Cầm nhầm chạc trâu

- Phấy được cha mẹ sinh ra, cũng giống như bao đứa trẻ khác ở bản. Lớn lên, đi học cái chữ. Ngoài giờ lên lớp, Phấy cùng bạn chăn trâu, kiếm củi, hái rau rừng. Khi mười bốn tuổi, Phấy đang học lớp bảy, bố mắc bệnh trọng. Hai năm sau, khi đã dồn hết tiền từ vay mượn anh em, bà con, tiền bán ngô thóc và hai con trâu cho thuốc men, chạy chữa, không khỏi, bố Phấy bỏ lại đàn con nheo nhóc, cùng căn nhà gỗ xiêu vẹo, bên mé đồi cho bốn mẹ con nó.

Không có tiền đi học tiếp, cậu suốt ngày làm bạn với cây rừng và đi chăn trâu thuê. Sức vóc của một thanh niên rồi. Phấy chui lủi ở rừng, len lỏi khắp các nương đồi, nhiều hơn ở bản. Mặt Phấy bạc như tàu chuối héo. Một hôm, chẳng biết ma xui, quỷ khiến thế nào mà nó lạc sang xã khác, huyện khác, tỉnh khác. Bóng tối ập xuống, đàn trâu của dân từ trên đồi về bản. Một ý nghĩ xấu xa ùa vào đôi mắt Phấy. Anh quyết định “cầm nhầm sợi chạc” một con, và đuổi trâu ngược núi lần tìm về Nà Mèng. Không đèn đuốc, anh chàng người Dao, chân đất leo rừng. Khi đã xác định tới đất quen, Phấy tìm chỗ buộc trâu trong rừng rồi về. Gần sáng, anh đến nhà, bốc vội miếng cơm nguội rồi leo lên phản gỗ ngủ.

Chiều, Phấy dắt trâu sang Khau Thíp, xã bên cạnh bán. Mang tiền về nhà, Phấy giấu mọi người, dắt lên mái cọ bên chái nhà. Chừng nửa tháng sau, bỗng có hai anh cán bộ công an huyện đến nhà Phấy. Nhìn trang phục cảnh sát, Phấy đã run bắn lên. Phấy biết tội mình, khai hết. Phấy rất xấu hổ với dân bản và người nhà. Bọn bạn cùng lứa, trêu Phấy ra nhập “đội Juventut”…

Vào trại giam, Phấy được giao việc ở đội sản xuất rau sạch. Hằng ngày, gieo trồng, chăm sóc rau theo quy trình của ban quản giáo. Từ làm đất, bón lót, phòng trừ sâu bệnh đến tưới nước theo lịch sẵn. Vụ nào rau ấy, sản phẩm rau sạch đủ cung cấp cho Trại, lại còn bán ra thị trường. Theo hướng dẫn, Phấy ra đồng thu gom rơm, rạ chở về phủ mặt luống, giữ độ ẩm cho đất và ngăn cỏ dại. Cán bộ giao anh vào nhà dân chở phân trâu, bò, lợn, gà về ủ hoai mục để bón cho rau. Việc nào Phấy cũng làm được. Phấy còn được cán bộ khen. Hôm mẹ Phấy xuống Trại thăm, mẹ bảo, biết nhà mình nghèo, cán bộ Trại còn lên tận bản tặng chăn ấm và quà cho gia đình. Phấy nghẹn ngào đến rơi nước mắt.

Đấy là chuyện của hơn mười năm trước…

Bây giờ thì chàng trai Phấy đã nổi danh với trang trại rau sạch Nà Mèng. Sau khi ra trại, sức trai trẻ, lại học tập được nhiều kinh nghiệm trồng rau, màu và chăn nuôi gia xúc, gia cầm, Bàn Càn Phấy đã đầu tư làm trang trại liên hoàn. Được hỗ trợ vốn từ ngân hàng, Phấy san đồi, làm mặt bằng rồi gieo trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Chăn nuôi đàn trâu, bò để có thêm nguồn phân bón. Ban đầu, do vốn ít thì anh làm nhỏ lẻ, sau nhân lên nhờ đồng vốn sinh sôi.

Những lúc nhiều việc, Phấy thuê thêm dân bản giúp sức, trả công xứng đáng. Người miền núi, sau mỗi vụ gặt, thường đốt rơm, rạ ngay trên ruộng. Phấy thuê người thu gom chuyển về, một phần làm thức ăn dự trữ cho gia súc, phần làm nguồn phân bón khi hoai mục. Trang trại của Phấy, trong bản, ngoài xã đều biết tiếng. Người người tấm tắc khen, đến mua. Cả nhà hàng ở phố huyện cũng tìm đến đặt rau sạch. Phấy muốn cây rau từ đất Nà Mèng còn đi xa hơn, đến với nhiều vùng quê, trong và ngoài tỉnh. Năm ngoái, Phấy đã xây ngôi nhà kiên cố cho mẹ rồi. Phấy đã chia đất rừng, đất ruộng cho em trai, em gái và dành tiền cho em út đang học đại học.

Không ai còn nhớ chuyện “cầm nhầm chạc trâu” của Phấy nữa. Bản Nà Mèng đã góp công xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mẹ Phấy nhiều lần giục anh lấy vợ. Anh cười bảo, đợi lứa trâu bò và rau màu này ra nhiều tiền, con mới kiếm người về chăm sóc mẹ.

Kim Phú

Tin cùng chuyên mục