Anh Thàng

- Ngôi làng lúc nào cũng im lìm, lại có hình hài như con rùa đang thu lu nằm ngủ nên từ xa xưa, làng đã có tên là xóm Rùa rồi. Người làng hiền khô, chả thấy nhà nào to tiếng với nhau bao giờ. Nhưng bỗng một hôm, xóm Rùa quay cuồng cả lên, người ta cảm thấy ngột ngạt bởi những lời đàm tiếu vì chị Bông có chửa.

Chị Bông là cô gái xinh đẹp, nết na nhất xóm Rùa nhưng lại mắc cái tội cả nể. Ai nhờ việc gì chị rất tận tình, chị bỏ cả việc nhà để đi làm giúp. Một hôm, cũng là thấy người ta kể lại thôi, chứ thực tình thì làm sao mà biết chuyện chị yêu đương thế nào mà đến mức đấy. Chỉ nghe nói là chị được một anh thợ mộc rủ đi làm cùng, việc của chị là đánh véc ni và phơi gỗ ra nắng thôi. Việc nhàn, chị lại được trả lương cao, nhưng cái đó không phải là căn cốt dẫn đến chị có thai với anh thợ mộc đó.

Mà quê của anh này ở đâu thì người xóm Rùa có ai rõ, lúc thì thấy người này bảo ở mãi Nam Định, người thì bảo ở Bắc Giang đi các làng nhận công trình. Ngoài tài năng chạm khắc, tạo hình làm nên bộ sập gỗ, tủ tường đầy kỹ sảo, anh thợ mộc còn là tay chơi ghi ta siêu hạng. Những ngón tay lướt trên cần đàn như đôi chân vũ công tạo ra thứ âm thanh mê hoặc, say lòng người. Chị Bông nghe tiếng đàn cứ như bị thôi miên, nhưng lại thấy tâm hồn thanh tịnh đến lạ, mà người gảy ra tiếng đàn kia sao thánh thiện đến vậy. Chị Bông đến bên anh, tựa lưng vào vai người thợ mộc, tiếng đàn như đưa chị lên cung mây, sang cả triền sông bên kia, không còn về với xóm Rùa nữa. Chị bừng tỉnh, không thấy anh thợ mộc đâu cả, áo quần chị xộc xệch, chị vội đơm lại cái cúc áo, ôm mặt khóc. Từ ấy, người xóm Rùa không biết anh thợ mộc đi về đâu nữa, tiếng đàn kia chỉ còn có chị Bông day dứt. Chị mang tiếng là gái không chồng mà chửa.

Xóm Rùa có một anh tên là Thàng, người hiền khô nhưng lại kỹ tính trong chuyện chọn vợ. Nhiều ông mối, bà mối, rồi cô mối giới thiệu cho anh những cô gái trẻ, nết na, ấy vậy mà anh vẫn nhìn ra điểm xấu của họ để mà bỏ qua không chọn làm vợ cho mình. Có cô nom khá là xinh xắn nhưng anh lại bảo vô duyên, ghét nhất là lúc ngồi cái chân lúc nào cũng thai bai cả ra. Một cô ở làng bên đang thì sức xuân, anh lại bảo đàn bà con gái gì mà cứ hùng hục ra, đi đứng cứ như là đánh trâu đi cày ruộng… Ở nhà quê nhưng anh Thàng nom lúc nào cũng bảnh bao, có khi đi lợp mái lá cọ giúp nhà hàng xóm anh cũng sơ vin áo trắng, người xóm Rùa cứ nhìn nhau cười thầm thôi.

Đó là niềm kiêu hãnh của anh Thàng, bởi anh thấy mình không giống ai hóa ra lại sướng. Nhiều người ở nông thôn, mua được bộ áo mới Tết nhất mới mặc, bảo quản chả tốt thế là bị gián nhấm, mốc meo hết cả, phí của đi không. Anh Thàng thì cứ mặc đẹp cả khi đi làm, có lúc chị Bông thấy kỳ kỳ nhưng cũng chả để ý nhiều làm gì cho mệt. Hôm chị Bông ỳ ạch cái bụng bầu đi làm đồng thì gặp anh Thàng. Bỗng dưng thế nào chị lại đau bụng đẻ, chị nằm vật ra bờ ruộng, hai chân chổng ngược lên trời quằn quại đau đớn. Anh Thàng thấy thế vội chạy đến, anh bỗng trở thành “ông đỡ” bất đắc dĩ cho chị Bông. Bé gái kháu khỉnh làm sao, anh Thàng cởi cái áo mới mình đang mặc ra làm tã cho đứa bé, rồi giúp chị Bông mặc lại áo quần xong đâu đấy anh cõng chị trên lưng còn đôi tay thì bế đứa trẻ đi về nhà mình. Anh Thàng mồ côi cha mẹ từ tấm bé, anh ở với người chú, đến tuổi thanh niên anh xin ra ở riêng. Chú anh thương cháu như con mình, làm cho anh Thàng cái nhà gỗ ba gian lợp ngói hẳn hoi. Anh Thàng chịu khó làm lụng nhưng chưa thấy anh ròm ngó mối nào cả.

Chị Bông thấy anh Thàng đưa cả hai mẹ con về, chị giãy đay đảy trên lưng anh. Chị nói trong tiếng thở, anh đưa em về nhà, về nhà anh làm gì, người ta cười anh đấy. Anh Thàng cười khà khà bảo, kệ đứa nào cười thì cười. Nay anh rước được cả trâu cả nghé về nhà, thế là thắng lợi rồi. Nào, bé nằm ở giường bố nào, ngoan, ngoan. Chị Bông như đứng hình khi nghe anh Thàng xưng bố với con gái mình. Chị không còn thấy đau nữa, nước mắt chị lăn dài trên má. Anh Thàng cứ thế liếng thoáng, thôi, mẹ Bông nằm lên giường nghỉ đi, anh đi bắt con gà mái tơ nấu cháo cho ăn để lại sức. Tý anh lên báo bố mẹ. Từ nay Bông và con gái cứ ở lại với bố Thàng, bố Thàng lo cho.

Anh Thàng chăm chị Bông như thể chăm vợ mình đẻ vậy. Anh thấy thương chị Bông, từ ngày chị bị cái tay thợ mộc làm cho chửa rồi biến tăm hơi, người xóm Rùa ghẻ hạnh chị lắm. Bố mẹ chị xấu hổ vì có đứa con chửa hoang, đi đâu cũng phải lấy khăn che mặt. Chỉ có mỗi anh Thàng vẫn thường hỏi han chị Bông, đến nhà chị Bông chơi thì người xóm Rùa cũng chỉ nghĩ vô tư thôi, chứ cái đời chửa hoang thì có ma nào để ý nữa. Nhưng cả xóm Rùa nhầm to, anh Thàng thương chị Bông lắm, anh vẫn nguyền rủa, ở đời có thằng đàn ông đểu giả thế là cùng, ai lại lừa gạt con gái thôn quê rồi bỏ đi mất hút. Anh mà tìm được anh cho nó ra thành trăm mảnh vì làm khổ con gái nhà người ta. Nhưng thôi được rồi, giờ không thành vấn đề nữa, anh sẽ có trách nhiệm với đứa trẻ, với chị Bông, anh đã đến gặp bố mẹ chị Bông và nói như thế. Ông bà chỉ biết nhìn anh Thàng, nước mắt ong õng. Lúc anh thưa chuyện người chú ruột, anh biết ngay là chú ủng hộ việc anh làm. Chú bảo, cái tâm đức ở cháu, cháu thương người ta, tình yêu sẽ nảy nở.

Ngôi nhà anh Thàng rôm rả tiếng trẻ líu lô sớm tối. Chị Bông được anh chăm bẵm nên khỏe mạnh lắm, chiều nào chị cũng bế con theo anh Thàng đi làm việc này việc kia, gặp người xóm Rùa ai cũng vui vẻ, rôm rả chuyện trò, chả ai dèm pha gì cả, cứ như hai người sinh ra là để cho nhau vậy. Anh Thàng vẫn phong cách ấy, đi làm cùng vợ vẫn cứ “đóng thùng”, mặc áo cánh lịch lãm lắm. Từ ngày anh đưa mẹ con chị Bông về nhà mình ở, anh càng chỉn chu ăn mặc, bởi anh chỉ muốn chị Bông hãnh diện về chồng mình, khi càng hãnh diện về nhau thì men say tình yêu còn mãi…

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục