Tại sao không?

- Sản phẩm du lịch là một dịch vụ cung cấp các loại hàng hóa cho khách du lịch, có sự khai thác của yếu tố tự nhiên xã hội và việc sử dụng nguồn lực như lao động, cơ sở vật chất, trang thiết bị… của một vùng hay một quốc gia.

Bên cạnh dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ tham quan giải trí, các dịch vụ khác hỗ trợ…; sản phẩm du lịch còn là hàng hóa tiêu dùng và các đồ lưu niệm. Trong đó hàng hóa lưu niệm có sứ mệnh lưu giữ ấn tượng và kỷ niệm về nơi du khách từng đặt chân đến; đồng thời đem lại thu nhập cho người làm ra và kinh doanh sản phẩm.

Tại tỉnh ta, các địa phương đã cố gắng tạo được những sản phẩm hàng hóa lưu niệm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Nhưng điểm lại thì hầu hết các điểm du lịch trong tỉnh chưa thấy có nhiều hàng hóa lưu niệm thật sự đặc sắc, mang dấu ấn địa phương. Tại những nơi đón nhiều du khách nhất vẫn chỉ bày bán vài loại nông sản và ít quần áo mang bản sắc địa phương khác, thậm chí là hàng Trung Quốc. Nhiều đoàn khách du lịch muốn tìm mua các sản vật địa phương về làm quà đều phải nhờ các hướng dẫn viên chỉ chỗ hoặc mua hộ.

Từ năm 2018, tỉnh đã tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch, trao giải cho một số sản phẩm như quả còn, đàn Tính, cụm tượng đài mô phỏng, quạt giấy, và một số sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên như mây, tre, guột... Tuy nhiên, ở nhiều điểm du lịch tâm linh đầu xuân trong tỉnh lại không bày bán sẵn những sản phẩm này.

Nhìn ra tỉnh bạn thì thấy, đã có sản phẩm nón lá, quạt giấy từ lá sen, lá bàng rừng ở Huế; nón làm bằng lá bồ đề ở Hà Nội; được du khách ưa thích, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Thiết nghĩ tỉnh ta cũng có vô số nguyên liệu như lá đa và các loại lá cây rừng để làm ra các sản phẩm tương tự. Chỉ 1 hoặc một vài chiếc lá đa được xử lý, trình bày với mẫu mã đẹp đã có thể trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa cho du khách thăm Tân Trào. Tương tự, chiếc lá cọ, lá cây sui… cũng có thể chế tác thành món quà lưu niệm cho du khách đến Kim Bình hay bất cứ khu du lịch nào trong tỉnh.

Đã có những người bỏ công việc ổn định với thu nhập hàng chục triệu đồng để về quê hái lá làm đồ lưu niệm du lịch. Vậy nên, ý tưởng có những sản phẩm lưu niệm mới từ lá đa, lá cây rừng - tại sao không? Dùng nguyên liệu có sẵn tại địa phương vừa để tăng thu nhập, lưu giữ hình ảnh Tuyên Quang trong lòng du khách; vừa chính là để thực hiện triết lý nhân sinh, giúp những chiếc lá trường tồn với thời gian, tiếp tục sứ mệnh là thông điệp về di tích, đồng thời góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến mọi người.

Thái An

Tin cùng chuyên mục