Ý nghĩa của tục mừng tuổi
Tục mừng tuổi không biết có tự bao giờ. Chỉ biết là lâu rồi, mừng tuổi đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới, là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc trong truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong tài liệu Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có nhắc tới: cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.
Mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng Một Tết mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, 3 cho tới mùng 10. Trong suốt những ngày Tết này, có lẽ, điều mà những đứa trẻ luôn chờ đợi và háo hức nhất là được người lớn tặng cho một chiếc phong bao lì xì đỏ chót, bên trong chứa những đồng tiền xanh đỏ đẹp mắt khiến chúng vui vẻ và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Người ta thường đặt tiền vào những chiếc phong bao nhỏ màu đỏ để mừng tuổi, với ý nghĩa cầu mong điều may mắn, tốt lành, xua đuổi ma quỷ; trẻ em thì hay ăn chóng lớn, học giỏi; người già thì mừng thọ, chúc sức khỏe dồi dào.
Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết còn gọi là tiền “mở hàng”. Do vậy mà xưa còn có lệ tiền cho vào phong bao phải là tiền lẻ chứ không dùng tiền chẵn, ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Số tiền trong phong bao lì xì không quan trọng số lượng, cả người nhận và trao lì xì đều trao nhau sự vui vẻ cho một ngày đầu năm mới đầy may mắn.
Minh họa: Bích Ngọc.
Bà Hoàng Thị Mai, tổ 8, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết: năm hết Tết đến, trong những lo toan, sắp xếp công việc gia đình để có một khởi đầu năm mới vẹn toàn thì việc chuẩn bị một món tiền nho nhỏ để mừng tuổi cho con trẻ là một việc rất có ý nghĩa. Bởi tục mừng tuổi đầu năm mới đã trở thành nét văn hóa đẹp mà người Việt Nam vẫn trân trọng, gìn giữ và nó còn mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Còn đối với gia đình ông Phạm Văn Cường, tổ 9, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) thì gia đình vẫn giữ nếp vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán, con cháu tập trung ở nhà trưởng họ để lễ tổ tiên, chúc Tết ông bà và mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu cũng sẽ được ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy may và mang lại niềm vui cho ngày đầu năm mới. Theo ông, con cháu khi được nhận tiền lì xì mừng tuổi của ông bà, cha mẹ trong ngày đầu năm mới cũng như nhận được tình yêu thương với lời chúc may mắn và hạnh phúc trong năm mới.
Để mừng tuổi mãi là một mỹ tục
Mừng tuổi đầu năm vốn là một mỹ tục. Một nét đẹp văn hóa của người Việt, và đã trở thành một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết. Theo đúng phong tục, tiền mừng tuổi ngày Tết không tính theo giá trị nhưng phải mới, phẳng phiu không một nếp gấp nhỏ. Những phong bao lì xì tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì về số tiền bao nhiêu ở trong dẫn đến những sự không vui trong ngày Tết. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Trẻ nhỏ thì thích nhất là vào sáng mồng Một Tết, sau khi dậy sớm và được diện những bộ quần áo đẹp nhất để được cùng bố mẹ đến chúc Tết, chúc thọ và biếu lì xì cho ông bà. Sau đó, sẽ được người lớn tặng cho những chiếc bao lì xì đựng tiền cùng với lời chúc học hành giỏi giang và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân của mình trong suốt một năm.
Không chỉ vậy, lì xì còn được mang tặng cho họ hàng, láng giềng và những người quen biết thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc.
Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận. Con cháu chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe, bách niên giai lão. Còn ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang…
Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền như thế từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Thế nhưng, hiện nay phong tục đẹp đẽ này đang có phần bị “thương mại hóa”... Tiền mừng tuổi trong nhiều trường hợp cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng tuổi còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân khác... Có lẽ vì thế mà tâm lý sợ Tết, lo đến Tết phải đi mừng tuổi nhiều cũng là nỗi “ám ảnh” của không ít người.
Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy, tục mừng tuổi tuy không còn giữ nguyên “khuôn khổ” quy tắc và đã có sự sáng tạo thêm dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, vẫn còn đó ý nghĩa vốn có là trao nhau những ước vọng tốt đẹp trong ngày đầu năm mới. Dù cho thời gian có trôi đi thì sự mong mỏi được nhận chiếc phong bao mừng tuổi trong ngày đầu năm mới vẫn không thay đổi với mong muốn của người nhận là những điều may mắn, những điều tốt đẹp nhất.
Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa, nên việc trao và nhận cũng cần được thực hiện đúng tinh thần vốn có của nó để có thể gìn giữ và giúp phong tục mừng tuổi ngày Tết thêm phần ý nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết