Chị hồ hởi bảo, đây, trước chú mày hay ngồi chỗ này ăn phở, có lần còn đưa bạn gái đi cùng, thế sao lại thôi. Thấy tôi im lặng, chị nói sang chuyện khác. Giờ chị có tuổi rồi, đứng nhiều đau lưng lắm, thời gian còn lại chị muốn làm việc khác, tri ân cuộc đời này. Phải suy nghĩ nhiều lắm, bao đêm mất ngủ chị mới quyết định được. Nếu cho chị chọn lại nghề, chị vẫn làm nghề bán phở, dẫu trong mắt nhiều người, cái nghề này không cao sang gì cả, nhưng với chị nghề nào cũng cao quý, không có nghề sang hay hèn. Ngày trẻ, chị cũng từng đi học cao đẳng, chị ở trọ gần nhà bác bán phở, chị xin bác làm thêm, vậy là cái duyên nghề từ ấy. Năm chị ra trường, người ta tự hào đi làm cơ quan, nhà máy nhưng chị lại quyết định mở quán phở, bố mẹ chị giận lắm. Ông bà quát mắng con nhưng chả hiểu sao chị xin cải tạo cái phòng khách để mở quán phở thì lại chả thấy ông bà nói gì nữa. Thế là chị thuê thợ sửa sang lại căn phòng khách thành cửa hàng phở. Căn phòng không rộng lắm nhưng chị bố trí ngăn nắp, cái gì cũng gọn gàng, sạch sẽ, khách đến ăn cảm thấy không gian thoáng đãng, dễ chịu.
Nói về nết sạch thì ở thế gian này tôi chưa gặp người thứ hai ngoài chị. Có lẽ sạch quá thành ra khó tính, chị bảo tôi thế. Mỗi lần khách ăn xong, nếu người chạy bàn đang bận gì đó, chị lại vội cầm khăn lau sạch bàn ăn. Chị có 2 cái khăn lau, 1 cái khô, một cái ẩm rất sạch sẽ. Bảo là khăn lau nhưng mà là khăn mới toanh, mỗi lần lau xong chị bảo người giúp việc giặt ngay bằng xà phòng, vắt khô, phơi lên dây, chứ không một khăn mà lau cho nhiều bàn ăn, với chị như thế chả khác gieo thêm mầm bệnh cả. Bát đũa, thìa ăn chị rửa sạch sẽ, hấp bằng nước nóng, phải dùng cái cặp nhôm để gắp thì được, chứ sờ vào là bỏng tay ngay. Gia vị nhà chị làm cầu kỳ lắm, rau thơm, chanh, quất chị về tận vườn các nhà chuyên canh ở ven thành phố chọn mua để biết rõ nguồn gốc, chứ không mua người bán rong. Chị bảo, mỗi bà bán hàng rong là cả mối nỗi lo cho người tiêu dùng, chẳng ai kiểm định được chất lượng sản phẩm cả. Mình không chịu khó, cứ tiện mua, chả may khách ăn phải rau chứa hóa chất, tội lắm. Họ đến với mình mà không được hưởng bát phở ngon, chất lượng, an toàn, mình đành lòng sao được. Sau mỗi buổi bán hàng, các lọ gia vị còn lại, chị đổ đi, chứ không để đến hôm sau. Nhiều nhà hàng để tương ớt, tỏi giấm lưu cữu mấy ngày, như vậy là không nên, vô tình làm cho mầm bệnh có “đất” sinh sôi. Chị cứ đau đáu điều đó nên chả khi nào lơ là công việc. Nhà có việc gì là chị nghỉ luôn, chứ nhất quyết không giao cho thợ phụ, người giúp việc mở hàng. Chỉ có chị mới cảm được cái nước phở ngon như thế nào để thêm bớt gia vị cho hợp khẩu vị của khách.
Cũng có không ít lần chị làm cho khách phật lòng vì cái nết sạch sẽ đó. Chị bảo, cũng là do mình chưa khéo léo nên người ta phật ý là phải. Sau đó thấy chị chân thành, cũng là vì sức khỏe của khách hàng nên họ thôi không giận nữa. Hôm ấy, có một vị khách ốm lắm, ho hắng suốt lúc ăn, lại còn khạc cả ra nền nhà nữa. Thấy vậy chị khó chịu lắm, chị đến gần giọng cáu kỉnh: “Anh ốm thì ở nhà, bảo vợ con mua về cho mà ăn, đi ăn ở quán đông người phải giữ vệ sinh chung chứ”. Người đó liền vứt tờ tiền trước mặt chị và bảo, “tôi chết đến nơi rồi, rạch đi ăn được là tốt lắm rồi, chị còn mắng cái gì nữa”. Đúng là mình nói đúng nhưng nói chưa khéo, lại đúng người đang mệt mỏi như vậy là không nên rồi. Nhưng thật may, thời gian sau thấy người đó lại đến cửa hàng chị, gương mặt tươi tắn hẳn. Vị khách nói chuyện thân mật và xin lỗi hành động thiếu văn minh, lịch sự hôm đó, nếu ở nước ngoài họ đã bị phạt rất nặng rồi. Chị mừng biết bao, tự nhiên nước mắt cứ trào ra.
Hôm chị “nghỉ hưu” có nhắn tin cho tôi bảo “sáng mai ra chị ăn sáng, chị bảo cái này nhé”. Chả biết thế nào tôi lại bận, mải việc mãi chiều tối mới nhớ ra, tôi gọi xin lỗi, chị bảo, không sao, có dịp đến chị chơi. Tôi vẫn vô tư như vậy, chỉ khi biết hôm đó, chị có mời tất cả khách hàng thân thiết đến quán phở chị ăn, chị muốn chiêu đãi họ một bữa phở để tri ân bao năm tháng khách hàng cứ thầm lặng gom góp cho chị những đồng tiền lẻ giúp chị dựng nên cơ nghiệp này. Nhà chị mở rộng ra, con cái học hành tử tế, có đứa còn đi du học ở Úc nhận được học bổng toàn phần, giờ làm việc ở Sài Gòn, lương cao lắm. Chị nghỉ việc không phải là đi trông cháu cho con mà chị muốn đến nhiều nơi vùng khó giúp đỡ những học trò nghèo, gia cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn.
Tôi cứ áy náy mãi vì không dự được bữa phở tri ân khách hàng của chị, giờ gặp chị khó hơn vì chị đang tất bật với những việc làm thiện nguyện. Tôi gom nhặt những câu chuyện về chị và thấy cuộc đời thật đẹp biết bao từ những việc làm nhỏ bé của con người bình dị ấy. Cuộc đời như tỏa hương…
Gửi phản hồi
In bài viết