Theo các chuyên gia, cuộc sống của người cao tuổi hạnh phúc bao gồm các tiêu chí: sức khỏe tốt, các mối quan hệ thuận hòa, tự do tài chính, tự do thời gian, lạc quan, vui vẻ…
Ở nước ta, chưa có nhiều người cao tuổi đạt được các tiêu chí này. Có lẽ cách nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con”, “nước mắt chảy xuôi” là nguyên nhân khiến phần lớn người cao tuổi không có sự chuẩn bị cho tuổi già của mình, hoặc luôn xây dựng cuộc sống về già của mình với con cái làm trung tâm. Bao nhiêu tài sản, thời gian, tâm trí đều dành hết cho con cái; nên người cao tuổi từ vị thế trụ cột gia đình trở thành người phụ thuộc. Thậm chí, có người lâm vào cảnh “tay trắng”, vô gia cư giữa các con. Dân gian có câu: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” là vì thế.
Để người cao tuổi có cuộc sống hạnh phúc cần có quá trình chuẩn bị sớm - từ việc chăm sóc cơ thể, tích lũy để tự do tài chính, tạo các mối quan hệ tốt đẹp, lựa chọn sở thích… Không thể hạnh phúc khi cao tuổi vẫn toàn tâm toàn ý làm “ô sin” miễn phí cho con hay phụ thuộc tình cảm, cảm xúc, kinh tế… quá nhiều vào con cái. Cũng không thể hạnh phúc khi bo bo tích cóp đất đai, tài sản thay vì dùng tiền để hỗ trợ con cháu vào dịp thích hợp để giữ vững tự tôn của bản thân, hoặc đi du lịch đây đó, gặp gỡ bạn bè, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Đã đến lúc mỗi người cao tuổi cần hiểu: Con cái tự chúng có cuộc sống riêng, với các mối quan hệ đủ thứ áp lực, lo toan. Tâm tư và nhu cầu sống của người già cũng luôn khác xa giới trẻ. Vì vậy, nếu đặt trọn tuổi già của mình vào con cái, hoặc xây dựng cuộc sống cuối đời của mình khi lấy con cái làm trung tâm là rất rủi ro và phức tạp.
Gửi phản hồi
In bài viết