Nhớ những năm tháng tuổi thơ thế hệ 7X như chúng tôi, có được một cuốn sách hay tờ báo thì chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến. Vì ít có cái để đọc nên có tờ báo hay cuốn sách đã đọc đi đọc lại đến thuộc từng lời thoại trong truyện hay bài thơ trong tờ báo. Thời đó, chẳng có bố mẹ nào bắt buộc bọn trẻ chúng tôi phải đọc cả, mà cái sự đọc đó nó như một nhu cầu tự thân và vô cùng cần thiết, thậm chí thèm thuồng. Có lần mượn được cuốn truyện mà tối lại mất điện, hai chị em tôi trốn bố mẹ lấy đèn pin và trùm trong chăn để đọc sách. Và tối đó bị bố mẹ phát hiện và được ăn một trận no đòn.
Thế hệ con cái của chúng tôi hiện nay thì khác. Bọn chúng có quá nhiều sự lựa chọn khi cần tìm hiểu kiến thức, thông tin hay giải trí. Với một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh, cả vũ trụ mở ra ngay trước mắt. Theo khảo sát của một nhà xuất bản, chỉ có 8,5% số người được hỏi là giới trẻ trả lời rằng họ đọc sách văn học như một thói quen.
Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã yêu cầu tập trung đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2025 - 2030. Để phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, việc tận dụng công nghệ là xu thế tất yếu. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet ở mức cao trên thế giới (70% người dân sử dụng Internet). Sách điện tử ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người lựa chọn bởi tính ứng dụng cao, có thể sử dụng mọi nơi mọi lúc chỉ với chiếc điện thoại thông minh.
Cần nhận thức lại về thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc sách hiện nay, nhất là đối với các bạn trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, việc đọc sách cần sự định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường. Việc phát triển văn hóa đọc cũng cần theo kịp với chuyển đổi số bằng các hình thức giới thiệu, quảng bá sách hay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh sách giấy truyền thống, sách điện tử (Ebook) và sách nói (Audio book) đã và đang được phát triển, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người đọc. Quan trọng là làm sao để thấy được sách là phương tiện truyền tải nội dung không thể thiếu trong đời sống tinh thần, dù nó ở bất kỳ hình thức nào.
Gửi phản hồi
In bài viết