Hoàn thành việc quân, ông chuyển ra làm việc dân. Như là duyên trời định ông được giao nhiệm vụ làm quản lý văn hóa ở cấp huyện. Môi trường này đã tạo đà và giúp ông có thêm điều kiện để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, có kiến thức làm nền tảng thế là cái vốn Then bẩm sinh trong ông càng giàu có và phát triển. Là người say mê tiếng hát Then, suốt trong thời gian công tác, bên cạnh việc trau chuốt tiếng hát Then cho riêng mình, ông còn tích cực tổ chức nhiều lớp huấn luyện, chuyên học hát Then cho nhiều người yêu Then trong và ngoài tỉnh. Nhiều lớp đông, đàn thiếu ông tự làm đàn cho học viên; ông không mảy may tính tiền học của bất cứ ai bao giờ. Vậy nên người ta mới yêu quý ông, ngày lễ Tết mang biếu ông cân gạo nếp nương, chai rượu, ông gật gù, bảo thế là nhiều lắm rồi.
Từ ấy, tiếng đàn Tính cứ từ bàn tay những cô gái, chàng trai ngân vang khắp bản làng và Then Tuyên Quang đã cùng với Then Việt Bắc trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cũng nhờ công lao truyền dạy của ông.
Ông còn là người thơ, nhưng cái cái hay ở chỗ thơ ông làm theo lối của Then, đọc cũng hay mà hát lại càng hay, rất đằm làn điệu ới la của Then xứ Tuyên. Trích đọc vài đoạn rồi lại tự hát thì thấy càng thích.
Vào đông xuân bản em vui lắm
Tấp nập như bướm lượn tháng ba
Dưới đồng em thi đua sản xuất
Trên nương anh tấp nập trồng cây
Nếu chỉ đọc lướt sẽ cho đây chỉ là mấy câu vần cổ vũ cho việc tăng gia sản xuất khi mùa vụ đến nhưng ngẫm là thấy rất thơ bởi câu chữ mộc mạc, hồn nhiên, hồn nhiên như thật. Phong cảnh vào vụ đông xuân được miêu tả như bướm lượn tháng ba. Hình tượng này nói sự tấp nập, rộn ràng nhưng nó không tung trời thỏa thích mà cánh bướm ở đây lại nhịp vào làn điệu: “Dưới đồng em thi đua sản xuất/Trên nương anh tấp nập trồng cây”... Công việc dưới đồng, trên nương như đôi cánh bướm xòe ra khép lại tạo một dáng điệu nhịp nhàng, tấp nập của ngày hội đông xuân rất sống động. Thế, nó là thơ chứ. Thơ lại dịu dàng, có làn, có điệu nên hát cũng dễ mà rất hay:
Vào đông xuân...ới la...a.a bản em vui lắm...a a.
Tấp nập như bướm lượn...ớ ơ... tháng ba...a a.
Ới la như hòa vào thiên nhiên, hòa vào đất trời, thơ mới đẹp làm sao. Giờ ông đã trở thành người thiên cổ, nhưng tiếng thơ từ điệu Then còn ngân mãi. Ông đã gieo được lớp lớp người yêu Then, gìn giữ như báu vật cho con cháu hôm nay và mai sau. Thế hệ này già đi lớp “măng non” lại mọc lên những “mầm” Then cuồn cuộn sức sống, làm giàu cho kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết