Tết nhẹ nhàng

- Tết phải thật hoành tráng hay Tết nhẹ nhàng, vui tươi, tiết kiệm đều xuất phát từ nhận thức của mỗi người về Tết để lựa chọn cách mua sắm. Khi mỗi chúng ta quay trở về với ý nghĩa ban đầu của Tết cổ truyền là hướng đến sự ấm áp, đoàn tụ, yêu thương, chia sẻ trong mỗi gia đình, dòng họ, xã hội thì khi đó, mỗi người sẽ lựa chọn cách mua sắm phù hợp.

Ngày nay, hàng hóa Tết không còn khan hiếm mà đa dạng với đủ chủng loại, mẫu mã, mua sắm dịp Tết đã có nhiều sự lựa chọn. Những gia đình có điều kiện cũng không ngại chi cho mua sắm Tết. Song cũng không ít gia đình, điều kiện kinh tế không mấy khá giả cũng cố sắm Tết cho “bằng bạn, bằng bè”. Việc chi tiêu còn có biểu hiện lãng phí, xa xỉ, hưởng thụ trong dịp Tết Nguyên đán có nguyên nhân từ nhận thức của mỗi người.

Những năm trước đây, dư luận xã hội cũng từng xôn xao về việc một số người sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để “săn” được các loại hàng độc, lạ trong dịp Tết như bạch trà nghìn năm tuổi từ  đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, cua khổng lồ từ Australia, đùi heo muối của Tây Ban Nha hay các loại rượu ngoại, thực phẩm khác của nước ngoài. Cũng có không ít người bỏ ra vài chục triệu đồng để sở hữu một cây Mai, cây đào rừng, chậu địa lan “khủng” để trang trí trong nhà dịp Tết. Có người đi làm tích cóp, tiết kiệm cả năm, không dám chi tiêu nhưng sẵn sàng phóng tay sắm Tết hết cả số tiền tiết kiệm, hoặc sẵn sàng phóng tay mừng tuổi hết cả trăm triệu đồng.
Những hành động này đều xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của Tết cổ truyền. Nhiều người cho rằng, cả năm làm lụng vất vả mới có một cái Tết, cứ chi tiêu thoải mái, hoặc suy nghĩ “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” của một số gia đình cũng ảnh hưởng đến việc mua sắm hoang phí trong ngày Tết.

Theo một số khảo sát xã hội học, mức chi tiêu trong dịp Tết cao hơn nhiều lần mức thưởng Tết trung bình và mức thu nhập trung bình hằng tháng của mỗi người. Lượng chi tiêu cho vật dụng gia đình, quần áo, thực phẩm tăng cao hơn gấp nhiều lần trong mỗi dịp Tết.

Một số chuyên gia về kinh tế cho rằng, chống lãng phí trong dịp Tết trước tiên cần thay đổi nhận thức, tâm lý tiêu dùng của người dân. Chỉ khi người dân không còn suy nghĩ “phải ăn Tết thật to”, thì khi ấy mới có thể điều chỉnh hợp lý việc chi tiêu, xác định mua đủ dùng, tiết kiệm trong dịp Tết.

Muốn thay đổi nhận thức này, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa của Tết cổ truyền, hướng người dân đến việc tổ chức Tết nhẹ nhàng, ấm áp, tiết kiệm.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục