Chị dâu

- “Anh cô đi bộ đội, nằm lại chiến trường, mình chị vẫn nuôi 2 cháu nên người đó thôi. Giờ cô có em bé, phải vui lên chứ, sao lại khóc?” Cô lại càng khóc to: “Nhưng chị là vợ liệt sỹ, còn em...”.

Minh họa: Duy Đức

Mẹ tôi biết chuyện to rồi nhưng vẫn hỏi, “Thế nhà chú ấy ở đâu, mà sao lại khóc?”- Ở bên kia sông, nhưng ngày mai họ đi lấy vợ rồi...

Hai đứa yêu nhau mà chị chả thấy mặt chú bao giờ, bố mẹ già rồi... mẹ tôi tỏ vẻ trách móc. Nhưng thôi, cuộc đời chả cần những người bỏ mình như vậy cô ạ, cô chăm bẵm đứa trẻ, để chị lựa lời nói với bố mẹ.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, cô tôi sinh hạ được thằng cu kháu khỉnh. Mẹ tôi đón tay. Ở bên mẹ tôi, cô như chả còn sợ hãi những lời gièm pha của thiên hạ. Khi thằng bé chập chững tập đi, mẹ tôi xin cho cô lên huyện làm ở nhà máy chè, nhưng cô lưỡng lự bảo vướng thằng cu. Mẹ tôi bảo, để chị lo cho cháu, cô cứ đi làm, mỗi tháng gửi về cho chị mấy đồng, không có cũng được. Ở nhà chị có ruộng vườn, gà lợn và nhiều thứ khác, chị lớn tuổi rồi, cô phải ra ngoài để học hỏi thêm nhiều điều.

Thằng bé con cô tôi ở nhà được mẹ đặt tên ngộ lắm, thằng Thừa, nhưng trong giấy khai sinh là Minh Chung lấy họ Trần của mẹ tôi. Lúc cô tôi đi làm công nhân trên huyện, thằng Thừa đứng nhìn rồi chạy lại ôm chầm lấy mẹ tôi khóc òa.

Cô đi bẵng, thi thoảng gửi lá thư về cho chị, mẹ tôi hiểu điều gì nhưng muốn giải thoát cho cô khỏi nỗi khổ điều tiếng... Chúng tôi lớn lên vẫn không nhận được tin tức gì về bố. Mẹ thấp thỏm đợi chờ, có hôm mẹ về tận cuối xã hỏi bác mới ra quân về bố nhưng đều rơi vào vô vọng. Mẹ cứ đi hỏi khắp như thế, cho đến khi bạc hết mái đầu. Thằng Thừa lớn lên nó càng ngoan, nó ước mơ sau này làm nghề lái xe ô tô, mẹ tôi bảo học thêm cái gì chứ ô tô sau này nó như xe đạp thôi con. Mẹ nhận được tin cô tôi có bạn trai ở Hà Nội, hai người gặp nhau rồi đưa nhau về đó ở, vẫn để thằng Thừa cho mẹ tôi nuôi. Cô có biên thư cho mẹ, bảo sắp xếp được thời gian về báo cáo chị. Ông bà tôi vì suy nghĩ nhiều nên khuất núi từ khi thằng Thừa còn chưa đẻ.

Trong lòng mẹ tôi vui vì cuối cùng cô tôi cũng có được tấm chồng. Thằng Thừa cũng lớn rồi, học hành cũng khá, tốt nghiệp cấp ba thi đỗ hẳn vào trường đại học ở Hà Nội. Mẹ bảo, không có gì phải lo, bác chuẩn bị đủ cả rồi, hai anh chị cũng sắp học xong, biết đâu về Hà Nội cháu lại gặp người thân...

Thằng Thừa cũng chưa hiểu được hết những điều mẹ tôi nói vì nó nghĩ mẹ nó đi đâu đó rất xa rồi. Cuối cùng điều đó cũng đến, nó mới mường tượng nhớ lại câu nói của mẹ tôi hôm ấy đưa nó về Hà Nội học. Tôi và cô em gái cũng theo mẹ đưa nó đi, mẹ đãi một bữa cơm Hà Nội, ăn bát phở mà chúng tôi thấy ngon đến tận bây giờ. Dạo đấy chưa có điện thoại, thằng Thừa nó chăm viết thư thăm mẹ tôi lắm, lúc nào nó cũng sợ mẹ tôi ốm, không có ai chăm. Cô tôi vẫn đi xe đò lên thăm mẹ tôi vào cuối tuần, thắp hương cho ông bà, bố tôi nữa rồi để vội gói quà bảo của thằng Thừa nó gửi bá.

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục