải suy nghĩ. Với quan niệm cả năm có vài ngày Tết, nên ai cũng muốn sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng mới, trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ. Có những gia đình tiết kiệm cả năm nhưng sẵn sàng chi mạnh tay, mua sắm những món hàng đắt đỏ trong dịp Tết với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho một cây đào, cây mai hay một món ăn độc lạ, giá đắt đỏ... Dù rằng mua sắm Tết là nhu cầu hết sức chính đáng, nhưng trong điều kiện bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều akhó khăn, việc tiết kiệm để dồn sức đầu tư, phục vụ lao động, sản xuất vẫn là điều cần đặt lên trên hết.
Nếu vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi cá nhân và mỗi gia đình chú ý để điều chỉnh hợp lý việc chi tiêu, xác định mua đủ dùng, tiêu đủ mức thì có thể tiết kiệm được cho gia đình cả chục triệu đồng. Nếu cộng dồn tiết kiệm chi tiêu của các gia đình, chắc chắn con số này là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, để hình thành văn hóa sống tiết kiệm, cần có sự thay đổi trong cả nhận thức và hành động của mỗi người dân. Chúng ta cần nhìn nhận tiết kiệm không chỉ là việc hạn chế mà còn là một cách sống thông minh và trách nhiệm. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên một cách có trách nhiệm, mua sắm thông minh và kiểm soát chi tiêu là những thói quen cần được xây dựng.
Ngoài ra, việc chia sẻ kinh nghiệm và chủ động tạo ra các hoạt động tiết kiệm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa văn hóa sống tiết kiệm. Trên hết, việc hình thành văn hóa sống tiết kiệm không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cả xã hội. Hãy cùng nhau thay đổi nhận thức và hành động, tiết kiệm làm nên sự thịnh vượng và bảo vệ tương lai cho chúng ta và những thế hệ tới.
Gửi phản hồi
In bài viết