Ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang

- Sở Công thương vừa hoàn thành dự thảo kế hoạch phát động Cuộc vận động Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhân dân về ý thức ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang; góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản tỉnh Tuyên Quang trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.

Giải cứu không phải “đường dài”

Nông sản Tuyên Quang vốn đa dạng, chất lượng, được trải đều cả bốn mùa và đặc biệt, mỗi huyện, mỗi khu vực lại ưu tiên tập trung phát triển một loại nông sản chủ lực. Các vùng chuyên canh này hàng năm cung cấp cho thị trường, trong đó chủ yếu là thị trường ngoại tỉnh một sản lượng lớn rau màu, hoa quả, thực phẩm các loại. Thời điểm thu hoạch các loại nông sản, đặc biệt là hoa quả chủ yếu tập trung từ tháng 7, tháng 8 đến hết năm, trong đó nhiều nhất là cam và bưởi.

Một số sản phẩm của Công ty TNHH Green Farm Sơn Dương được bày bán tại Siêu thị Tuyên Quang.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của hầu hết các tỉnh, thành phố nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Tuyên Quang cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.

Thời điểm na, nhãn chín rộ, mặc dù không phải là những loại nông sản có sản lượng quá lớn, vượt quá khả năng tiêu thụ của nông dân, nhưng đây lại là những loại trái cây có thời gian chín ngắn, thời gian bảo quản không dài. Chung tay, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ các loại nông sản này, nhiều đơn vị trong tỉnh cũng tổ chức các đợt ra quân tiêu thụ cho bà con như Hội Nông dân tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tỉnh đoàn…

Tuy nhiên, giải cứu nông sản không phải là câu chuyện để đi “đường dài”. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù đã hình thành một số chuỗi liên kết, nhưng trên thực tế, các chuỗi vẫn chỉ dừng ở việc có doanh nghiệp tham gia đến khâu tiêu thụ sản phẩm, chứ chưa có doanh nghiệp tham gia chế biến sản phẩm. Thành ra, khi thị trường có dấu hiệu “đứt gãy”, thì các chuỗi liên kết cũng lung lay.

Tứ Quận vài năm nay nổi lên là một trong những vựa hoa quả của huyện Yên Sơn. Ông Hán Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, cả xã hiện có 95 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam và bưởi. Sản lượng mỗi vụ thu hoạch trên dưới 1.000 tấn.

Chỉ riêng 9 thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ - nông nghiệp Vĩnh Thịnh, xã Tứ Quận vụ cam này cũng ước thu khoảng 600 tấn quả. Để hạn chế việc cam chín đồng loạt, các thành viên hợp tác xã đã học hỏi cách ghép, điều chỉnh phân bón để cam chín rải vụ. Đầu tháng 8, khi xã rà soát sản lượng trái cây để đề xuất với huyện có kế hoạch giải cứu, hợp tác xã vẫn chần chừ. Một phần để chờ đợi tín hiệu khả quan từ việc chống dịch ở Hà Nội, một phần, như cách nói của Giám đốc Nguyễn Văn Vĩnh, giải cứu là bất khả kháng. Không có người nông dân nào cả năm dồn sức chăm sóc vườn, đến mùa thu hoạch lại phải trông chờ vào việc giải cứu để bán sản phẩm cả.

Một cách yêu quê hương

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được phát động và triển khai sâu rộng nhiều năm nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực để hàng Việt Nam nói chung, hàng sản xuất tại Tuyên Quang nói riêng có được chỗ đứng nhất định với người tiêu dùng.

Chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Tuyên sau nhiều lần sử dụng hàng Việt Nam và hàng sản xuất tại Tuyên Quang đã bị “chinh phục” bởi chính chất lượng sản phẩm. Bản thân mình bị chinh phục, chị cũng muốn chinh phục thêm nhiều đối tượng khách hàng khác nữa. Và một gian hàng bày bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang ra đời cuối năm 2020. Chị Đặng Vân Anh cho biết, mặc dù chỉ hoạt động trong trạng thái bình thường được khoảng 2 tháng, nhưng đúng thời điểm cận Tết nên các mặt hàng của cửa hàng chị được “xuất kho” liên tục.

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng sự linh hoạt của mình, chị Đặng Vân Anh đã giúp nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đến được với người tiêu dùng, không chỉ trong tỉnh mà ở nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Tranh thủ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các hội nhóm, tận dụng sức mạnh của nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, chị đã đưa mật ong Tuyên Quang, chè xanh Ngọc Thúy, chè Shan tuyết Na Hang, tinh bột nghệ Tiến Phát, bột sắn dây Sơn Dương… đến với đông đảo người tiêu dùng.

Có thể thấy, cùng với hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, gian hàng bày bán nông sản Tuyên Quang đang được mở rộng trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phố lớn. Như gian hàng của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Duy Phát tại Hà Nội, TP Tuyên Quang; điểm bán hàng OCOP của Hợp tác xã Nông sản an toàn Tâm Hương tại TP Tuyên Quang; điểm bán hàng OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát tại xã Hòa Phú (Chiêm Hóa)… Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cũng đã khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Chi cục trưởng Chi cục nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Thuấn cho biết, qua khảo sát, lượng nông sản của Tuyên Quang vẫn chiếm đa số trong các mặt hàng nông sản. Đây chính là tiền đề, là lợi thế để nông sản tỉnh chiếm ưu thế đối với khách hàng.

Ngay sau khi dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có những tỉnh, thành phố là khách hàng truyền thống của các sản phẩm nông sản của tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… ngành Nông nghiệp đã phối hợp với ngành Công Thương và một số sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch và ký kết hợp tác tiêu thụ các loại nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30-8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 142 hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thống kê của ngành Nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, các loại nông sản trên địa bàn tỉnh bắt đầu chín rộ và có sản lượng lớn. Sản lượng bưởi 30.800 tấn; cam 95.000 tấn và một số loại nông sản khác. Theo kế hoạch, sản lượng ưu tiên tiêu thụ trong địa bàn tỉnh tùy theo điều kiện giãn cách sẽ chiếm từ 20% đến  40% sản lượng.

Ngay sau đó, Sở Công thương cũng đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang. Ông Hoàng Anh Tuân, Trưởng phòng Quản lý thương mại và xuất nhập khẩu, Sở Công thương cho biết, ngoài việc xây dựng kế hoạch phát động phong trào Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang, đơn vị đã tham mưu đề xuất Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) làm việc với 

Người tiêu dùng sử dụng điện thoại truy xuất nguồn gốc cam hữu cơ của Tổ hợp tác sản xuất cam hữu cơ xã Tân Thành (Hàm Yên) ngay tại vườn.

Vinmart và một số siêu thị lớn để đưa các nông sản của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm cam đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch vào hệ thống. Tiến tới xây dựng kế hoạch triển khai Ngày nông sản, Tuần nông sản của từng địa phương, theo từng mùa vụ.

Trong số hơn 95.000 tấn cam của cả tỉnh, thì cam Hàm Yên chiếm xấp xỉ 90.000 tấn. Đây thực sự là bài toán khó, khi thị trường của sản phẩm này chủ yếu tập trung ở các tỉnh trong Nam và thị trường Hà Nội. Chị Bùi Thị Sen, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) là một người tiêu dùng trung thành của sản phẩm cam Hàm Yên cho biết, với chất lượng, uy tín và việc nhân rộng những mô hình sản xuất sạch như ở Hàm Yên, thì người tiêu dùng luôn sẵn sàng chung tay, sử dụng sản phẩm. Những năm trước, mỗi mùa cam, gia đình chị mua đến cả trăm kg quả, vừa để ăn, vừa vắt nước trữ đông để sử dụng lâu dài. Giờ dịch bệnh, chị cũng như hàng nghìn người tiêu dùng trong tỉnh sẵn sàng sử dụng nông sản của bà con, như một cách thể hiện tình yêu quê hương của mình.
Tuy nhiên, để nông sản địa phương thực sự trở thành lựa chọn của người tiêu dùng, thì uy tín của người sản xuất, chất lượng của sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Như sản phẩm cam sành Hàm Yên sau nhiều năm xây dựng, phát triển thương hiệu, hiện nay, vùng cam sản xuất theo tiêu chuẩn 

VietGAP, hữu cơ của cam Hàm Yên và một số địa phương khác đang ngày càng được mở rộng. Sở Khoa học và Công nghệ cũng tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hợp tác xã thực hiện bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bà Lê Thúy Phượng, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý khoa học chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có hơn 60 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản, 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là Cam sành Hàm Yên và Chè Shan tuyết Na Hang. Đây là bước đi phù hợp, để thuận tiện, dễ dàng hơn cho người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc, đồng thời bảo vệ được công sức của người nông dân khi có sản phẩm tham gia vào thị trường.  

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch Thành Tuyên Đặng Vân Anh cho rằng, để các sản phẩm OCOP của tỉnh nói riêng và các nông sản đặc sản của các địa phương thực sự là ưu tiên cho người tiêu dùng và khách du lịch, thì vấn đề mẫu mã, bao bì sản phẩm cần được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất quan tâm đầu tư hơn nữa. Chất lượng, thơm ngon, uy tín là những yếu tố tiên quyết để khách hàng lựa chọn, nhưng sự bắt mắt cũng là yếu tố để khách ưu tiên lựa chọn lần sau. Thêm vào đó, việc truyền thông về sản phẩm OCOP cũng cần được quan tâm hơn.
Đưa nông sản lên sàn

Như nhiều cơ sở khác, Hợp tác xã chè Sử Anh cũng chật vật tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm chè. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, do tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp, thị trường quà biếu nên cơ sở hầu như xuất bán sản phẩm ra ngoài tỉnh. Thị trường nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến lượng khách hàng giảm 60% so với trước, anh Sử phải xây dựng lại chiến lược kinh doanh của mình. Một gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm được anh mở ngay tại gia đình. Các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh được anh tập trung đưa sản phẩm đến giới thiệu. Mạng xã hội, các kênh bán hàng thương mại điện tử cũng được tận dụng để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, đơn vị đang tích cực khảo sát, rà soát để đưa các nông sản chất lượng của tỉnh lên các trang thương mại điện tử uy tín. Hiện, đã có 1 sản phẩm được đưa lên trang thương mại điện tử Smartgap là Chè Shan tuyết Na Hang; 2 nông sản được đưa lên trang thương mại điện tử Postmart của Bưu chính Viễn thông Việt Nam là cam sành Hàm Yên và Chè xanh Ngọc Thúy; 72 sản phẩm OCOP được đưa lên trang thương mại điện tử Voso của Viettel.

Ngay tại Tuyên Quang, Công ty cổ phần Công nghệ kỹ thuật số Tuyên Quang cũng đã xây dựng Website Vietconnect để đưa các nông sản của địa phương đến với khách hàng. Chị Trần Thị Huệ, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, xu hướng bán hàng Online đang dần thay thế cách bán hàng truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Hiện, một số nông sản của Tuyên Quang như miến dong, chè, mật ong... đã được đưa lên sàn. Để người dân không bỡ ngỡ với thương mại điện tử, Công ty cổ phần công nghệ kỹ thuật số làm việc với hội doanh nghiệp các địa phương để giới thiệu, hướng dẫn người dân, hợp tác xã đăng ký, xây dựng các gian hàng, cách đăng bài, tương tác với khách hàng để thuận tiện hơn cho việc kinh doanh.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục