Siết chặt kỷ luật, kỷ cương

- Nhìn vào báo cáo kết quả phân tích Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Tuyên Quang năm 2023, có thể thấy những chuyển biến tích cực của công tác cải cách hành chính.

Tuy nhiên, năm 2023, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,11% nhưng lại giảm 4 bậc so với năm 2022. Trong cải cách chế độ công vụ, một số nơi vẫn còn tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức.

Thực tế cho thấy, ở đâu kỷ luật, kỷ cương được quản lý, siết chặt thì ở đó, cán bộ, công chức, viên chức luôn đề cao trách nhiệm trong thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Điều này ở tỉnh Quảng Ninh là một minh chứng. Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo thực thi văn hóa công vụ, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những hành vi, biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Do đó, bên cạnh các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, yêu cầu đặt ra là cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, để không còn những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà, thực hiện chưa nghiêm quy định giờ giấc làm việc, chưa tận tình trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh và Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2024 và năm 2025 của UBND tỉnh cũng xác định yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ, giao tiếp với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “hỗ trợ - cầu thị - lắng nghe - thân thiện - nhiệt tình”. Thực hiện yêu cầu này, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Từ đó chấn chỉnh kịp thời tác phong, lề lối làm việc vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng cần quan tâm đến công tác rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có năng lực nhưng cũng phải có tinh thần, trách nhiệm cao trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính để bố trí, sắp xếp vào các vị trí tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, có hình thức biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân làm tốt, ngược lại, cần xử lý nghiêm đối với những hành vi cửa quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục