“Mấy đời bánh đúc có xương…”

- “Nào Nhụt ngoan, bây giờ vào nhà để mẹ cho xem tivi nhé, ai nắng thế này lại trèo lên ngọn cây ổi, con sâu nó cắn đấy”. Những tưởng đó là câu vỗ về đứa trẻ lên 4 lên 5 thế nhưng đó là lời yêu thương của một người mẹ dành cho con gái năm nay đã 34 tuổi. Suốt bao năm nay bà Lan vẫn kiên trì, nhẫn nại chăm sóc 2 đứa con của chồng bị nhiễm chất độc da cam như thế.

Đó là cái Nhụt và cái Nhì, 2 chị em cách nhau 1 tuổi. Nhụt là chị cả, trí tuệ chỉ như đứa trẻ 4 tuổi, còn Nhì thì có phần lanh lợi hơn nhưng lại không biết nói. Bà Lan vẫn bảo: “Chúng nó trông thế mà khôn phết đấy. Cái Nhụt thì chỉ thích trèo leo thôi chứ giúp mẹ được khối việc, cuốc đất, trồng rau, chăn gà đâu ra đấy. Còn cái Nhì nhé! Chở mẹ đi chợ bán hàng, lên ủy ban xã. Có lần xuống cả thị trấn, chị ta đạp xe vèo vèo, khỏe lắm!”.

Ngày mới về lấy ông Tong, là thương binh, có 2 đứa con nhỏ, đứa lên 2 tuổi, đứa 3 tuổi, bà Lan bị người thân phản đối kịch liệt. “Đường đường là gái chưa chồng lại lấy một người bị mất một bên mắt, đèo bòng thêm 2 đứa con nhỏ thì khổ không có lối thoát”, “Lấy ông thương binh hưởng thêm tý lương mình lại phải phục vụ cả đời thôi mà”, “Ôi! Con ông ốm dặt ốm dẹo thế! Chả biết có chăm nổi không”…

Bỏ qua mọi lời dị nghị, bà Lan một lòng, một dạ về sống chung cùng ông Tong. Bà bảo: “Mình phận con nhà mồ côi được làng xóm đùm bọc nuôi nấng, mình có cần gì đâu. Chỉ mong lấy được người yêu thương, vợ chồng sớm tối bên nhau, chăm lo gia đình. Con chồng cũng như con mình, mình yêu nó thì nó cũng yêu lại mình thôi”.

Thế mà đã hơn 30 năm về sống chung với biết bao cay đắng ngọt bùi. Bà Lan thừa nhận, ban đầu cái Nhì, cái Nhụt còn nhỏ nên không biết bị bệnh tật gì cả. Dần dà sau mới biết là do ảnh hưởng chất độc da cam nên đứa thì bị thiểu năng, đứa bị câm điếc. Hai vợ chồng chạy chữa khắp nơi, bà đau xót càng thương các con bội phần nên ra sức bù đắp, chăm sóc các con tận tình.

Cũng may cu Thắng con trai của vợ chồng bà thì phát triển khỏe mạnh bình thường. Bà luôn dạy dỗ con trai phải yêu thương các chị. Sau này bố mẹ có mất đi phải có trách nhiệm với hai chị gái.

Hôm nay ngày cuối tuần, Thắng từ Hà Nội về thăm gia đình. Hai chị Nhụt và Nhì reo mừng đón em trai: “Thắng về rồi, Thắng là sinh viên đại học Hà Nội về rồi!”. Bà Lan từ bếp bước ra, ông Tong đi theo sau bê mâm cơm lên gian chính. Ông Tong vội vã giục bà Lan: “Kìa mình, nhanh tay dọn cơm cho các con ăn đi mình, chúng nó chắc đói cả rồi, mình chắc cũng đói lắm rồi nhỉ”. Và trong bữa cơm hôm đó, hòa trong tiếng cười nói rộn ràng của bọn trẻ, ông Tong nhìn bà Lan âu yếm: “Cảm ơn mình nhiều lắm!”. Bà Lan mỉm cười hạnh phúc như thầm cảm ơn cuộc đời này đã tặng cho bà một mái ấm bình yên, tràn ngập yêu thương.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục