Thấy chị ngậm ngùi mà Xuân vẫn vô tư vâng dạ cho qua vì trong đầu nghĩ đơn giản chắc chị xin đồ ăn thừa cho con chó nhà chị thôi. Xuân không để tâm lắm nên chẳng nhớ lời chị hàng xóm dặn. Vẫn như thường lệ, đồ ăn không hết, mẹ con Xuân thu dọn lại, cho vào cái túi nilon đặt ở gốc cây bằng lăng trước cửa nhà để cho công nhân môi trường tiện thu gom.
Có buổi, nhân viên môi trường chưa kịp đến dọn đi, con chó nhà chị ấy chạy xộc đến càm cái túi nilon về nhà. Cái đuôi nó ngoe nguẩy, mắt nó lúng liếng nhìn chị đầy tự hào khoe chiến công mà nó mới lập được. Chị vỗ về nó rồi khen, Pi giỏi quá nhưng không ăn được nữa đâu, thiu rồi. Nó nhìn chị rồi xoài hai chân về phía trước nằm tư lự buồn bã. Chị xách cái túi nilon đồ ăn thừa để lại chỗ cũ, con Pi cũng thũng thẵng đi theo, nhưng nó không buồn nữa, chân nó lại cuốn lấy chị.
Xuân đi làm về vô tình thấy cảnh tượng đó, bỗng dưng hai tay như bị long khớp ra làm cho cái xe máy đổ rầm xuống đất. Chị ấy vội quay lại đỡ Xuân, con Pi rối rít cả lên nhìn chị như muốn nói điều gì đó. Chị đá đá cái mông đít nó rồi bảo, nào Pi về trông nhà cho mẹ đi, xong việc mẹ về. Con Pi co hai chân trước chạy thục mạng về nhà.
Chị dựng lại cái xe, đưa Xuân vào nhà, rồi pha cho Xuân cốc nước trà gừng. Chị nhẹ nhàng bảo, chắc dì bị cảm lạnh đấy, bàn chân giá lắm, dì nằm nghỉ một lúc, sẽ không sao đâu. Mà sao hôm nay không thấy các cháu đâu, có mình dì thôi à. Xuân nhìn chị cảm ơn, khi chị ra về, Xuân không thể nào kìm nén được nỗi xúc động. Xuân khóc, lần đầu tiên trong đời Xuân khóc nhiều thế này, ngay cả khi chuyện vợ chồng bị đổ vỡ, Xuân cũng không khóc, bởi Xuân đã làm tất cả vì phận làm vợ. Xuân đã quên đi bản thân mình, lo cho chồng đi học tiến sỹ để rồi một ngày nhận lại cái kết đắng. Chồng chị phải lòng người khác, bỏ vợ con đi mãi, đến giờ, Xuân vẫn chưa biết chồng mình đi đâu, nhưng nghe bảo sang nước ngoài làm việc nhưng rồi bị nhân tình lừa gạt, không dám trở về nữa.
Nhưng từ đấy, góc phố này người ta chỉ nghĩ chồng Xuân học xong tiến sỹ được đi nước ngoài công tác, thế thì giàu có lắm, tiền gửi về cho vợ con khá nhiều. Xuân vẫn mang cái mác có chồng tài giỏi, lại là cán bộ được cử đi nước ngoài nghiên cứu, làm việc, góc phố này nể chị lắm. Người phố cứ lao xao đồn đoán như thế. Cả phố người ta mua ô tô, Xuân vẫn đi cái xe máy tay ga đời cũ, nhưng chả ai coi khinh vì nghĩ nhà chị “giấu” của. Chị hàng xóm vẫn đến nhà chơi với Xuân, chị hay kể về cuộc đời mình, kể để giãi bày chứ không phải than vãn gì cả. Có lúc chị bảo, chị với dì cũng chả khác gì nhau, mỗi là chị bỏ chồng, dì có chồng mà cũng như không, chú đi biền biệt thế, vò võ một mình nuôi con. May chị có con Pi làm bạn, chuyện trò sớm tối, dì thì buồn chết đi được, con cái lại đi học tối ngày.
Chuyện trò lúc sau, chị hàng xóm nhà Xuân nói vội, thôi chị về đã không con Pi nó lại dỗi chị đấy. Xuân cười thầm khi chị hàng xóm nói về con Pi. Con Pi được chị ấy đưa về nuôi khi nó mải chơi lạc chủ. Chị mang nó sang bảo Xuân, dì có nuôi không chị cho, dì có điều kiện chăm nó, chị ăn còn chưa đủ. Cứ nhìn cái ông này là chị biết rồi, chó nhà giàu rồi, lông mượt như tơ thế kia cơ mà. Chị hàng xóm đăng lên cả phây búc về tình cảnh của con chó, ai mất thì đến chị mà lấy về, nhưng chả ai nhận cả. Xuân bảo, thôi, chị cứ nuôi nó đi, nó biết ơn chị lắm đấy vì chị đã cứu nó mà. Ừ, đúng rồi, hôm đấy hắn ta bị mắc kẹt dưới rãnh nước sâu, may thế nào đi qua chị nhìn thấy, không thì chả ngoẻo rồi. Con Pi này đa cảm lắm, biết hờn dỗi cả đấy, chị đi đâu về mà không kịp hỏi nó, hay vỗ vào mông nó một cái là nó nằm tư lự, có hôm còn bỏ cả ăn, nựng mãi mới ngoe nguẩy trở lại.
Hình ảnh chị hàng xóm và con Pi khiến Xuân dằn vặt mãi, chị ấy dặn lấy cơm thừa canh cặn để ăn, ôi sao cuộc đời này vẫn có người khổ đến vậy. Chị ấy làm đủ việc để nuôi hai đứa con ăn học đại học, với đồng thu nhập còm thì phải xin lại đồ ăn là phải rồi... Xuân cứ ôm mặt khóc. Từ ấy, Xuân bỏ tiền mua thêm gạo, thức ăn nấu nướng rồi xới một suất cho vào túi nilon đặt vào ngăn mát, y như lời chị dặn. Mỗi chiều đi làm về, Xuân mang sang cho chị hàng xóm túi cơm và thức ăn “thừa” ấy. Chị vui lắm, bảo, thức ăn thừa nhà em còn sang hơn cả cơm bữa nhà chị. Xuân bần thần trước những câu nói hồn nhiên của chị. Có hôm, đứa con gái Xuân hỏi, mẹ phần cơm cho ai mà còn để trong tủ lạnh vậy, nó khô hết đi chứ. Mà bố con đi mãi sao chả thấy về mẹ nhỉ. Năm nay con đi học đại học rồi, mẹ ở nhà một mình, hay mẹ mua con chó như bác hàng xóm về nuôi cho vui. Xuân cười, nhưng rồi nước mắt cứ giàn giụa.
Bỗng có tiếng gõ cửa. Chị hàng xóm bước vào, tay ôm mặt khóc. Xuân ơi, chị làm khổ dì quá, sao dì tốt với chị như vậy mà chị lại vô tâm thế này. Dì phải nhường miếng ăn cho chị, nếu cái cún nhà dì nó không nói với chị, thì chị nào biết. Đứa con gái Xuân hiểu chuyện, nó chạy tọt vào buồng. Hóa ra con bé để ý mẹ mang cơm sang cho bác hàng xóm và nó đã nói ra hết. Xuân nắm tay chị nhưng chả thể nào nói được gì. Chị hàng xóm vẫn nức nở, chị coi em như em dì của chị, chị em sống với nhau từ nhỏ ở con phố này, vậy mà chị chưa hiểu hết em.
Xuân vẫn lặng lẽ mang cho chị hàng xóm gói đồ ăn do mình tự nấu, bởi đành lòng sao được khi đưa cho người góm giềng những món ăn thừa. Dẫu Xuân còn khó khăn mà chỉ mình Xuân mới biết được. Xuân đang học lên tiến sỹ ngành y, chị hàng xóm bảo, học xong là lên làm quan đừng có xa chị nhé. Khi nào con chị ra trường, chị trả cả gốc lãi cho các món ăn của dì. Con Pi thật hiểu chuyện, nó nằm úp vào cái chân bàn, nhìn mắt nó buồn tênh...
Gửi phản hồi
In bài viết