Chuyện về một thầy giáo

- Thi thoảng tôi vẫn gặp ông, dẫu tôi chỉ bằng tuổi con ông nhưng ông luôn coi tôi như một người bạn, bù lu thơ phú, rồi những năm tháng ông dạy học ở mảnh đất Tuyên này lại bày ra...

Minh họa: Xuân Đức

Tôi và ông là đồng hương tỉnh Vĩnh Phúc, ông lên Tuyên dạy học từ năm tháng còn trai trẻ tại Trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang), khi nghỉ hưu ông về quê, nhưng bác cháu vẫn liên lạc với nhau, có khi ông đọc thơ qua điện thoại cả tiếng cho tôi nghe, rồi hỏi “mày thấy tao tài không”. Đó là câu cửa miệng mỗi khi ông đọc bài thơ nào đó cho tôi nghe, chỉ riêng tôi ông mới hỏi câu đó, ông bảo, có phải ai cũng hiểu “tao” đâu, họ lại bảo mình hênh hoang.

Ngót hai mươi năm gắn bó với Tuyên Quang ông luôn một lòng, một dạ thương yêu học trò và dành cả trái tim nhiệt huyết cho thơ. Lòng dạ ông đã thăng hoa vào mỗi con chữ, thắm vào lớp lớp thế hệ học sinh của trường Tân Trào những kỷ niệm sâu sắc trong tình cảm thầy trò vừa chan hòa vừa đúng mực. Nhiều người bây giờ đã trưởng thành có vị trí nọ, vị trí kia nhưng mỗi khi nhớ đến thầy giáo vẫn một mực tôn kính và vẫn thấy như là học trò của ông đang còn ngồi trong lớp học. Điều tôi nói là sự thật hiển hiện ở ngoài đời. Tôi chỉ là người kể lại. Ấy là một bận đi công cán ở một huyện, câu chuyện đưa đẩy thế nào tôi nhắc đến thầy, mấy người rất tự hào bảo, “tôi là học trò của thầy đấy, thầy là người rất cá tính, giảng văn như là người dắt nhân vật, hoàn cảnh, sự đời về trước mắt mình, dễ nhớ, dễ hiểu, trong giờ học thì nghiêm như quan võ nhưng ra ngoài lại vui rộn chan hòa với học trò như người thân”.

Thầy còn có cái tài cảm hóa học trò biết sửa đổi khuyết điểm của mình ngay qua các bài giảng văn. Tôi quen một anh bạn là học sinh của thầy có kể lại rằng, có lần nghịch ngợm, anh đập vỡ cánh cửa kính lớp học, hồi đó lớp vừa xây xong. Bảo vệ nhà trường tra lùng mãi cũng không ra thủ phạm. Chả biết thầy có nghi anh không nhưng hôm sau vào giờ văn lại học bài Tây Tiến, thầy phân tích bài thơ mà cả lớp ngồi lặng, cứ thấy đoàn quân hiện ra trước mắt, có đứa xúc động còn sụt sùi khóc. Kết thúc giờ giảng thầy bảo: Cha ông ta đã ra trận, giành giữ nước gian lao và hy sinh như thế để chúng ta hôm nay có mái trường đẹp như thế này mà ngồi học, ấy thế mà các em lại nỡ tay đập vỡ cái cửa đẹp như thế kia. Anh ngượng quá, định đứng lên nhận tội nhưng chả biết tại sao không nhấc được người lên. Nhưng từ đó anh sửa đổi, chăm học và ngoan hơn, cuối kỳ thi anh tốt nghiệp và thi đậu vào đại học. Anh thở dài...   

Mỗi lần tôi và ông gặp nhau, ông chả muốn cho tôi ngủ, ông bảo, ngủ sắp hết cuộc đời rồi, đêm nay “tao đọc thơ cho mày” nghe. Vẫn cái giọng điệu đáng yêu đó, ông lại hỏi “tài không, có ai nghĩ được áng thơ hay như mình”. Mà thơ ông hay thật, ông ngâm thơ càng hay, thuộc lòng từng bài, chứ không phải mở ra đọc như người khác, bởi ông làm thơ từ huyết mạch, từ trái tim với xứ Tuyên, với quê hương bản quán nên thắm đượm và da diết. Con cào cào trong thơ ông cũng như một hình tượng lung linh ở xứ quê mình. Rồi cánh hoa di lăng kia nữa nở bên bến sông cũng thật lấp lánh:

Hoa di lăng mang nắng chiều vàng

Càng tỏa ngát đêm rằm tháng tám

Bao kỷ niệm tuổi thơ

Chợt nhớ từng mái trường, từng góc phố...

Ông là vậy, sống hết mình, làm việc hết mình, yêu thơ hết mình mà chơi cũng hết mình... Đấy là cá tính, một cá tính rất người.

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục