Cha anh vẫn ngồi ở dưới gốc cây muỗm đầu hồi nhà uống trà và hút thuốc lào vặt. Mùa hè, ông đánh trần chẻ đóm, bổ củi, giúp mẹ việc đồng áng. Người con bại liệt cả ngày không có tiếng khóc, mẹ bón bột cứ thun thút ăn. Hàng xóm đến nhà rất thích thú chơi đùa với thằng bé, mắt nó sáng như hai ngôi sao, miệng duyên như bông sen chớm nở. Bố mẹ vẫn chưa đặt tên cho con, đến khi thằng bé bập bẹ, người làng đến chơi đưa quả dưa, quả đỗ, cái cốc, chén lắc lắc hỏi, cái gì đây, cu cậu đều biết cả, vậy nên mọi người gọi bé là Minh.
Minh lớn lên với đôi nạng gỗ, thập thõm theo học trường làng, trường xã rồi đi học cấp ba cách nhà gần 10 cây số là cả một sự nhọc nhằn. Hôm nào bố không phải làm đồng thì đưa Minh đi học, còn lại đi nhờ bạn bè. Nhưng thời đó ít có người học cấp ba, cả xã may ra có dăm ba người theo học nên có buổi bạn về sớm, Minh phải lọc cọc đi về bằng đôi nạng, hai khuỷu tay Minh chầy xước. Về đến cổng làng, mấy bác đi làm đồng về bảo, bố mày còn đang cong mông lên kia kìa, ối dào học với hành làm gì cho nó khổ, cái làng này người lành còn chả học hành được gì nữa… Minh chả buồn, vẫn nở nụ cười. Mẹ vừa hái xong đám đỗ xanh ở khu Ao Làng, thấy con đi bộ về, bà vội quàng cái nón mê vào khuỷu tay hớt hải chạy đến chỗ con. Bà muốn nói điều gì đó nhưng nước mắt cứ õng ra chả nói được gì nữa.
Bố đánh con trâu về, đặt cái bừa dưới đầu hồi nhà, rồi ông lặng lẽ đi về bếp vứt bịch cái giỏ cá xuống đất, rồi rổn rảng nói, năm nay cá đồng nhiều thế, vừa bừa vừa bắt cá cũng có cái sướng của thằng nông dân. Thấy mẹ vẫn quay mặt vào bếp, bố hỏi, mẹ mày mệt à, có nấu được cơm không thì “tao” nấu cho. Bố xưng tao nhưng tuyệt nhiên bố chưa một lần cục cằn với mẹ. Bố bảo, để tao kiếm ít rau làm canh cá rô đồng cho mẹ con ăn, bồi bổ cho cu Minh nó học. Mẹ sụt sịt, bỗng dưng bà khóc thành tiếng. Bố luống cuống định lại gần ôm lấy vợ nhưng ông khựng lại. Ông hiểu, ở đời này không có gì làm vợ khóc ngoài nỗi xót xa cho người con của mình.
Bữa cơm tối ấm áp, dẫu mẹ vẫn sụt sùi. Minh bảo, mai này con đi học đại học, bố mẹ có theo con được không? Mẹ lại khóc ầng ậc trong cổ họng. Bố nói gắt nhưng ánh mắt trìu mến, thôi, mẹ mày để cho bố con tao ăn miếng, canh rô đồng ngon thế này cơ mà. Nào, hai mẹ con ăn đi, mai bố đi bừa nốt lại bắt cá về ướp muối nướng củi than thì thơm phải biết. Minh nhìn bố mẹ, biết ơn vì được làm con của bố mẹ nên Minh ham học, lúc nào cũng kẹp cuốn sách bên hông, rảnh là mở ra đọc. Thầy cô cho cuốn sách nào Minh đọc gần như thuộc lòng. Môn nào em cũng học tốt, nhất là Toán. Các dạng bài tập nâng cao, Minh giải bay cả, còn đoạt cả học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, là thành viên đội tuyển Toán của tỉnh thi quốc gia. Minh học giỏi là có thật nhưng có nhiều lời đồn đoán, tâng bốc như thần đồng, khiến Minh khó chịu, bố mẹ Minh càng không muốn nghe những điều đó. Có nhiều người ở mãi bên kia Tràng Xão của tỉnh Phú Thọ nghe tiếng Minh học giỏi như thần đồng tò mò cũng lần đến xem mặt Minh rồi lẳng lặng ra về.
Vừa mới hôm qua mà nay Minh đã hoàn thành học cấp ba và được tuyển thẳng vào ngành Triết học ở Hà Nội, rồi viết đơn lên đường chống quân xâm lược biên giới phía Bắc nhưng ước nguyện đó không thành bởi đôi chân không lành lặn. Anh dằn vặt, có khi thâu đêm không thể nào ngủ được. Bố mẹ biết điều đó, càng thương con hơn. Minh được học bổng, được hỗ trợ kinh phí học tập nên bố mẹ vơi đi vất vả. Năm tốt nghiệp, anh được tỉnh nhận về làm việc nhưng tự nguyện xin lên Hà Giang lập nghiệp. Đôi mắt mẹ sưng mọng lên vì xa con. Bố anh bảo, mẹ mày cứ làm con nó yếu đuối đi, để con tung hoành chí trai, chứ như tao chỉ biết úp mặt vào sông quê thôi, cuộc đời chật hẹp lắm. Cứ để cho con nó đi... Mẹ vẫn cứ khóc nấc, vân vê đôi nạng gỗ của con trai mình. Mỗi lần tay mẹ chạm vào đôi nạng gỗ, Minh lại thấy mẹ khóc, có lẽ cả đời này mẹ chả thể nào hết day dứt khi sinh con ra không lành lặn. Minh đã cố gắng tất cả để khẳng định, người tàn tật cũng làm được mọi thứ để an ủi cha mẹ, nhưng tình yêu thương con thì chả khi nào khảo lấp được.
Chiếc nạng gỗ lại theo Minh về miền biên ải làm việc ở một đơn vị truyền thông. Những trang viết của Minh về chiến tranh, về tình quân dân, về đặc sắc văn hóa bản địa đã chiếm trọn thời gian của anh. Có lần mẹ theo xe đò mấy ngày mới lên thăm con trai được, mẹ vân vê chiếc nạng gỗ rồi nhìn con, mẹ bảo, xem có đám nào lấy vợ cho mẹ chăm cháu chứ. Bỗng Minh biến sắc mặt, bởi anh chưa nghĩ đến điều này, trong sâu thẳm, anh không muốn đẻ con ra lại tàn tật như mình, anh sợ. Vậy nên, anh đã kìm nén cảm xúc, lặng lẽ sống với những trang viết. Anh phải nén lại tiếng thở dài của cô gái đồng nghiệp ở trọ phòng bên, cô ấy nguyện làm đôi chân cho anh bước tiếp cuộc đời này, nhưng anh không đành lòng. Ngày người ta lên xe hoa, khu tập thể trở nên hoang vắng đến lạ. Anh lọc thọc chiếc nạng gỗ, đi ra đi vào nghe được cả tiếng đất cựa mình…
Mẹ thăm con trai rồi về quê để cùng bố kịp gặt lúa xuân kẻo mưa bão đến rồi. Khu trằm Đẩu nhà anh chỉ một trận mưa rào là ngập bủm, cá sông lội vào, người làng vừa gặt vừa đánh úp cá. Làng quê đẹp đến vậy cơ mà, mẹ về giữ quê hộ con nhé. Minh viết vội trong sổ nhật ký như thế khi tiễn mẹ lên xe đò. Mẹ quay lại nhìn con, mẹ lại khóc.
Gửi phản hồi
In bài viết