Như đóa hoa rừng

- Không mang vẻ đẹp lộng lẫy, phụ nữ vùng cao lại sở hữu nét duyên riêng có. Nét duyên đến từ sự mộc mạc, giản dị trong nếp ăn, ý ở; trong việc giỏi tề gia nội trợ, khéo léo dệt vải, may chăn khi lấy chồng... Sự chịu thương, chịu khó của phụ nữ vùng cao là chất kết dính quan trọng trong mỗi gia đình và tạo nên bản sắc độc đáo của người vùng cao.

Đẹp trong nếp ăn, ý ở

Không tự nói về mình, nhưng qua nếp ăn, ý ở, phụ nữ vùng cao đã cho thấy vẻ đẹp đằm thắm trong tâm hồn. Đến các phiên chợ vùng cao, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mông kiên nhẫn chờ chồng vui vẻ cùng nhóm bạn bên nồi thắng cố. Nhìn họ miệt mài bên tấm khăn thêu với những đường kim, mũi chỉ bay múa đủ thấy, tâm họ yên đến mức nào.

Với họ, đó là bổn phận làm vợ. Không kêu ca phàn nàn. Không trách móc hay hờn dỗi. Được ở bên chồng, chăm sóc chồng là một hạnh phúc. Bà Hoàng Thị Khâm, thôn Bản Va, xã Yên Hoa (Na Hang) chia sẻ, bà làm dâu trong gia đình nhiều thế hệ nên việc giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày đều phải khéo léo, tế nhị. Để làm tròn bổn phận của con dâu thảo hiền, bà hết lòng chăm lo, phụng dưỡng ông bà, bố mẹ chồng, chồng, con. Đó không chỉ làm cơm ngon, canh ngọt mỗi ngày mà còn phải để ý sở thích của mỗi người. Tìm hiểu, ông, bà, bố mẹ chồng thích ăn món gì hay kiêng không ăn được thứ gì; còn chồng thì thích bát canh nóng mỗi lần đi làm mệt nhọc. Thậm chí, dù chồng chị đi ăn cỗ thì chị vẫn có thói quen để phần cơm, thức ăn và những món ăn giải “rượu”. Chăm lo trong từng bữa cơm, rồi các ngày quan trọng như giỗ chạp, ma chay, cưới xin, lễ, Tết... đều phải chu toàn. Phải tự tay chuẩn bị các đồ lễ thì mới thể hiện lòng thành với tổ tiên. Bà nhớ hết, ngày nào thì làm bánh gì dâng lên tổ tiên, rồi các đồ để thầy làm lễ là gì... Rồi bà bảo, nghe thì thấy vất vả nhưng trong vùng dân tộc, phụ nữ nào cũng vậy. Ai cũng tự hào vì sự tần tảo của họ chính là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình thêm bền chặt. 

Trước khi lấy chồng, cô gái dân tộc đều phải tự thêu, dệt chăn, quần áo truyền thống để làm đồ sính lễ.

Sự ý nhị của phụ nữ miền sơn cước là thế. Họ chăm lo chồng con thay cho cách thể hiện tình yêu. Trong ký ức của chị Nguyễn Thị Vững, dân tộc Tày xã Lăng Can, Lâm Bình, bà ngoại luôn là hình mẫu để chị học tập. Chị để ý thấy mỗi khi nhà có khách, bà không chỉ chè nước chu đáo mà còn tinh tế trong giao tiếp với ông. Khi có việc cần trao đổi hoặc xin ý kiến, nếu nhà có khách bà đều tế nhị lựa chọn thời điểm phù hợp. Mỗi khi ông đi công tác, đồ dùng cá nhân bà đều chuẩn bị, sắp xếp cẩn thận. Đến bộ quần áo ông mặc, bà cũng ý nhị mang bộ quần áo đi đo chứ không để ông phải tự đi may hoặc mua quần áo. Giờ đi làm dâu, chị đều cố gắng học cách ứng xử tinh tế của bà. Đó là bí quyết giữ lửa gia đình và làm gương cho con cháu.

Còn chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lập (Lâm Bình) nhớ lại, ngày đi lấy chồng, chị tự tay làm những chiếc chăn thổ cẩm nặng tới vài ki lô gam, rồi tự thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ trong ngày cưới. Để thêu những chiếc chăn ấy phải mất cả năm trời, thậm chí lâu hơn. Chị bảo, phụ nữ dân tộc ai cũng thế. Phải biết thêu thùa, may vá, đan lát. Đường thêu càng đẹp, càng sáng tạo càng chứng tỏ cái “giá” của người phụ nữ.

Phụ nữ Tày đảm đang khéo léo trong việc nuôi dạy con cái.   Ảnh: Nguyễn Chính

Mộc mạc như đóa hoa rừng

Khi nói về vẻ đẹp của thiếu nữ miền sơn cước, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ma Văn Đức, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, cái đẹp của phụ nữ vùng cao là biểu trưng rõ nét nhất cho tín ngưỡng phồn thực. Đồng bào quan niệm, một người phụ nữ đẹp trước hết phải khỏe mạnh, có thân hình nở nang, tròn đầy. Đó mới là mẫu người có thể sinh cho dòng tộc họ con đàn, cháu đống để duy trì nòi giống. Bởi thế, khác với phụ nữ miền xuôi thường mảnh mai, liễu yếu đào tơ, phụ nữ nơi non cao thường khỏe khoắn, căng tràn sức sống với những đường cong “chết người”. Lý giải về điều này, ông bảo, môi trường sống đã nhào nặn phụ nữ vùng cao thành một tuyệt tác của núi rừng. Chuẩn cái đẹp ấy càng được tôn lên bởi làn da trắng ngần và mái tóc dài như nước suối mùa thu.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Chính, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh Tuyên Quang nhận xét, phụ nữ vùng cao có vẻ đẹp ma mị có thể gây “nghiện” cho bất cứ người đàn ông nào. Vẻ ma mị ấy đến từ sự cuốn hút trong vũ điệu khèn Mông, là tiếng đàn Then dìu dặt, da diết; là sự huyền bí trong làn điệu Sình ca, Páo dung... Lời ca, tiếng hát, vũ điệu của họ như những bản hòa tấu của thiên nhiên, êm ái đến mê muội. Trong mỗi chuyến sáng tác, ông gặt hái được rất nhiều bức hình về phụ nữ vùng cao. Mỗi chuyến đi lại mang đến cho ông những bất ngờ mới. Với ông, phụ nữ miền sơn cước mãi là bức tranh bí ẩn, càng khám phá càng thấy thú vị, bất ngờ.

Phụ nữ Dao Đỏ nổi bật trong trang phục truyền thống.

Chẳng thế mà phụ nữ vùng cao xuất hiện ở đâu lập tức gây sự chú ý ở đó. Ví như một du khách người Quảng Bình, lần đầu đặt chân đến mảnh đất xứ Tuyên đã phải thảng thốt trước vẻ đẹp thiếu nữ dân tộc Dao Tiền ở vườn lê Hồng Thái, rồi tức cảnh, sinh tình:

“Dao Tiền dân tộc vùng cao
 Hoa lê Hồng Thái tinh khôi trắng rừng
Dừng chân du khách ngập ngừng
Tâm hồn hòa quyện núi rừng Tuyên Quang”

Cái tài của người lữ khách là một nhẽ, nhưng có lẽ cái đẹp của người phụ nữ mới là cốt lõi. Cái đẹp ấy khiến con người ta làm những điều phi thường - giống như chàng trai kia, chưa bao giờ làm thơ nhưng lại có những vần thơ chất chứa đến vậy.

Giờ đây, đến với bản làng vùng cao, du khách không chỉ muốn hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp mà còn muốn được đắm mình trong không gian văn hóa các dân tộc thiểu số. Ở đó, có những cô gái chân chất, mộc mạc trong trẻo như đóa hoa rừng. Để rồi, mỗi mùa xuân đến, họ lại nghe như các thiếu nữ vùng cao đang mời gọi, khiến họ thổn thức tìm về.

Phóng sự: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục