Phát huy giá trị di sản

- Với việc đổi mới và sử dụng công nghệ số, các bảo tàng đang đem đến những trải nghiệm thú vị và hiệu quả cho công chúng, giúp di sản văn hóa nghệ thuật được đánh thức và sống lại mạnh mẽ.

Nhiều bảo tàng đã ứng dụng công nghệ như hệ thống trưng bày 3D, số hóa hiện vật, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện với nhiều ngôn ngữ, thuyết minh tự động, xây dựng các tour 3D, xây dựng các không gian triển lãm trực tuyến... góp phần khẳng định vị thế của bảo tàng, khả năng hội nhập và thích ứng với xu thế phát triển chung của xã hội.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của bảo tàng vẫn là chất lượng nội dung, chứ không chỉ đơn thuần là công nghệ. Sự quan tâm đầu tư của một số nơi cho bảo tàng mới dừng ở việc đầu tư xây dựng công trình kiến trúc mà chưa đầu tư thỏa đáng cho phần trưng bày.

GS.TS Lê Mạnh Thát (thứ 2 từ trái sang) và các nhà nghiên cứu tham quan Bảo tàng Tuyên Quang.

Theo nhiều chuyên gia, nếu trưng bày cơ bản không tốt, tất cả những đầu tư về cơ sở vật chất hay công nghệ chỉ là hình thức, gây tốn kém vì "vỏ đẹp mà ruột rỗng" . Câu chuyện không xúc động thì có dùng QR Code cũng sẽ chỉ thành thứ mờ nhạt, chung chung, vô duyên.

Mặt khác, Bảo tàng là nơi chứa đựng rất nhiều thông điệp, câu chuyện từ quá khứ. Nên ngoài việc coi trọng nội dung, hình thức trưng bày, cần chú trọng tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm phù hợp cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên khi đến tham quan bảo tàng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Bảo tàng là thiết chế văn hóa giáo dục có đối tượng công chúng rộng rãi. Trong đó thế hệ trẻ vừa là công chúng mục tiêu vừa là công chúng tiềm năng.

Bảo tàng ra đời để phục vụ cộng đồng, mang lại cho công chúng những giá trị và trải nghiệm quý giá. Nhưng giá trị đó không chỉ nằm ở những hiện vật trưng bày trong tủ kính, mà còn thể hiện ở trách nhiệm của những người làm bảo tàng và giáo dục. Cần làm cho công chúng cảm nhận, hiểu và lưu giữ ấn tượng tốt về di sản.

Tại Tuyên Quang, bảo tàng tỉnh đã được quan tâm xây dựng với địa thế đẹp, nhiều hiện vật phong phú, giá trị. Trong một lần tham quan bảo tàng tỉnh hồi cuối năm ngoái, giáo sư, tiến sỹ triết học, thiền sư Lê Mạnh Thát đã đánh giá rất cao nhiều nội dung trưng bày, trong đó có phần trưng bày giới thiệu lễ Cấp sắc của người Sán Dìu với những hiện vật như mũ thầy cúng, xích trượng, ấn Phật Thích ca Mầu ni và phần trưng bày giới thiệu nghi lễ Then cổ của người Tày với mũ Thất Phật của vị thầy Then.

Nhưng điểm lại, chưa có nhiều nhà trường, kể cả các trường học ở thành phố tổ chức được các hoạt động tham quan trải nghiệm cho học sinh tại bảo tàng. Rất ít gia đình,  cơ quan, đơn vị chọn bảo tàng là điểm đến trong mỗi dịp nghỉ hay đợt tham quan, du lịch. Nên những hiện vật bảo tàng vẫn chưa được phát huy giá trị.

Chính vì vậy, việc làm mới và phát huy các giá trị của hiện vật, di sản đòi hỏi sự quyết tâm và sáng tạo của những người làm bảo tàng.

Chính vì vậy, rất cần sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của ngành giáo dục, cụ thể là các nhà trường, để bảo tàng trở thành điểm đến không thể thiếu, thường xuyên, hình thành những cảm nhận, hiểu biết về lịch sử và giá trị di sản.

Thái An

Tin cùng chuyên mục